Hoa Ban - Hoa của tình yêu vùng Tây Bắc
Đăng lúc 20:58 ngày 04/06/2013
Hoa ban làm đẹp mùa xuân, mùa hội hái hoa theo phong tục Thái trắng. Xưa kia Hội Hoa Ban chính là ngày hội lớn nhất của xứ Thái, ngày hội của tình yêu, của tuổi trẻ...
Trăm năm ngắm ban nở còn ngắm mãi
Mỗi mùa bạn lại thêm trẻ ra, không già...
(Tình ca Thái)
Hoa ban làm đẹp mùa xuân, mùa hội hái hoa theo phong tục Thái trắng. Xưa kia Hội Hoa Ban chính là ngày hội lớn nhất của xứ Thái, ngày hội của tình yêu, của tuổi trẻ...
Hoa ban là một trong những sản vật của núi rừng Tây Bắc. Hàng nghìn đời nay, hoa ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống văn hóa - tâm linh của nhân dân Tây Bắc, nhất là bà con thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân, với những trò chơi thú vị hái hoa ban và hát giao duyên. Trong ký ức của người đi xa, cùng với nỗi nhớ mường nhớ bản, nhớ người thân yêu, còn có nỗi nhớ da diết hoa ban vào mỗi độ xuân về.
Hoa ban xuất hiện trong các trường ca, các truyền thuyết và các câu chuyện kể bên bếp lửa hằng đêm của người dân Tây Bắc. Dã sử dân gian kể rằng xưa hoa ban chỉ một màu trắng. Từ khi nàng Mai con gái của Lang Cum nổi tiếng khắp chín châu mười Mường chối bỏ ngôi bà Nàng, lấy chồng nhà dân mọn rồi theo quân ông Hoàng đánh giặc dữ. Khi ông Hoàng thua lớn ở Mạnh Thiên, vợ chồng nàng Mai tuẫn tiết theo chủ tướng dưới gốc một cây ban cội. Máu của hai người làm mùa xuân năm ấy cây ban cội ra màu hoa ban đỏ. Rồi gió đưa nhị hoa rải khắp vùng tạo thành giống ban hồng ngày nay.
Đối với người dân vùng Tây Bắc cả hai thứ hoa ban đều là món "hoa rau" quý. Quà tết bố vợ ở Mường Tè, Pắc Luông... bên cạnh bánh chưng, bánh đuôi én, bánh trứng kiến (loại bánh làm bằng bột nếp trộn với trứng kiến trên rừng) bao giờ cũng đặt cùng với “hoa rau" mới tỏ rõ sự trân trọng thanh cao.
Hoa ban cùng họ với hoa bướm, không có hương nhưng có vị, mỗi hoa có 4 - 5 cánh, nhị mầu hồng, gân mầu tím. Nhị hoa mang vị ngọt, quyến rũ nhiều loài côn trùng, nhất là các loài lấy mật như ong, bướm. Tên gọi hoa ban theo tiếng của dân tộc Thái, có nghĩa là hoa ngọt, đó vừa là danh từ vừa là tính từ. Hoa ban nở rộ nhất và đẹp nhất là đầu tháng ba, đến đầu tháng tư thì hoa bắt đầu tàn. Lúc nở rộ, trông cây ban như chỉ có hoa mà không có lá. Bà con vùng cao coi hoa ban như thể nông lịch của mình, họ phát nương vào lúc hoa nở và tra hạt vào lúc hoa tàn. Cứ năm nào hoa ban nở đều khắp cả suối, cả đồi, cả rừng là năm ấy trời không mưa dai quá mà không nắng gắt quá! Và năm đó người ta ít lo lắng về nắng hạn cũng như lũ lụt.
Hàng năm, cứ vào mùa hoa ban nở, người Thái ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) lại mở Hội Xên bản, xên mường (còn gọi là hội hoa ban) để cầu phúc và gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản mường, đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, trai gái tìm hiểu, tâm tình qua tiếng hát, tiếng đàn. Truyền thuyết của người Thái kể rằng: Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại vừa có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác lại có tật gù lưng.
Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người yêu, rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Cuối cùng kiệt sức, nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống, sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.
Chàng Khum, khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm. Đi mãi hết mường này, bản khác, cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết tự năm nào.
Hiện nay, trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc đang tồn tại đồng thời nhiều "típ" truyện nữa, cùng có nội dung giải thích nguồn gốc hoa ban. Cách dẫn dắt và tên nhân vật của các truyện tuy có khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ dùng hoa ban làm biểu tượng cho tấm lòng thủy chung trong tình yêu đôi lứa.
Do yêu hoa, con trai con gái Tây Bắc lặn lội trong những cánh rừng mờ sương ngắm nhìn những bông hoa sáng rực như hạt ngọc, họ hái hoa cài lên tóc, họ còn đem hoa về biếu cho người thân quen nhất để mở tiệc ăn mừng mùa hoa ban nở.
Mùa hoa ban, các bà các chị lúc đi nương về thường mang theo một ít hoa ban, không phải để chơi mà là để ăn. Hoa ban nấu canh, làm nộm, đồ lên chấm với dấm ớt măng chua... đó là thuộc tính riêng của hoa ban mà nhiều loài hoa khác không có được. Hoa ban còn là vị thuốc quý trị chứng ho khan hoặc viêm họng rất tốt. Có người dùng lá và búp non của cây ban sao vàng hạ thổ, chữa bệnh kiết lỵ tương đối hiệu quả.
Trong mâm cỗ đầu năm, người Thái cũng hay cài những cánh hoa đẹp trên bàn thờ như thể biết ơn những bậc sinh thành đã qua đời. Nếu là con trai hay con gái họ kể cho nhau nghe câu chuyện tình trong trắng và thương tâm, thủy chung của chàng Khum và nàng Ban xa xưa rồi cùng rủ nhau ra rừng tìm những cánh hoa ban mới nở. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu, vì người Thái cho rằng, hoa ban trong trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái.
Sưu tầm