Mở toang cánh cửa sổ đón cơn gió nam hiếm hoi của mùa hè, tôi đặt mình nhẹ nhàng lên giường. Điện mất nên tôi định chợp mắt một lúc. Vắt tay lên trán nghĩ ngợi mông lung, rồi một cơn gió nhè nhẹ thoảng qua, vương vất trong hơi thở của gió có mùi hoa sữa nồng nàn thơm mát. Bỗng dưng tự nhiên tôi nhớ! Nhớ đến da diết. Nhớ về một vùng quê yên bình có chiếc cổng dắt vào làng cũ kĩ, rêu mọc đen sì, nhớ ngôi nhà nằm giữa những khóm trúc tươi mát và hàng hoa giấy màu hồng phơn phớt bò leo ngang dọc lên tận mái nhà, nhớ đám bạn lớn lên bên nhau thuở còn quấn tả, nhớ cây trâm bầu cho bao mùa quả chín, nhớ con trâu, nhớ đồng cỏ, nhớ mái đình làng rêu phủ đen mái ngói, nhớ những gốc kè quen mà trời nắng có ba đứa trẻ dắt díu nhau chơi đồ lề…tất cả kí ức cứ thế ùa về trong tôi. Bỗng nhiên tôi nghe có cảm giác cay cay nơi sống mũi mình.
Còn nhớ mùa hè năm tôi lên 6_cũng là mùa hè cuối cùng tôi ở đây. Bố viết thư về thông báo được cơ quan cấp nhà vì thế cả nhà tôi sẽ chuyển ra Hà Nội để tiện cho công việc của bố và cũng để bố có thời gian gần gũi, chăm sóc cho gia đình nhiều hơn. Nghe tin, tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng, vội vàng, tôi chạy sang nhà con Tình hùng hồn thông báo:
· Hai tháng nữa tao sẽ ra Hà Nội.
Nó tròn xoe mắt hỏi lại:
· Mày được bố cho đi chơi à?
Tôi đặt tay lên bờ vai của nó lắc đầu lia lịa:
· Không, không, nhà tao sẽ ra ở hẳn đấy luôn, sẽ không về đây nữa.
· Không bao giờ nữa ư? Nghĩa là nhà mày bán nhà rồi chuyển nhà ra Hà Nội?
· Đúng vậy.
Nó nhíu mày một lát, chốc nó hỏi:
· Thế thì bọn tao chơi với ai nữa? Buồn chết được mày!
Tôi mỉm cười rộng lượng:
· Thì hai đứa bây chơi với nhau chi? Đỡ phải cãi nhau hen? Có cái gì thì hai đứa bây ăn được nhiều hơn vì không phải chia cho tao nữa, sướng nhất rồi gì mày! Thôi, tao về đây!
Rồi không đợi nó hỏi gì nữa, tôi bỏ mặc nó đứng ngẩn tò te đó. Chạy lẹ sang thông báo cho con Bé (lúc nhỏ tới giờ toàn cứ gọi nó Bé nên quen rồi chứ tên cúng cơm của nó là Ngọc Hà cơ) nhưng nó không ở nhà. Tôi quay gót bước về, ý định lúc nào đó nói cũng được nhưng rồi lại quên mất.
Một bữa đang hì hục lấy cơm phết lại con diều giấy để chiều đi trâu thả chơi thì có hai người lạ huơ, lạ hoắc đạp xe cà tàng vào mua hoa trâm, một kí 2000 đồng hẳn hoi đấy. Thời đó 2000 đối với bọn tôi thì quý giá như vàng ròng bốn số chín rồi còn gì nữa? Đột nhiên tôi nghĩ đến cây trầm bầu độc nhất vô nhi nhà con Bé, mùa nào cũng cho quả to, thịt lại dày ngọt lịm như đường. Kiếm được món hời trước mắt chắc nó đồng ý cho lấy hoa thôi. Nghĩ thế tôi chạy vụt sang nhà con Tình thông báo sơ qua kế hoạch cho nó nghe, nó gật đầu tù tì liền bốn năm cái lận. Hai đứa tôi lại nhót sang nhà con Bé, vừa may nó ở nhà, tôi mừng quýnh nói một lèo về dịp may trăm năm mới có một lần này. Nghe xong, biết nó làm cái gì không? Nó nhíu mày lắc đầu lia lịa.
