30 mẹo ngạc nhiên cho nhà bếp
Đăng lúc 21:40 ngày 14/06/2013
Cá thính hay cá muối chua là đặc sản của huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc)
Nguyên liệu làm món cá thính chua đơn giản nhưng công đoạn hết sức công phu và cầu kỳ. Đầu tiên, sau khi bắt hay mua về, cá được làm sạch ruột, bỏ đầu, để ráo nước. Xếp cá vào vại hay lọ thủy tinh theo thứ tự một lớp cá, một lớp muối. Tỷ lệ muối và cá là 10kg cá/1,5kg muối. Lớp trên cùng của vại phủ kín muối và dùng nan tre đậy thật kín. Để vại cá muối trong nhà khoảng 4 – 7 ngày, thì gỡ cá ra khỏi muối, dùng tay ép cho cá chảy hết nước và mang đi phơi nắng cho cá se lại.
Dùng tay nhồi bột thính (được làm từ ngô và đỗ tương rang xay thành bột) khắp mình cá từ trong ra ngoài thật đều. Rồi xếp vào vại sành đã rửa sạch. Đậy vại bằng nan tre đan thật kín rồi úp ngược vào bát nước sôi để nguội. Khoảng 2 tuần sau sẽ có món cá thính chua có mùi thơm nức của thính gạo, vị chua chua của thính lên men và đặc biệt, thịt cá phải có màu hồng ngấu chín.
Có thể chế biến cá thính chua thành nhiều món nhưng ngon nhất là đem nướng trên than hoa. Miếng thịt cá nóng hôi hổi thơm phưng phức, không chỉ “thổi bay” nồi cơm một cách nhanh chóng mà còn khiến cánh đàn ông uống đến “cạn chai”.
2. Dứa Tam Dương
Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Các loại dứa ở đây đều có đặc trưng riêng như dứa mật nhiều nước và rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt, vị chua. “Dứa Hướng Đạo” quả nhỏ, ruột dòn, vị ngọt mà dốt dốt chua, ăn ngon nhất.
Đến đây, ngoài việc tha hồ “ăn” dứa đến no bụng với hai cách. Một là gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, chỉ còn ít ruột bên trong (độ nửa quả) mà ăn thì không rát lưỡi; Hoặc đập đập dứa vào gốc cây hay thớt gỗ, vừa đập vừa xoay cho cho ruột dứa nát ra nước mật, sau đó dùng dao nhọn khoét một lỗ và ghé miệng vào uống. Du khách còn có dịp ngắm nhìn rừng dứa bạt ngàn. Đẹp nhất là vào mùa quả chín, mỗi cây dứa cứ như một bông hoa xanh khổng lồ với nhụy là quả dứa vàng ươm có túm tóc xanh xanh dựng đứng trên đầu.
3. Tép Dầu đầm Vạc
Đầm Vạc, nơi sản sinh ra loại tép được tán tụng "Cỗ chín lợn, mười trâu/ Cũng không bằng tép Dầu Đầm Vạc".
Đầm Vạc là một hồ nằm ở giữa trung tâm Thành phố Vĩnh Yên. Diện tích mặt nước rộng gần 500ha, đáy sâu nhất 4,5m, trung bình 3,8m. Đầm Vạc là nơi cung cấp một lượng lớn hải sản cho Vĩnh Phút, nổi bật nhất là tép Dầu, có người viết là “giầu”, và giải thích rằng tép giầu đầm Vạc khi rán và kho khô nó có màu sắc và hình dáng giống cái bã giầu - bã trầu, các bà các chị ở nông thôn ăn giầu vứt bỏ.
Tép Dầu đầm Vạc có chiều dài của từ 5-7cm, chiều ngang chừng 1cm. Mùa thu hoạch tép Dầu từ tháng 8 – 10, khi đó, bụng tép Dầu chứa đầy trứng. Tép dầu đầm Vạc xương ít và mềm, rán ăn ròn tan, béo ngậy, kho tương vừa ngọt vừa bùi. Các cụ ngày xưa đã tán tụng “đặc sản tép dầu đầm Vạc” còn ngon hơn cả thịt trâu, thịt lợn.
4. Chè kho Tứ Yên Lập Thạch
Tương truyền vào thế kỷ 6, làng Tứ Yên, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đầm Miêng được sử sách ghi là hồ Điển Triệt, nơi Lý Bí đắp thành chống giặc nhà Lương. Nhân dân thường tiếp tế lương khô, trong đó có món chè kho cho quân lính của Lý Nam Đế. Chè kho có thể để được 10-15 ngày không bị thiu ôi nên được nghĩa quân tích trữ làm lương khô, mang theo trận mạc dài ngày, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Cách nấu chè kho khá đơn giản. Đậu xanh, đồ chín, giã nhuyễn. Hòa đường trắng với nước đun sôi để nguội. Trộn đậu và nước đường với nhau rồi nhào cho thật đều tay. Hay bạn có thể cho đậu xanh giã nhuyễn vào nước đường đun sôi, nấu từ từ cho đường và đậu hòa quyện vào nhau. Đơm chè bằng muỗng ra đĩa nhỏ qua miếng lá chuối đã chuẩn bị sẵn, dùng tay nén cho đĩa chè kho được tròn, mịn và chặt.
