Trở thành tỷ phú từ món khoai tây chiên ra đời cách đây 153 năm
Đăng lúc 09:32 ngày 16/10/2006
Món khoai tây chiên ở các nước Âu - Mỹ còn gọi là: Chip khoai tây bắt nguồn từ nước Mỹ cách đây trên 1 thế kỷ.
Từ đó đến nay nhiều người đã trở thành tỷ phú nhờ chế biến món ăn này. Chỉ tính năm 2002 tại châu Âu, thu nhập từ các nhà chế biến chíp khoai tây là 4,5 tỷ Euro trong một năm. Năm 1853, một phụ bếp người da đỏ ở Mỹ đã chế biến món "chíp khoai tây" từ một ý tưởng muốn chọc tức thiên hạ và cũng vì thế sau này món ăn đã thực sự chinh phục thế giới.
Thử tưởng tượng những miếng khoai tây mỏng dính, cong queo, ngoằn nghèo nằm trên mép đĩa ăn. Đó là các miếng khoai tây mỏng dính được xắt từng lát nhỏ ném vào chảo dầu sôi sùng sục. Khi người ăn dùng nĩa đâm vào thì món khoai tây chiên giòn sẽ vỡ vụn, tức quá đi chứ! Thế mà ông Cornolius Vanderbilt, một tỉ phú đương thời, chỉ sau một lần ăn thử đã chết mê và ông đã tung ra thị trường món ăn này.
George Crum, người phụ bếp da đỏ thì hả hê về "sự phát minh" chíp khoai tây, ông đã mang lại cho con cháu một gia tài kếch sù. 153 năm sau chíp khoai tây có mặt khắp năm châu. Hàng năm, người sử dụng đã bỏ ra tới 30 tỷ USD để được ăn chip khoai tây, được nghe tiếng kêu rụm rụm khi nhai và cái thú giết thì giờ. Ở mỗi quốc gia khác nhau thì cái "gu" của chíp khoai tây cũng khác nhau. Anh, Pháp, Thuỵ Sĩ thích vị mặn, Đan Mạch thì phải có thêm mùi hành, Hungari thì phải trộn thêm pho mát. Còn ở Đức thì chíp khoai tây phải trộn thêm xốt Thái chua - cay. Có cay có chua thật ngon.
Ông Werner Wolf giám đốc một công ty chế biến chíp khoai tây ở Đức cho biết: hàng năm người dân Đức bỏ ra 400 triệu Euro để tiêu thụ món ăn này. Công ty của ông đã cung cấp chíp khoai tây đến 70 quốc gia trên thế giới và dự định xâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Ở Đức có đến 3 công ty chế biến chíp khoai tây và hàng năm đã cung cấp 72000 tấn chíp cho nước Đức, tính ra mỗi đầu người là 880 g. Mùa thu, mùa đông trước màn hình ti vi người ta vừa nhai chíp khoai tây vừa xem các phim gay cấn từ trinh thám đến võ hiệp và bóng đá. Chíp được nhai rụm rụm giòn tan vừa vui miệng, vừa ổn định thần kinh.
Theo tiến sĩ y khoa, bác sĩ Tôn Thất Hứa người đã từng về bệnh viện Trung ương Huế để giúp các ca về giải phẫu lồng ngực, gây mê hồi sức, cấp cứu, hiện đang là giảng viên Đại học Y khoa ở Đức đã cho chúng tôi biết như sau: Thực ra bằng kỹ thuật hiện đại chỉ 20 phút từ khi củ khoai tây được gọt vỏ cho đến khi thành lát "chíp khoai tây" sau đó bỏ vào bì đem ra cho khách hàng tiêu thụ thì chíp khoai tây đã được giảm lượng Acrylamid, một biến thể của thức ăn khi chiên, rán, xào, quá độ thành cháy đen là yếu tố gây ung thư.
Do vậy để phục vụ sức khoẻ của khách hàng, kỹ nghệ chế biến thức ăn của Đức đã nghiên cứu tìm cách giảm lượng Acrylamid khi chiên khoai tây. Muốn vậy trước tiên phải loại bỏ những thức ăn bị chiên xào quá đô hay bị rán cháy.
Từ đây mọi người yên tâm khi ăn chíp khoai tây, nó không gây béo phì như mọi người lầm tưởng, sự béo phì chẳng qua là do sự nhàn hạ, thiếu hoạt động mà có.