Tôi với cái Tình ngó nhau lác cả mắt mà không hiểu nguyên nhân “vì sao lại thế?”. Nó_cái con bé có tâm hồn ăn uống cực, vậy mà…thật không thể hiểu nổi nó nữa!!!!!!!!!!
· Chi đó? Mày bệnh hả?_tôi hỏi nó.
Nó lắc đầu đung đưa hai cái bím tóc được buộc nhóc lên cao hắng ngày vẫn duyên thế, nhưng hôm nay, nhìn phát ghét.
· Không được đâu._nó đáp thẳng, không giải thích.
· Tao sắp đi xa rồi_tôi chợt nghĩ ra tưởng rằng sẽ thuyết phục được nó nhưng nó đáp làm tôi xụi lơ.
· Con Tình nói cho tao biết rồi.
· Mày không cho tao hái phải không?_tôi bắt đầu thấy khùng lên rồi.
Lần này nó không đáp mà chỉ khẽ gật đầu.
· Cái đồ keo kẹt, bủn xỉn, đừng chơi với bọn tao nữa. Về thôi Tình.
Hai đứa tôi kéo nhau đi, nó đứng đó nhìn theo môi mím chặt. Đợi chúng tôi đi khuất nó ngước lên nhìn vòm cây đang độ nở hoa thơm lừng đầy vẻ yêu mến rồi bước vào nhà.
Ba cái trò giận nhau vặt vảnh thì chúng tôi thường xuyên, lâu nhất là một tuần không thèm nói chuyện, không thèm nhìn mặt, nguýt ngắn nguýt dài cả chục cây số nhưng sau đó thì lại đâu vào đấy cả, chuyện trẻ con mà, có cái gì để bụng được lâu đâu? Cũng tại vì chúng tôi chơi thân nhau từ thuở lọt lòng nên cũng không xa nhau được lâu. Nhưng lần này thì thực sự khác. Cả một mùa hè tôi cứ ấm ức mãi. Khi quên thì thôi chứ nhớ thì máu Trương Sinh cứa sôi ùng ục trong người. Thà tôi còn ở đây lâu dài thì nó giữ gìn cũng chẳng mất chi, đằng này, tôi lại phải sắp đi rồi ấy chứ, biết bao giờ tôi lại về đây nữa? Một bữa liên hoan nho nhỏ với mấy que kem, ít que kẹo kéo…mà cũng bẩn thỉu, chẳng bỏ cho nhưng ngày ở đây cái gì cũng chia cũng sớt_nghĩ thế mà tôi giận dai đấy!
Đến ngày tôi đi, cây trâm quả chín đỏ au rồi, cứ độ này độ dăm ngày nữa thì có quả chín đen ăn ngọt xớt nhưng bố bảo phải chuyển nhà sớm để làm thủ tục nhập học cho tôi ở chỗ mới nữa.
Lúc đi, chỉ có mỗi cái Tìmh đến tiễn, còn nó chẳng đến, tôi thấy buồn thỉu buồn thiu nhưng cũng phải đi. Xe nổ máy chuẩn bị lên đường thì có tiếng ai nheo nhéo đằng sau:
· Chút ơi, Chút…Đợi tao tí…
Tiếng con Bé đấy! Cuối cùng thì nó cũng đến. Tôi nhảy phóc xuống xe, con Bé chạy vù lại, lạ lùng thay trên tay nó còn cầm một bao hạt trâm chín mọng và một cây trâm bé xíu. Trao cho tôi, nó mếu máo dặn, nhìn nó đáng thương hơn khi nào hết:
· Cái này chưa chín nhưng mày đem dú đi thử xem nó có chín được hay không, với lại, cây trâm này ra ngoài kia có chỗ thì cứ trồng, chăm cho nó lớn, nó cho trái mà ăn cho đỡ thèm. Mày đi mạnh giỏi, khi nào tao lớn tao sẽ ra thăm mày, ra đó có nhiều bạn mới hơn, mày đừng quên tao và con Tình mày nhen?
