Tặng quà không cứ phải quá câu nệ giá trị vật chất, nhận quà cũng chớ tỏ vẻ hớn hở ra mặt khi nhận những món quà đắt tiền, hay “buồn buồn” khi nhận được những món quà không như ý
Hiện nay, các bạn trẻ có nhiều sáng tạo trong trong việc tạo ra quà tặng. Có những vật rất đơn giản nhưng khiến người được nhận hết sức bất ngờ. Ví như hình ảnh trái tim tạo sự “rung động” bởi chiếc lò xo, tấm bưu thiếp ghi âm lại lời nói của người tặng…
Quà tặng có thể là đồ dùng cá nhân, có thể đồ dùng trong gia đình. Với những gia đình khá giả, người ta có thể tặng cho nhau phiếu đi Spa, siêu thị… để người nhận có thể tự do lựa chọn, phù hợp với ý thích họ.
Giá trị vật chất của món quà không phải lúc nào cũng đồng hành với giá trị tinh thần mà món quà đem lại. Khi món quà được tặng đúng lúc, dù giá trị vật chất không lớn, nhưng ý nghĩa của nó thì không thể đo đếm được… Đôi khi sức mạnh giá trị của món quà khiến chính người tặng cũng không ngờ tới!
Dịp tặng quà đạt “điểm nhấn” là do độ nhạy cảm của mỗi người. Nhiều khi những món quà mà giá trị của nó vô cùng lớn, người ta không thể cầm nắm được. Ví như tặng nhau bài hát và kèm theo đó là lời xin lỗi, sự ăn năn… khiến người ta có thể hoá giải được tất cả những giận hờn, sự cách ngăn. Và đôi khi khiến người được nhận nó phải… rơi lệ!
Khi tặng quà, bạn phải chú ý đến sở thích của người nhận quà. Món quà tặng có thể giá trị vật chất không lớn, nhưng phải gây được ấn tượng bởi sự độc đáo. Bạn không nên tặng những thứ quà mà người khác có quá nhiều, hoặc người ta không sử dụng được. Bạn không nên mang những thứ quà mà người khác tặng bạn để đi tặng lại người thứ ba.
Người nhận quà phải thể hiện được sự cám ơn, trân trọng với món quà qua lời nói và cử chỉ. Bạn không nên tỏ vẻ quá mừng rỡ khi nhận những món quà có giá trị lớn, hay “buồn buồn” khi nhận được những món quà không như ý! Bạn cũng không nên mở ngay món quà vừa nhận được trước mặt nhiều người, đôi khi khiến người tặng không hài lòng.
Trong văn hoá nhận quà, cho phép người ta từ chối nhận quà với đối tượng mà người nhận không muốn quan hệ. Không nên từ chối thẳng thừng việc nhận quà, trừ những trường hợp đặc biệt như việc cầu cạnh, nhờ vả, hối lộ của người “tặng” quà!
Trong mối quan hệ ngày nay, việc giao tiếp với người nước ngoài rất rộng. Chúng ta nên mua những món quà thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc như nón, áo dài, hàng thủ công mỹ nghệ… thể hiện rõ dấu ấn riêng của dân tộc, sẽ khiến người nước ngoài rất thích.
Bạn cũng cần phải chú ý đến phong tục của mỗi dân tộc khi tặng quà. Người Nhật rất kị những món quà mang hình ảnh cáo, chồn và những con thú nói chung, dù nó được được cách điệu như thế nào chăng nữa. Bởi người Nhật coi đó là sự xấu xa, lừa lọc. Họ thích những món quà như trường đao, trường kiếm… bởi người Nhật thích can thiệp vào những gì bất bình đẳng, trọng tinh thần thượng võ.
Người Hàn Quốc rất thích hàng thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam như vòng tay, hạt kết cườm, chiếu cói… Với người Mỹ, họ không thích những gì thuộc về sự chậm chạp, thích sự mạnh mẽ! Người Pháp yêu sự tế nhị, lãng mạn nên rất thích được tặng hoa, nước hoa, quần áo…
Trong cuộc sống, đôi khi có những “món quà tặng” kinh dị, khiến người nhận phải hoảng sợ, kiểu như vòng hoa trắng, chiếc quan tài tượng trưng, chất nổ… kèm theo đó là những lời hăm doạ. Đó thực sự là “sản phẩm” thiếu văn hoá, phi nhân bản. Người ta không thể nguỵ trang cho phản ứng của mình bằng những món quà dạng này.
Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ thay thế việc tặng quà trực tiếp, như dịch vụ đặt quà tặng, tặng quà qua e-mail… trong trường hợp người ta quá bận rộn, hay gặp những khoảng cách về địa lý. Nhưng ý nghĩa hơn cả, chính người tặng phải là người đi lựa chọn món quà tặng. Bởi đó chính là thể hiện thái độ và tình cảm cho đối tượng muốn bày tỏ.
(Sưu tầm)