Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Tâm cảm với rượu cần

Đăng lúc 10:25 ngày 29/09/2006
Photo
Mười lăm năm trở lại Tây Nguyên, bạn bè đồng môn cũ thời mới ra trường cùng nhau lên miền núi công tác, hẹn gặp mặt tại một nhà rông Tây Nguyên. Bữa ăn toàn những món đặc sản miền núi, nhân viên phục vụ ăn mặc đều là trang phục thổ cẩm của đồng bào dân tộc và thức uống dĩ nhiên là rượu cần.
 


Nhưng vị rượu cần sao mà nhàn nhạt, nó như một loại đồ uống lên men ngòn ngọt, vô duyên thế nào ấy, không phải như ngày trước, tôi nói. Bạn bè gạt ngang: Thôi mà bạn, thời buổi thị trường rượu cần cũng là thứ hàng hóa mất rồi, cứ uống đi, loại nào cũng túy lúy càn khôn cả...

Vâng, dẫu biết thế, nhưng trong ký ức tôi vẫn dậy lên men thơm của một thứ rượu cần ngây ngất, hào sảng của một thời lang thang gần 10 năm qua nhiều buôn làng. Một thứ hương vị còn thấm đẫm vị giác đến tận bây giờ, nó ấn tượng như những gì mẹ đã cho ta ăn thời thơ bé, không thể thay thế được.

Rượu cần phải được uống giữa buôn làng, giữa nhà sàn. Uống ở nhà rông cao vút (người Bana, Sê Đăng, Gié Triêng...), nhà dài (người Êđê)... uống nhẩn nha suốt cả đêm với gió rừng chấp chới, ngân nga giữa ngàn cây lá và sương khuya...

Tùy theo vùng, rượu cần được ủ bằng cơm, bắp, khoai mì đã nấu chín rồi giã nát, vo lại từng viên nhỏ và trộn với men. Có nhiều nơi thích ngọt trộn thêm chuối, thích cay trộn ớt. Còn men là một thứ rất lạ, do bàn tay của người vợ len lỏi vào rừng tìm hái những thứ lá, có khi là vỏ cây, rễ đem về để ủ. Loại men này dưới bàn tay tinh quái đầy ma thuật của người phụ nữ đã làm mê hoặc, say đắm người chồng, vốn là những người coi thú lang thang là một đam mê khó rời bỏ, ẩn tàng trong máu thịt như bản tính tự nhiên (theo nhà văn Nguyên Ngọc, loại lá cây này mang độc tính nhưng khi người vợ đem về trồng trong vườn nhà thì độc tính tự nhiên biến mất). Bởi vậy rượu cần, trước hết là thứ nước uống cất lên từ "men say" của những huyền thoại đại ngàn. Thứ hai, nó xuất hiện cũng bắt nguồn bởi tình yêu của vợ muốn quấn lại chồng với mong muốn "anh ơi anh ở lại nhà; ngây ngất cùng em".

Tuy vậy, cần nhớ rằng, tự bản thân rượu cần cũng chưa đủ sức tạo ra một sức mạnh cám dỗ, mà cần có những thành tố khác để người thưởng thức được trọn vẹn hơn.

Bếp lửa, đêm tối rừng núi, cồng chiêng, buôn làng, già làng, phụ nữ... là những thành tố để rượu cần trở thành một kỳ tửu đậm chất Tây Nguyên. Văn hóa vật thể hay phi vật thể đã tồn tại, bao giờ cũng thế, theo cách cộng sinh, tương hợp, là tổng hòa các mối quan hệ... Uống rượu cần mà thiếu bếp lửa cũng là thiếu một "chất men" đời. Ở Tây Nguyên, bếp lửa nhà nào cũng cháy đỏ suốt đêm. Uống rượu cần mà không có lửa đã mất hết một nửa thi vị. Những đêm lễ hội, rượu và lửa đã hâm nóng cho điệu nhảy. Và tiếng cồng chiêng cứ thế mà vang vọng ngân xa như những nhát kiếm chém tạt vào mênh mông đêm tối...

Những ngày hội Pơ thi (lễ bỏ mả), lễ đâm trâu, nhiều nơi đã sắp đầy trên sàn nhà hàng chục ghè rượu. Người làng quây quần uống ngày này qua ngày khác. Uống say thì ngủ, tỉnh lại cứ ngồi tiếp tục.

Trở lại Tây Nguyên lần này, tôi được tham dự một buổi trình diễn âm nhạc cồng chiêng tại buôn Kossier. Đội cồng chiêng của buôn được xem là tiêu biểu cho loại hình nghệ thuật này của miền Trung Tây Nguyên, đã đi biểu diễn nhiều nơi ở nước ngoài. Vẫn bếp lửa bập bùng và đầy đủ các nghệ nhân điêu luyện nhưng thú thật, tôi cảm thấy thất vọng vì buôn làng Kossier gần Buôn Ma Thuột nên đã bị đô thị hóa mất rồi. Âm nhạc cồng chiêng thay vì được biểu diễn trước ngôi nhà dài truyền thống lại tổ chức trên cái sân xi măng, trước ngôi nhà bê tông cốt thép. Trong buổi diễn ấy còn có một số du khách nước ngoài. Làm sao họ có thể cảm nhận một cách sâu sắc được nền âm nhạc đầy tính hoang dã núi rừng trong một bối cảnh như thế!

Rượu cần nếu được coi là một loại văn hóa ẩm thực Tây Nguyên thì cần phải được thưởng thức trong một không gian tâm cảm với đầy đủ các thành tố của cuộc sống Tây Nguyên như đã nói, còn nếu không nó sẽ tự đánh mất mình.


Qua Tang Online