Đĩa chè có màu vàng tươi, mịn màng của đỗ giã nhuyễn, lấm tấm màu nâu của vừng phủ bên trên, vị chè ngọt đậm khác hẳn với những loại chè khác. Thưởng thức chè kho đúng cách nhất là nhâm nhi với trà sen.
5. Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa (Yên Lạc)
Rượu dừa được chế biến như sau: Sau khi sơ chế phần vỏ, quả dừa được tiêm vào hỗn hợp gồm nếp cái và men theo một tỷ lệ nhất định hàn kín lại đem ủ cho đến khi có đủ hương cay nồng đặc trưng của rượu và vị thơm ngọt từ nước dừa.
Đặc trưng của một bầu rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa ngon là khi ngửi có mùi thơm mát đặc trưng của hương dừa, khi uống có vị ngọt nhẹ, đặc biệt không gây cảm giác háo nước, đau đầu.
6. Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường
Bánh trùng quyến rũ mọi người với vị ngọt đậm của mật mía, mùi thơm nhẹ của gừng hòa cùng lớp bánh trắng dẻo bên trong, lẫn trong hương thơm của vừng.
Cách làm bánh trùng khá đơn giản. Gạo nếp ngon đãi sạch, ngâm qua đêm, xay mịn, để ráo. Tạo hình bánh bằng cách nắm bột thành những nắm có hình giống quả trám. Mật mía mua về, pha với nước lọc, đem đun sôi rồi thả từng viên bánh vào. Khi nước mật sôi trở lại, bánh trong là đã chín. Múc bánh ra đĩa, phủ nước mật vừa đun lên, rắc thêm một chút vừng đã rang thơm, món bánh đã sẵn sàng để thưởng thức.
7. Bánh nẳng và bánh gạo Lập Thạch
Bánh nẳng và bánh gạo rang cũng được làm bằng gạo nếp hoa vàng nhưng cách làm khác nhau.
Gạo nếp làm bánh nẳng được ngâm qua đêm trong nước Nẳng, vốn là tro của các cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá dáng, lá si, tầm gửi cây dọc... Sau đó, vớt gạo ra để ráo nước, rồi gói bằng lá chít đã luộc và rửa sạch. Luộc bánh khoảng từ 5- 6h.
Bánh gạo rang được ngâm trong nước quả vàng dành cùng ruột cỏ bấc đèn, cây dáy và tro cây vừng đốt ra trong ba ngày đêm. Sau đó, vớt nếp ra để ráo rồi cho chõ xôi. Xôi chín đem trộn đều với mỡ heo, rải ra nia rồi dùng vồ đập đi đập lại trong vài giờ cho hạt xôi bẹt ra. Sau đó lại phơi khô, rồi để nguội, trộn mỡ heo mới cho vào chảo rang cho nổ bung ra. Đun sôi mật, rồi đổ gạo rang vào đun, quấy đều rồi đổ ra, dàn mỏng trong mâm. Dùng đoạn cây tròn lăn đi lăn lại cho bánh lèn chặt. Dùng thước và dao sắc cắt thành từng cái rồi đem gói trong giấy bóng kính.
8. Bánh gio làng Tây Đình - Tam Hợp - Bình Xuyên
Bánh gio Tây Đình còn gọi là bánh nắng. Cách làm món bánh như sau: Vo gạo nếp đã sang sảy thậy kỹ đến khi nước trong, để ráo rồi đem ngâm vào nước vôi trong khoảng 2 tiếng. Vớt nếp ra, để ráo nước mới đem ngâm vào nước nắng (gio than của ba loại cây: Tầm gửi cây dọc, thân lá cây vừng khô và thân cây sương song) qua một đêm, vớt ra để ráo nước.
Dùng muôi xúc gạo đó cho vào giữa lá chít đã luộc vài nước, dàn gạo đều và dài ra, gói lại lăn tròn vấn bẻ hai đầu lá kín lại dùng lạt mềm buộc chặt. Mỗi cái bánh gio chỉ dài chừng hơn gang tay. Nấu bánh trong khoảng 3 tiếng.
Lưu ý trong quá trình làm bánh gio, tất cả nguyên liệu và dụng cụ đều không được dính dầu mỡ.
9. Bánh ngõa Lũng Ngoại
Trong các món bánh của Vĩnh Phúc, bánh ngõa có công đoạn chế biến cầu kỳ và công phu nhất.
Gạo nếp vo đãi sạch, để ráo nước rồi nghiền thành bột nhỏ mịn. Đậu xanh xay vỡ đôi ngâm qua nước để vỏ đỗ bong ra, đãi sạch vỏ rồi để khô. Lấy một phần đậu xanh nấu với mật thành chè kho, phần còn lại sao trên lửa khi hạt đậu có màu vàng hạt dẻ; để nguội đem nghiền thành bột nhỏ mịn.
Trộn nước với bột gạo nếp nhào dẻo thành một cục, chia thành các viên nhỏ, rồi dàn mỏng từng cục, cho chè kho vào giữa làm nhân rồi vê kín bánh. Đun sôi nước, thả bánh vào luộc. Khi bánh nổi lên là đã chín. Vớt nhẹ từng cái, chờ ráo nước rồi cho vào mâm đã rắc bột đậu làm áo. Trở đều hai mặt bánh sao cho càng ngấm nhiều bột áo, càng tốt.
Thường Đỗ ( Du lịch 24h)