Bí ẩn lời thề giữ rừng của người dân tộc Pu Péo
Đăng lúc 11:46 ngày 27/07/2014
Du khách lên Hà Giang ngoài được chiêm ngưỡng những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ của núi rừng còn được tìm hiểu sâu hơn về những tập tục bí ẩn của người dân tộc nơi đây.
Du khách lên Hà Giang ngoài được chiêm ngưỡng những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ của núi rừng còn được tìm hiểu sâu hơn về những tập tục bí ẩn của người dân tộc nơi đây.
Mỗi năm vào tháng 6 âm lịch, người dân tộc Pu Péo lại tổ chức lễ cúng thần. Đây là nghi lễ cúng thần rừng có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với nhiều thế hệ, là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, gắn với đời sống triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp như thần suối, thần sông, thần núi, thần cây. Lễ hội không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên.
Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo.
Mỗi khu rừng thiêng được người dân bảo vệ chăm sóc, không những mang lại giá trị vật chất, tinh thần cho bản làng mà còn góp phần bảo vệ phát triển môi trường sinh thái chung. Lễ cúng thần rừng cầu cho sự xanh tươi của núi rừng, cầu cho sự an lành cho con người như một thứ nghi lễ nông nghiệp không thể thiếu. Cũng chính từ nghi lễ này, nên khu vực nào có người Pu Péo sinh sống rừng thường được bảo vệ rất tốt. nhất là khu rừng thiêng. Việc bảo vệ rừng để có nước làm ruộng và có gỗ làm nhà luôn được truyền tụng từ đời này sang đời khác.
Buổi lễ diễn ra ở khu rừng cấm, rừng thiêng đầu bản. Ông thầy cúng kính cẩn thay mặt bà con úp mặt vào một thân cây lớn, quỳ lạy bốn phương trời, tám phương đất để mong thần rừng, thần nước che chở cho bản làng. Người Pu Péo luôn hiểu rằng, giữ rừng là giữ nguồn nước, cầu thần nước là cầu thần rừng.
Người dân tộc Pu Péo ở Hà Giang luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ rừng.
Đồ lễ được bày trên những chiếc nong hoặc lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần 2 mét, quay mặt về phía đỉnh núi cao. Những vuông cơm tẻ giã nhuyễn, nặn thành bánh, xắt khúc, được bày biện cẩn thận trong những cái nong tròn. Nhiều miếng cơm được xếp thành hàng lối trên lá chuối tươi, mỗi nắm cơm tượng trưng cho một vị thần. Trên mỗi nắm cơm là một miếng trứng gà luộc. Dưới chân bàn thờ làm bằng trúc tươi, lát lá chuối tươi xanh có buộc hai con gà vẫn còn sống. Mỗi con buộc dây vào một cái cọc. Ngoài ra, lễ cúng còn phỉa có một con dê cái còn sống, màu đen buộc vào một cái cọc khác.
Lễ cúng kéo dài vài tiếng, thầy cúng cầm một cành trúc tươi còn nguyên lá khua đi khua lại suốt thời gian hành lễ. Bà con trong thôn lúc đó sẽ xin thề trước thần Rừng sẽ giữ gìn thật tốt, ai săn bắn, chặt cây trong rừng sẽ bị trừng phạt. Rừng tốt tươi, trời đất giao hòa, không gây mưa lũ, bão gió...
Sau đó, gà và dê được đám thanh niên trong bản cắt tiết và liên hoan mừng buổi lễ. Người dân cùng ăn uống, cùng chia sẻ với nhau làm cho cuộc sống của con người thêm gắn bó đoàn kết. Gia đình nào không tham dự cũng được chia phần.
Trong thời gian một ngày, với không khí tưng bừng náo nhiệt. Người ta còn tổ chức các cuộc thi như thi kéo co, đẩy gậy, đánh yến, nhảy cóc... hoặc hát những làn điệu dân ca, giao duyên thể hiện nét văn hóa của bà con người dân tộc Pu Péo.
Bookkhachsan.com - Theo 2travel.vn