Mía không những là một thứ thức ăn mát, bổ - được nhiều người ưa chuộng, mà còn là vị thuốc quý.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy:
Trong thân cây mía ngoài thành phần cơ bản là các loại đường (chiếm khoảng 70%), còn có các chất đạm (protein), chất bột (glucid), chất béo (lipid), các chất khoáng và các vitamin; đồng thời còn có nhiều loại acid hữu cơ (tổng cộng gần 30 loại). Vì vậy, mía không những có vị ngọt dễ chịu, mà còn cung cấp cho cơ thể năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết.
Theo Đông y, mía là "vị thuốc" có vị ngọt, tính lạnh, vào các kinh thủ thái âm phế và túc dương minh, vị có tác dụng thanh nhiệt, nhuận táo, sinh tân dịch, giáng khí nghịch, dùng chữa các chứng "nhiệt độc" làm tổn thương tân dịch (dịch thể) như tâm phiền, miệng khát, ăn vào nôn ngược trở lại (phản vị ẩu thổ), ho khan, đại tiện táo, tiểu tiện bất lợi,… Đặc biệt, cây mía có thể sử dụng để chữa trị một số chứng bệnh mà chị em phụ nữ hay mắc:
Phụ nữ bị đảo kinh (chảy máu mũi khi hành kinh):
Dùng mía tươi, ngó sen tươi, trộn mỗi thứ 500g; sinh địa tươi 100g. Tất cả đem giã vắt lấy nước cốt, trộn đều, chia 2 -3 lần uống trong ngày.
Phụ nữ ra nhiều khí hư:
Dùng lá cây mía tím 30g, lá huyết dụ 20g, lá mò trắng (bạch đồng nữ) 12g, lá mò đỏ (xích đồng nam) 12g, tất cả đem thái nhỏ, sao vàng, sắc nước uống thay trà trong ngày.
Phụ nữ có thai hay buồn nôn:
Ép lấy 1 bát con nước mía (khoảng 150ml), trộn thêm chút nước cốt gừng vào (khoảng 5ml - 1 thìa càphê), uống như vậy 2 -3 lần trong ngày sẽ đỡ buồn nôn và ăn ngon miệng hơn.
An thai:
Hái lấy 12g mầm mía, rễ cây gai làm bánh (trữ ma căn) 12g, ích mẫu thảo (cỏ ích mẫu) 6g, hương phụ (củ gấu) 6g, sa nhân 3g. Tất cả đem sao vàng, sắc với 500ml nước, sắc còn khoảng 100ml, chia thành 2 phần uống trong ngày.