Mũi Horn, Tam giác quỷ Bermuda hay Mũi Hảo Vọng là những vùng biển đẹp nhưng luôn chứa đựng mối nguy hiểm rình rập cho tàu thuyền muốn đi qua đây.
1. Vùng biển quanh mũi Horn
Ngay cả những người đi biển lâu năm khi qua mũi Horn cũng phải dè chừng. Ảnh: Atlastravelweb.
Mũi Horn là một vách đá cao 425m, nằm trên một hòn đảo nhỏ ở cực nam của châu Mỹ. Nơi đây được mệnh danh là địa ngục của gió, những dòng hải lưu và băng tuyết. Mũi Horn là biên giới phía nam của eo hẹp Drake, một eo biển rộng 650km phân cách hai lục địa Mỹ và Nam Cực. Nó đánh dấu cạnh phía bắc của eo biển Drake, eo biển giữa Nam Mỹ và Nam Cực, nằm trong Công viên quốc gia Cabo de Hornos. Mũi Horn ban đầu được đặt tên Hà Lan là Kaap Hoorn, theo tên của một thành phố Hoorn của Hà Lan. Sau này được các thủy thủ đọc theo tên tiếng Anh là "Horn" có nghĩa là “cái sừng”.
Vùng nước này được xem là địa ngục đối với tàu bè vì đây là nơi hội tụ của nhiều mối nguy hiểm rình rập như giông bão, núi băng trôi, hải lưu và những con sóng khổng lồ. Tàu bè muốn qua mũi Horn phải hứng chịu những cơn gió mạnh thổi từ tây sang đông, sức gió cực mạnh do không bị đất ngăn trở. Hơn nữa, bị gò ép giữa lục địa Nam Cực và dãy núi Andes, gió ùa thẳng vào eo hẹp Drake, gây ra những trận bão kinh hoàng tạo ra các con sóng lớn. Nếu gió xoay chiều và thổi ngược chiều với hải lưu quanh địa cực thì những con sóng cao hơn nữa được hình thành. Có những đợt sóng cao tới 30m, thêm vào đó là những núi băng trôi khiến cho tàu thuyền đi qua đây luôn phải dè chừng. Mũi Horn luôn gợi cảm giác khiếp sợ cho các thủy thủ, ngay cả những người đi biển lâu năm.
2. Vùng Tam giác quỷ Bermuda
Tam giác quỷ Bermuda giống như một lỗ đen của thế giới. Ảnh: blogspot.
Tam giác quỷ Bermuda từ lâu đã nổi tiếng bởi những sự mất tích khó giải thích. Vùng này nằm trong Đại Tây Dương, chiếm diện tích gần 3,9 triệu km2, được xác định ranh giới bởi quần đảo Bermuda, bờ đông của Florida và Puerto Rico. Những lời đồn bắt đầu từ năm 1800 khi một tàu của Mỹ biến mất tại đây không để lại dấu vết. Năm 1945, 5 tàu khu trục gửi đi lời kêu cứu tuyệt vọng ở ngoài khơi Florida, một thủy phi cơ đến tiếp cứu, nhưng không thấy máy bay nào quay trở về. Năm 1961, tàu Albatros thình lình bị đắm mang theo 6 nạn nhân. Tính ra có hàng trăm tàu và máy bay đã bị đắm hay mất tích ở vùng tam giác này.
Chưa có một lời giải thích nào được đưa ra, nhưng đây là vùng biển hứng chịu nhiều cơn bão nhất thế giới. Ngoài điều kiện khí hậu phức tạp, hoạt động địa chất của đáy biển nơi đây cũng vô cùng phức tạp. Khi tiếp xúc với động cơ máy bay, khí mê tan bốc cháy khiến phi công không có hy vọng sống sót. Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ số vụ đắm tàu ở đây không cao hơn những vùng khác có nguy cơ tương tự.
3. Vùng nước quanh mũi Hảo Vọng
Mũi Hảo Vọng đẹp nhưng chứa nhiều mối nguy hiểm. Ảnh: blogspot.
Nằm ở phía nam châu Phi, Mũi Hảo Vọng là nơi đẹp nhưng lại không hề dễ qua. Mũi Hảo Vọng được khám phá vào năm 1488 bởi nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Bartolomeu Dias. Lúc đầu nó có tên mũi Bão Tố, do hải lưu và gió hoành hành tại đây. Sau đó vua Jean II của Bồ Đào Nha đổi tên thành Mũi Hảo Vọng với ý nghĩa tốt lành và được giữ lại cho đến ngày nay. Năm 1502, trong một chuyến viễn hành sau đó 4 tàu bị chìm ở ngoài khơi mũi Hảo Vọng, Bartolomeu Dias cũng là một trong sô các nạn nhân trên. Trước khi kênh đào Suez được xây dựng năm 1869, mũi Hảo vọng là con đường lưu thông duy nhất trên biển giữa châu Âu và châu Á.
Nước biển vùng này luôn dậy sóng và có nhiều xoáy nước do sự gặp nhau giữa dòng một hải lưu lạnh và một dòng hải lưu nóng của Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Tàu thuyền chỉ cần sơ ý để cột buồm nghiêng hay lạc mái chèo thì nguy hiểm dễ dàng xảy ra.