Những Tập Tục Ngày Tết Của Người Việt
Đăng lúc 16:45 ngày 29/01/2013
Thăm mộ tổ tiên: Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp con cái trong gia đình tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm, sửa sang mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Thăm mộ tổ tiên: Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp con cái trong gia đình tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm, sửa sang mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Tục thăm mộ tổ tiên là một trong những tập tục ngày Tết của người Việt. Ảnh: internet
Đưa Táo về trời: Táo quân là thần Táo, hay còn gọi là vua bếp. Tục truyền mỗi năm thần Táo phải về trời 1 lần, vào ngày 23 tháng Chạp để tường trình cho Thượng đế những việc xảy ra trong nhân gian trong năm đó. Vì vậy vào ngày đó người dân Việt Nam thường cúng kiến rất long trọng để tiễn thần Táo về chầu Ngọc hoàng, và đến ngày 30 lại cúng để mời ông bà và Táo quân về ăn Tết. Theo tục lệ, tiễn Táo quân về trời ngoài mâm cơm còn có áo mão bằng giấy, đôi hia, và con cá chép thả trong chậu nước để Táo quân cỡi về trời. Nói chung tục lệ này nhằm để răn dạy người ta nên giữ gìn hạnh kiểm, vì mọi sự đều sẽ được tâu lên với Ngọc Hoàng.
Lễ rước vong linh ông bà: là lễ mời ông bà về ăn Tết với con cháu.
Chiều ngày 30 tháng Chạp, trên bàn thờ tổ tiên được bày 1 mâm cỗ bao gồm trái cây và thức ăn. Người gia trưởng thắp hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới. Theo sau đó mọi người trong gia tộc đều chắp tay cung kính thỉnh vong linh ông bà về ăn Tết.
Đốt pháo: người ta tin rằng tiếng pháo có thể xua đuổi được tà ma và đem lại phước lành cho năm mới. Còn có truyền thuyết rằng trong số những hung thần có 2 vợ chồng Na Á hay phá phách hãm hại người dân Việt Nam, họ chỉ sợ ánh sáng và ồn ào nên dân ta bày ra đốt pháo ầm ĩ chói sáng để đuổi 2 hung thần này. Đốt pháo đúng giao thừa (thời điểm giao hòa giữa 12 giờ đêm 30 tháng Chạp của năm cũ và mồng một của năm mới), mọi người đốt pháo cùng một lúc, đủ cả các loại pháo. Chính tiếng pháo giòn dã và mùi khét của thuốc pháo quyện vào mùi hương nhang đèn trên bàn thờ tạo thành một không khí đặc biệt rất Tết của dân tộc ta.
Tục đốt pháo ngày Tết. Ảnh: internet
Lễ xuất hành: là chọn một người trong gia đình bước ra khỏi nhà trong những giây phút đầu tiên của năm mới. Người xuất hành phải xem lịch, chọn hướng tốt, hạp với tuổi để mong được may mắn trong năm mới mỗi khi bước chân ra khỏi nhà.
Lễ xông nhà (hay xông đất): có là vì nhiều người tin rằng người đầu tiên bước vào nhà mình ngay đầu năm sẽ đem lại hên, xui cho gia đình suốt cả năm. Nên người ta hay mời người có vận may (làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc) đến xông nhà dùm. Người xông nhà phải ăn mặc chỉnh tề, bước vào cửa chính rồi đi quanh nhà, đến bếp, ngụ ý đem lại may mắn vào từng xó nhà.
Lễ chúc thọ: là sáng sớm ngày mồng một Tết, con cháu trong nhà tỏ lòng hiếu thảo qua việc mừng tuổi chúc thọ cho ông bà cha mẹ. Mừng tuổi vì người Việt Nam quan niệm rằng hôm ấy mỗi người đều lên 1 tuổi, không phân biệt ngày sinh nhật như người phương Tây.
Từ Lì xì: là được phiên âm từ tiếng Quảng đông sang tiếng Việt, nguyên là chữ "Lợi thị" Trong Hán tự, có nghĩa là tiền bạc, lợi lộc. Để mừng tuổi các em nhỏ, những người lớn trong gia đình tặng những món tiền nho nhỏ và chúc các em chóng lớn, học hành đỗ đạt trong năm mới. Tiền được để trong những bao đỏ, vì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn.
Tặng bì lì xì cũng là một trong những tập tục ngày Tết của người Việt. Ảnh: internet
Tục thăm viếng: là lúc chủ nhà tiếp đón bạn bè quyến thuộc đến thăm, và cũng đi thăm trả lễ. Thông thường ngày mùng một được dành để chúc thọ những bậc trưởng thượng, họ hàng. Ngày mùng 2 dành cho thầy cô giáo, ngày mùng 3 là để thăm hỏi vui chơi với bạn bè.
Tục kiêng cữ: trong 3 ngày đầu năm người ta thường thận trọng lời ăn tiếng nói và hành động vì tin rằng có thể đem lại hên xui cho cả năm. Thí dụ như không quét rác, nhất là quét xác pháo ra khỏi nhà vì bị xem là quét tiền ra cửa. Không tặng thuốc men hay dao nhọn vì bị xem là dấu hiệu của bệnh hoạn và xung khắc. Không khóc lóc than thở hay đập vỡ chén dĩa vì đó là dấu hiệu của sự đổ vở trong gia đình. Không mặc đồ trắng hay đen vì bị xem là dấu hiệu của sự tang tóc.
