Nếu ví miền duyên hải phía Đông Nam Thừa Thiên Huế với 11 xã biển, là chiếc đòn gánh cong cong, thì xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang) có chiều dài trên 7 km, là phần nặng trĩu nhất trên đôi vai nhọc nhằn nợ áo cơm.
Trước đây, khi những cánh đồng cát ở xã này được phủ xanh màu cây ớt, người dân Vinh Xuân khó nghèo đã từng nhen nhóm hy vọng đi lên bằng mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Đông Âu này. Song, chưa được mấy mùa ớt, thị trường này không còn, phong trào "nhà nhà trồng ớt" tan rã. Cây ớt đi vào quên lãng nhường chỗ cho các loại hình nuôi, trồng mới. Tuy nói sao thì nói, Vinh Xuân vẫn nổi tiếng về một đặc sản gia vị: nước ớt. Đã nếm thử một lần khó mấy ai quên!
Thu hoạch xong mọi người chọn lựa những trái ớt lớn, tròn trĩnh, không một vết sâu đục nào. Tất cả đem ủ cho chín, tới khi trái ớt hơi mắm, cắt bỏ cuống, dựng vào bao tải và ép lấy nước theo cách thủ công truyền thống. Dưới tấm ván ép, những trái ớt mọng đỏ nát dần cho ra một thứ nước đặc sền sệt, màu đỏ thẫm như tiết dê, cay thơm vô cùng. Nước ớt nguyên chất phơi nắng, hòa với muối (theo một bí quyết pha trộn truyền thống) giữ được rất lâu, đến cả năm trời, không lên men, không hư thối, không bị nấm mốc. Về mùa mưa gió giá rét, trong làng bắt đầu khui những lu nước ớt đậy kĩ ra bán sỉ. Bạn hàng phần đông là phụ nữ đến mua từng bịch nhựa, gánh đi bán lê ở chợ, hoặc bán rong ở các làng xã phụ cận.
Chấm một mút đũa tre vào nước ớt nguyên chất, nhỏ vài giọt trong tô bún bò Huế, chén nước mắm cá cơm, cá nục hay mắm nêm... là đủ hương vi mặn mòi, nồng nàn, cho bữa ăn mùa đông. Vị nước ớt cay nồng, giữ thơm mùi nắng hạ đủ sưởi ấm con người nghèo khó trước cái lạnh mùa đông xứ Huế. Cho đến bây giờ, bí quyết giữ cho nước ớt không hư thối, không bị nhiễm khuẩn, vẫn còn là ngón nghề bí mật của người dân Vinh Xuân.
Người Huế như nhà văn nữ Túy Hồng nhận xét: Thích ăn cay nên những cô gái Huế có đôi mắt đẹp. Không biết đúng sai thế nào, nhưng với người Huế, nước ớt Vinh Xuân nổi tiếng không khác gì rượu làng Chuồn, cau Nam Phổ, trầu chợ Dinh, thanh trà Nguyệt Biều, quýt Hương Cần... Nhưng bây giờ, cũng có chuyện rằng, cô gái bán rong thấy gánh nước ớt dã vơi lưng lửng, mà khách hàng đặt mua còn nhiều. Cô nhìn trước ngó sau, ghé vào giếng nước bên đường chấm thêm vài lít nước lã. Bởi vậy khách sành ăn nước ớt thường yêu cầu người bán: "Đừng lắc bịch, để xem nước ớt còn nguyên chất hay không là biết ngay! "Nước ớt nguyên chất bao giờ cũng màu đỏ đậm đặc, từ trên mặt xuống đến đáy bịch. Nước lã không thể hòa tan vào nước ớt (nếu không lắc không khuấy) mà có làm vậy khi để yên nước lã vẫn nổi lên trên, nước ớt đậm đặc nằm dưới.
Hiện nay, đã thấy trên thị trường trong nước và xuất khẩu, nhiều mặt hàng rượu, nước mắm, mắm tôm, tương, xì dầu... đóng chai lọ có nhãn hiệu. Chẳng biết bao giờ thị trường gia vị mới có thương hiệu nước ớt Vinh Xuân? Vì mải chế biến, buôn bán theo cách thủ công, truyền thống nhỏ lẻ, thành thử nước ớt Vinh Xuân "có tiếng mà không có miếng". Thử mạnh dạn sản xuất công nghiệp, vô chai, dán nhãn đăng ký thương hiệu chắc chắn nước ớt Vinh Xuân sẽ đem lại cho người lao động nơi đây một nguồn thu đáng kể, và một thị trường hứa hẹn cho cây ớt. Thị trường ăn uống, gia vị đóng chai ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, nước ớt Vinh Xuân sao mãi dậm chân tại chỗ?