Cảm ơn thiên thần “Chim cánh cụt”
Đăng lúc 16:34 ngày 11/10/2012
Không có đôi cánh để bay cao, loài chim cánh cụt vẫn sinh tồn và vui sống trong những vùng khí hậu khắc nghiệt bão tuyết mênh mông…
Không có đôi cánh để bay cao, loài chim cánh cụt vẫn sinh tồn và vui sống trong những vùng khí hậu khắc nghiệt bão tuyết mênh mông…
Năm học cuối cấp 2, tôi được tham gia vào trại hè dành cho những học sinh đạt kết quả cao trong học tập. Một trong những sinh hoạt hào hứng nhất là cuộc thi kiến thức giữa các đội viên. Trải qua nhiều vòng thi, tôi và 2 đồng đội lọt vào trận chung kết. Nổi bật ở đội bên là thằng bé ngồi giữa có gương mặt rất khôi ngô và đôi mắt sáng. Khác với chúng tôi luôn giơ tay tranh nhau trả lời, thằng bé hầu như không nhúc nhích nhưng nó thường đưa ra được câu trả lời khó làm mọi người ồ lên thích thú. Tính háo thắng làm tôi thêm bực bội mỗi khi giám khảo quá ưu ái thằng bé reo lên: Ồ, thí sinh đáng yêu… thiên thần của chúng ta lại đáp đúng rồi! Câu hỏi cuối cùng về đề tài hóa học để phân thắng bại. Đúng ngay sở trường của mình tôi hấp tấp đưa ra kết quả và chắc mẩm sẽ dạy cho “thằng nhóc” một bài học. “Chưa đúng” tiếng cô giám khảo vang lên làm tim tôi muốn rơi ra ngoài và đội kia đã chiến thắng với câu trả lời của thằng bé “được thiên vị” mà tôi ghét cay đắng.
Chim cánh cụt tung tăng
Lúc trao giải tôi được xếp đứng gần “đối thủ” và… tôi không tin nổi vào đôi mắt mình nữa. Thằng bé “thiên thần” có đôi cánh tay ngắn củn, teo nhỏ như treo lủng lẳng trên vai thật tương phản với gương mặt đẹp như tranh vẽ của nó. Tôi hài lòng với ý nghĩ đầy đố kỵ trẻ con: “Nhờ bị tàn tật nên mọi người mới… hoan hô nó”. Đáp lại nụ cười thân thiện của thằng bé tôi thúc vào cánh tay dị tật khi tên nó được xướng lên nhận giải thí sinh xuất sắc nhất: Ê, lên nhận giải kìa, đồ thiên thần… chim cánh cụt! Nụ cười trên môi nó tắt ngấm, tôi hả hê vô cùng. Những ngày tiếp theo, tôi “chăm sóc” thằng bé rất kỹ. Vốn là thủ lĩnh những trò chơi thể thao ngoài trời, tôi phớt lờ và chẳng nhường nhịn thằng bé chim cánh cụt chút nào ngay cả khi nó là đồng đội hay ở đội đối phương. “Chim cánh cụt” tham gia tất cả những trò chơi vận động ngoài trời, nó không chịu nhận bất kỳ sự ưu tiên nào, nhiều lúc bị tôi chèn ngã trên sân, nó té lăn lóc nhưng rồi kiên cường đứng dậy, hào hứng chơi tiếp, tính cách đó làm tôi nể phục nhưng lại càng ghét nó hơn.
Ngày cuối trại hè đến, tôi lang thang đi ra phía sau đồi nhìn lại nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó. Bất chợt tôi nghe tiếng nói sau lưng: “Chào bạn, bạn học trường nào vậy, mình tên Định… “Tôi quay lại bắt gặp thằng bé với nụ cười hiền lành quen thuộc. Không hiểu sao sự cố chấp dâng lên, tôi phũ phàng hất tay nó: “Tớ không thích nói chuyện với… đồ chim cánh cụt!” Quay mặt bỏ đi tôi quên rằng phía sau là một triền dốc rất sâu.
Hụt chân tôi trượt xuống dốc nhưng cũng kịp thấy thằng bé giơ cánh tay về phía tôi, cánh tay nó ngắn củn nhưng cũng đủ cho tôi bám vào. Tôi trôi dần xuống hố kéo theo Định nhưng nó nhất quyết không buông tay tôi. Cố ghì tôi lại bằng đôi bàn tay yếu ớt, máu chảy từ cánh tay Định do gai xương rồng đâm vào nhỏ lên vai áo trắng của tôi.
Mọi người nghe tiếng kêu đã kịp thời đến kéo tôi và Định lên. Chậm một chút thôi tôi và “chim cánh cụt” đã lọt vào đám gai nhọn dưới hố sâu và rồi không biết hậu quả sẽ đến đâu. Trở về trường cũ tiếp tục học hành, tôi không kịp một lần cảm ơn người bạn mới. Mọi chuyện cũng dần quên.
Trước kỳ thi vào đại học, một đêm tôi trải qua giấc mơ thấy mình ngã từ một độ cao rồi bổng dưng một bàn tay ngắn củn, nhỏ bé nhưng mạnh mẽ kéo tôi lại… Thức giấc, nước mắt tôi vẫn còn ướt đẫm với lòng hối hận dâng trào khi hồi tưởng lại những gì tôi đã đáp lại sự nhiệt thành, nhận hậu của người bạn nhỏ. Sự nông nổi ở tuổi chẳng trẻ con cũng chưa đủ làm người lớn của tôi hẵng đã làm tổn thương rất nhiều người bạn quên mình cứu tôi năm xưa.
Tốt nghiệp đại học Y Dược, như một cơ duyên tôi được học bổng nước ngoài du học chuyên ngành phục hồi những khuyết tật trên cơ thể con người do tai nạn, bệnh tật hay bẩm sinh. Hoàn thành chương trình cao học, tôi đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ… Bệnh nhân đầu tiên của tôi là một bé gái năm tuổi mất một mắt do tai nạn, sau khi được lắp mắt giả vào rất khó để nhận biết trên gương mặt xinh xắn của em có một mắt do bác sĩ tạo ra. Những giọt nước mắt của người mẹ đã rơi trên nụ cười ngây thơ của cô bé, mừng cho bé từ nay không còn bị bạn bè đồng trang lứa trêu chọc. Tôi thấy lòng ấm áp thật khác xa với niềm vui nghịch phá vô tâm thuở thiếu thời. Tôi nhớ đến gương mặt vị tha người bạn ngày nào với đôi tay nhỏ bé. Có thể trong cuộc đời chúng ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau, nhưng bạn đã cho tôi bài học quý báu về lòng nhân hậu, sự can trường vượt qua những khắc nghiệt của số phận với trái tim yêu thương, rộng mở.
Tự trái tim mình tôi vẫn nợ một lời xin lỗi muộn màng và cảm ơn đến người bạn thiên thần “chim cánh cụt” ngày xưa…
(sưu tầm)