Thấy nó vừa nói vừa khóc tự dưng tôi thấy mũi long. Nhận từ tay nó không phải đơn giản chỉ là những hạt trâm bé nhỏ, bình thường như hàng mùa tôi qua bọn tôi vẫn ăn, mà chính là tấm lòng, là cả sự yêu thương của người tri kỉ. Nó không cho bọn tôi tuốt hoa chẳng phải vì nó keo kẹt gì, chỉ vì nó muốn cho tôi được cảm nhận hương vị quê hương lần cuối. Tôi thương quê tôi quá! Giờ mới thấu được nỗi buồn khi mình sắp mất đi một thứ quan trọng. Không! Tôi đâu có mất? Quê hương vẫn trong lòng tôi đó thôi, sẽ mãi đẹp và tươi nguyên như thế! Một người bạn nhỏ đã giúp tôi hiểu ra hai tiếng giản dị ấy nó thân thuộc chừng nào! Tôi không nói gì, lẳng lặng đứng nhìn nó, nước mắt tôi cũng rơi, ướt má. Toi trèo lên xe, nó vẫn đứng đó, xe chạy đi rồi, nó vẫn đứng đó. Tôi hét to:
· Khi nào tao lớn tao sẽ về, tao không giận mày nữa đâu, Bé ơi…..
Tôi lại òa lên khóc nức nở. Khóc cho thỏa thê, khóc và không chú ý tới sự tồn tại của ai trên đời này nữa “khi nào lớn tao sẽ về!”_vậy mà, giờ đã 10 năm trôi qua. 10 năm xa quê hương với biết bao thăng trầm buồn vui trong cuộc sống, có lúc nào giữa lòng Hà Nội bon chen, tôi chợt nhớ về quê hương tôi? Nhớ về những người bạn cùng tôi suốt thời ấu thơ? Chưa một lần về thăm lại quê hương! Tôi_16 tuổi rồi. Phải, tôi đã lớn, tôi phải làm điều gì đó chứ?
Bật nhanh người khỏi giường, tôi lần mò từng bậc cầu thang đi xuống, ánh đèn sạc điện vẫn còn bật sáng, tôi tiến về phía bố, nghe thấy tiếng động bố ngước lên:
· Gì thế con gái? Con chưa ngủ à?
· Dạ vâng! Bố ơi!_tôi thỏ thẻ.
Bố vẫn nhướn chân mày chờ đợi.
· Ngày mai, con…con…về quê…được không bố?
Bố nhíu đôi mày nhăn tít như chưa hiểu hết ý nghĩa câu nói của tôi. Tôi cúi gằm mặt xuống, chờ đợi. Lúc sau, nhẹ nhàng bố nở một nụ cười và khẽ gật đầu:
· Bố đồng ý con gái ạ! Tất nhiên rồi, quê hương con mà!
Tôi mừng rơn nhảy lại ôm chầm lấy cổ bố reo lên sung sướng. Một niềm vui chợt tỉnh giấc trong lòng.
***
Làng quê vẫn thế, chẳng hề đổi thay, chỉ có những con người thay đổi: có người sinh ra,người lớn lên,có người mất đi. Ngôi nhà thuở trước vẫn còn nhưng cỏ mọc um tùm…tôi ngước mắt lên…chao ôi! Hình ảnh đó, quen thuộc lắm: Hai cô gái vắt vẻo trên lưng trâu, gió giỡnbay tùm mai trước gió…tôi thả túi đồ xuống, chạy đi rất nhanh, nhanh lắm, không hiểu vì tôi chạy nên mắt tôi cay, nhưng tôi biết mắt mình đang nhòe đi vì nước. Tôi hét lên:
· Bé ơi! Tình ơi!…
Tụi nó ngó sững lấy tôi:
· Chút…Chút…là Chút hả mày? Cái Chút đấy mày ơi! Đúng nó rồi…
Tôi thở hồng hộc, gật đầu lia lịa:
· Ừ, ừ…Chút Hải đây! Tao đây…
Bọn nó định tụt lưng trâu nhảy xuống nhưng tôi đã kịp thời hét to:
· Ngồi yên.
Bọn nó ngơ ngác nhìn tôi không hiểu, tôi cười toét toe. Rồi như một đứa trẻ chăn trâu thành thục, tôi nhót lên sau lưng con Bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, hai đứa nó nhìn tôi mỉm cười. Trâu đủng đỉnh bước đi, con Bé vòng tay ôm lấy tôi. Một tình yêu thương không cần nói ra lời. Và tôi biết, đêm nay, dưới trời sao, trên nhánh trâm bầu, chúng tôi lại trở về tuổi thơ!