Sẹo
Đăng lúc 20:12 ngày 09/05/2013
Một đồng nghiệp của tôi vừa đi xăm mình về khoe. Nó bảo đấy là dấu tích sau cuộc tình gần mười năm. Mười năm chẳng còn gì, chỉ còn lại hình xăm ở bắp tay. Đó là hình trái tim bị một mũi tên xuyên thủng, rỉ máu như chính cuộc tình thực tại của nó.
Tôi chẳng thích cho lắm những thứ đại loại như thế. Nhìn giới nghệ sỹ vẽ rồng vẽ phượng quanh người, tay chân thấy mà ớn. Con người hiện đại đã mang nhiều thứ trang sức quanh người, giờ lại bắt “da thịt” mang theo một thông điệp mà chẳng bao giờ ai hiểu!
Ngày xưa ở làng có câu chuyện hai anh em thất lạc mấy chục năm. Họ gặp lại nhau tình cờ và nhận ra ruột thịt của nhau cũng tình cờ ở một địa chỉ rất xa với quê quán. Bằng chứng máu mủ giữa họ là một vết sẹo trên trán người em. Mấy chục năm trước người anh cầm cuốc ra vườn vỡ đất tìm giun để hai anh em đi câu cá. Đang loay hoay cuốc thì người em nhảy vào bắt. Một vết sẹo hình bán nguyệt nằm trên trán là dấu hiệu nhận dạng để đoàn tụ âu cũng là số phận an bài.
Ở quê tôi hầu hết con gái dù đẹp xấu, học hành đỗ đạt hay bỏ dở lưng chừng đều có một điểm chung là bị sẹo ở tay. Người thuận tay phải thì sẹo thường nằm ở tay trái và ngược lại. Vết sẹo nằm ở mu bàn tay, ở ngón chỉ hay ngón cái.
Nhà nông quanh năm lúa, khoai. Nhà nào cũng tăng gia sản xuất, nuôi thêm lợn, thêm gà cho bớt cực. Những cô gái bàn tay trắng ngần ngồi thái thân chuối hay rau lang cho lợn ăn trở thành một hình ảnh quen thuộc của nhà nông. Rồi vội vã thế nào bị dao cứa vào tay. Vết này lành rồi đến vết thương khác, cứ thế chồng lên nhau theo thời gian cho đến khi rời khỏi làng. Cho đến khi con dao mỏng tang, không mài được nữa. Tôi thường nhớ về làng qua từng vết sẹo của mạ, của chị tôi. Hay chợt cười đau xót khi nhớ hình ảnh mấy cô thôn nữ trong tiệc cưới ở quê. Đôi tất trắng che đi những đôi chân đen sì, chỗ tất không phủ hết để lộ những vết sẹo. Đó là kết quả của những ngày lội dưới đầm, hồ bắt ốc bị đỉa đeo.
Những vết sẹo của thời nhọc nhằn giờ có khi theo họ đi khắp đất nước. Có những bàn tay sẹo rê chuột máy tính trong căn phòng máy lạnh; có những bàn tay đầy sẹo giờ ký những dự án lớn, quyết định những công trình mang tầm cỡ quốc gia; có những bàn tay sẹo chìa ra để bắt tay với bạn bè thế giới và họ chẳng bao giờ giấu đi vết sẹo ấy. Họ tự hào nói rằng đây là vết sẹo trần ai của tôi. Có vết sẹo này tôi mới có ngày hôm nay.
Ở thành phố. Chiều, khi nắng dịu. Đám thanh niên đèo nhau trên xe, ăn vận kiểu nửa vời, thiếu vải để lộ những hình xăm, những vết sẹo tự tạo. Họ muốn tạo ra sự khác biệt bằng thứ cá biệt. Những ký tự ở bắp tay, cẳng chân tôi chả hiểu gì. Có từ đọc được thì chẳng nào cắt nghĩa được. Đại loại “Về đâu”; “Ơn cha, nghĩa mẹ”. “Đền ơn”... Và họ đã đền ơn bậc sinh thành dưỡng dục bằng những hành động như vậy! Một đứa trẻ bán vé số, lượm ve chai tìm cơm từng bữa, cuộc sống bấp bênh vô thường thế mà cũng chưa hỏi mình, hỏi bạn: “về đâu”!
Sau mỗi vết thương làm con người ta lớn thêm, chín chắn hơn. Như bạn tôi sau một cuộc tình ấy cũng trưởng thành hơn. Và khi những vết thương ấy trở thành sẹo, nghĩ về nó ta thấy bao dung hơn, dũng cảm hơn mà sống.
Chẳng ai khắng định mình không có sẹo. Vết sẹo trong tầm hồn làm cuộc sống rộng mở thêm.
Sưu tầm