Dựng nêu: Ngày Tết người ta hay dựng nêu ở các chùa, đình làng, và có khi ngay trước cửa nhà nữa. Tương truyền ngày xưa làng xóm Việt Nam hay bị quỷ quấy nhiễu nên mọi người cầu khẩn Phật giúp đỡ. Sau khi đã đuổi xong yêu quỉ Phật dặn không được bén mảng đến những vùng đất có dấu tích của Phật. Và Phật dạy mọi người dựng nêu và rắc vôi trắng xung quanh để đánh dấu phần đất quỷ phải tránh xa. Cây nêu là 1 thân tre cao, trên có treo 1 ngọn cờ ngũ sắc tượng trưng cho 5 hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (kim = trắng, mộc = xanh, thủy = đen, hỏa = đỏ, thổ = vàng). Xen kẽ giữa những dải lụa ngũ sắc là những chiếc khánh làm bằng nhiều chất liệu khác nhau (gỗ, kim loại, đất nung, sành). Nêu được dựng đến mùng 7 Tết thì người ta làm lễ cúng trời đất, còn gọi là lễ Khai hạ và hạ nêu xuống. Lễ này chính thức chấm dứt Tết.
Đầu năm, người ta hay ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình, chùa để hái lộc. Ảnh: internet
Tục hái lộc đầu xuân: Được thực hiện trong sân đình, chùa, song song với việc dựng nêu. "Lộc" có 2 nghĩa, 1 là nhánh cây non, 2 là bổng lộc. Đầu năm, người ta hay ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình, chùa để hái 1 nhánh non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ. Có lẽ vì nghĩ rằng lộc (nhánh cây) đồng nghĩa với phước lộc nên đem nhánh non về để hy vọng rước được phước báu về cho gia đình.
Hát Quan họ: Quan họ là 1 thể loại dân ca Bắc bộ, xuất phát từ tỉnh Bắc Ninh. Qua những câu hát quan họ, trai gái khen ngợi nhau, tỏ tình, rồi hứa hẹn với nhau. Khi thi hát, mỗi bên trai gái có chừng 4 người. Trọng tài chấm theo tài đối ý và đối giọng. Câu hát của bên này càng lắt léo và dài hơi thì bên kia càng khó đối. Phần thưởng trong cuộc thi này tuy không nhiều nhưng là vinh dự lớn cho những người hát.
Thi đánh vật: Tương truyền nữ tướng Lê Chân thời Hai Bà Trưng lập ra cuộc thi này để tuyển binh, về sau người ta nhớ đến nên tổ chức vào mỗi dịp Tết.
Thi chèo thuyền: Tương truyền nữ tướng Cao Nhự là người đầu tiên tổ chức nên đội thủy binh đầu tiên ở nước ta. Nên cứ đến ngày Tết là có tổ chức cuộc thi này để nhắc nhở rằng dân ta giỏi cả về thủy chiến.
Khai bút đầu Xuân: các cụ thì làm thơ bằng chữ Nôm hay chữ Hán, rồi viết lên giấy điều để chúc lành cho năm mới.
Câu đối Tết: Là 2 câu có số chữ bằng nhau, ý và lời đối chọi lẫn nhau. Nội dung câu đối Tết là điều chúc lành đầu năm, thường được viết lên 2 dải giấy điều, bằng mực Tàu. Người viết thường là các ông đồ già trong làng, có chữ đẹp. Câu đố hay được treo hai bên nhà để khách lại có thể thưởng thức cùng với chủ nhà.
Tranh Tết được treo để trang hoàng nhà cửa. Ảnh: internet
Tranh Tết: Tranh Tết được treo để trang hoàng nhà cửa. Tranh thường là tranh Đông Hồ (1 làng nhỏ ở miền Bắc). Tranh diễn tả những lời chúc qua việc nhân cách hóa động vật, thí dụ như tranh vẽ 1 đàn gà (tranh "Gà đàn") thể hiện cho lời chúc con cháu đầy đàn.
Hoa Tết: 2 loại hoa hay được chưng trong ngày Tết là Mai (miền Nam) và Đào (miền Bắc). Chưng mai vào ngày Tết không những vì mai nở rộ, mà còn là vì người Nam đọc mai thành "may" trong may mắn. Mai đại diện cho mùa xuân trong tranh tứ quý (mai, lan, cúc, tùng), lại còn tượng trưng cho người có tài đức và nhân cách cao thượng trong tứ quân tử (mai, lan, cúc, trúc).
1 cành mai đẹp phải có : cành Văn (nhánh ngang), cành Vũ (nhánh đứng), cành Phụ (cành lớn), cành Tử (cành nhỏ), cành Quân (cành dài), cành Thần (cành ngắn).
Văn-Vũ = cương nhu, lúc cứng lúc mềm
Phụ-Tử = tình cha con
Quân-Thần = nghi lễ
Hoa đào còn có 1 sự tích, tục truyền ngày xưa có 2 vị thần Trà & Uất Luỹ ở trên 1 cây đào khổng lồ phía đông núi Sóc sơn (miền Bắc). Ma quỷ rất sợ 2 vị thần này, đến nổi sợ luôn cả cây đào. Vì đến cuối năm 2 thần phải về trời chầu Ngọc Hoàng nên người dân bẻ cành đào chưng trong nhà cho ma quỷ không quấy phá.
Múa Lân: Lân là 1 trong 4 con vật huyền thoại: long, lân, quy, phụng. Lân tượng trưng cho sức khoẻ vô địch, múa lân vừa là 1 trò tiêu khiển cho các em nhỏ vào dịp Tết, vừa khuyến khích các em trao dồi sức khoẻ. Thường đám múa lân dẫn đầu bằng ông địa, theo sau là vài con lân, mỗi con 2 người múa.
(Sưu tầm)