Những trải nghiệm lạ và khó quên
Đăng lúc 08:48 ngày 26/12/2013
Xã Bảo Thuận là một trong 4 xã ven biển của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Dù là xã ven biển nhưng tất cả ruộng muối của người dân đều nằm sâu trong bờ đê. Do đó, diêm dân nơi đây phải lấy nước biển thông qua hệ thống kênh rạch nội đồng.
Bắt đầu là khâu chuẩn bị ruộng muối. Nếu như người miền Trung chọn cát biển thì người miền Nam lại dùng đất thịt để làm bề mặt ruộng.
Do đó, công đoạn cuối cùng của khâu chuẩn bị ruộng muối là dùng một loại dụng cụ chuyên biệt để lăn nhằm tạo bề mặt bằng phẳng cho ruộng muối.
Sau đó là đến công đoạn dẫn nước vào ruộng khi thủy triều dâng, nước biển trong các hệ thống kênh lên cao, người dân mới có thể dẫn vào ruộng. Thường họ cũng sử dụng một công cụ riêng để điều chỉnh lượng nước.
Sau một ngày, diêm dân Ba Tri sẽ tiến hành rải muối mồi để tăng mầm kết tủa, giúp muối của nước biển trong ruộng kết tinh nhanh hơn.
Sau khoảng 3-4 tiếng, muối trong ruộng bắt đầu kết tinh. Nếu thấy nước trong ruộng còn nhiều, người dân sẽ tiến hành tháo nước. Công đoạn này đòi hòi diêm dân phải có nhiều kinh nghiệm để xác định nồng độ muối trong ruộng mà tiến hành thoát nước nhằm tăng hiệu suất kết tinh.
Tùy vào trời nắng trong hay nhiều mây mà thời gian thu hoạch khác nhau. Trung bình sau 2 ngày, người dân xã Bảo Thuận có thể thu hoạch muối.
Với kinh nghiệm của diêm dân nơi đây thì thời gian đó vừa đủ để muối kết tinh hết trên mặt sân. Lúc này họ sẽ dùng vun muối thành những ụ nhỏ để tiện cho việc thu gom.
Sau đó, người dân sẽ dùng dây thừng buộc 2 cái ky (ky là dụng cụ được đan bằng tre, có hình dáng như cái hót rác nhưng có quai, đựng được khoảng 25 kg) vào đòn gánh để mang muối về nhà dự trữ trong kho rồi bán cho thương lái.
Tuy vất vả nhưng thành quả nhận được sau nhiều ngày phơi mình cùng muối biển dưới cái nắng chang chang là những hạt ngọc trắng trong trên đôi vai trĩu nặng.
Thường Đỗ - Theo Vnexpress