Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trái mận tươi mang lại nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên cho sức khỏe. Khi những quả mận tươi được sấy khô, hương vị của nó không chỉ được nhân lên mà thời gian bảo quản cũng được lâu hơn. Bên cạnh đó, mận khô còn là loại thực phẩm có thể đóng gói và dễ dàng vận chuyển từ nơi này đến nơi khác mà không sợ bị hư, dập.
Mận khô thường xuyên trở thành chủ đề của các cuộc nghiên cứu về sức khỏe vì sự phong phú chất phytonutrient (hợp chất có lợi cho sức khỏe như beta-carotene) chứa trong nó.
Từ xa xưa, con người đã biết uống nước mận khô hoặc ăn mận khô để trị táo bón, vì tính giàu chất xơ của nó. Nhiều người kiêng uống nước mận khô bởi vì vị ngọt gắt của loại thức uống này. Nếu bạn cảm thấy nước mận khô quá ngọt, hãy pha thêm một ít nước giúp làm loãng vị ngọt đó.
Bên cạnh việc mang lại lợi ích cho sức khỏe của tim và giàu chất xơ, mận khô còn chứa nhiều các loại vi dưỡng chất có ích khác như: beta-carotene, kali, sắt (có thể giúp cơ thể hấp thu vitamin C), vitamin A, C, B1, B2, B6.
Chất xơ có thể hòa tan chứa trong mận khô đã được chứng minh có tác dụng chống bệnh đái tháo đường type 2, bằng việc gia tăng độ nhạy cảm của các tế bào trong cơ thể với insulin. Chất beta-carotene và vitamin A giúp ngăn ngừa tình trạng tổn hại của các tế bào gây ra bởi các gốc tự do. Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, và chất antihistamine giúp chống chứng cảm lạnh, dị ứng và bệnh suyễn.
Ngoài ra, khoáng chất kali chứa trong mận khô rất cần thiết cho việc duy trì huyết áp ở mức bình thường và chức năng khỏe mạnh của tim, từ đó kéo giảm nguy cơ bị chứng tăng huyết áp và chứng xơ vữa động mạch (các chất béo hình thành những mảng bám trên thành động mạch). Chất sắt trợ giúp việc hình thành các hồng huyết cầu, cũng như giúp vận chuyển oxy tới toàn bộ cơ thể được thuận lợi hơn.
Như bạn thấy, các lợi ích mà mận khô mang lại cho sức khỏe là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là nếu bạn có biểu hiện bị sạn thận, nên tránh tiêu thụ nhiều mận khô.