Ông bà ta ngày xưa có câu: Khách đến nhà không trà thì rượu. Ngày xưa uống rượu là một phần nghi lễ trong đời sống văn hóa, xã giao của người Việt, người ta uống đúng nơi, đúng chổ, đúng lúc.
Cụ Nguyễn Khuyến viết:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Tức cụ Nguyễn chỉ nhậu với “bạn hiền”, còn “bạn” dạng khác hay không phải “bạn” thì cụ thà nhịn chớ không nhậu chung.
Thời nay
Con cháu các cụ ngày nay thì lại khác. Đàn ông miền Tây Nam bộ vốn nổi tiếng thích nhậu, uống rượu đế như uống nước lã.
Bạn bè lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng: nhậu, ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp: nhậu, có chuyện vui: nhậu, gặp chuyện buồn: nhậu, hết giờ làm việc đồng nghiệp cùng nhau thư giãn: nhậu, ra ngoài đi công tác rồi “giao lưu”, “kết nghĩa: nhậu, có khách đến nhà: nhậu.
Gặp người quen: nhậu, gặp người lạ mời: cứ nhậu trước rồi khắc quen sau. Nói chung là bất cứ việc gì cũng nhậu trước nói sau, “uống rồi nói mới tin”, ai không muốn nhậu thì bị coi là “chơi không vô”, “không cùng hội cùng thuyền”, thuộc loại “cần phải đề phòng”, v.v…
Tôi có thời gian công tác ở một đơn vị đặc thù mà ở đó tính trung bình cứ 1 nữ thì có đến…18 người đàn ông.
Nhiều lúc, tôi có cảm giác trong mắt các đồng nghiệp nam tôi không phải là phụ nữ mà là một “thằng” như họ, vì vậy, họ mặc sức “xả” ra trước mặt tôi những “câu chuyện đàn ông”, đưa vấn đề ra cùng thảo luận hết sức tự nhiên không chút ngượng ngùng, kể cả chuyện “nhậu rồi sanh tệ” cũng không tha.
Có người còn coi tôi như “quân sư quạt mo” để “vấn kế” chinh phục bạn gái, bị bạn gái “cài số de”, bị vợ chửi…cũng kiếm tôi để “nhỏ to tâm sự” cho bớt ấm ức. Nhờ vậy, tôi phát hiện ra một “chân lý” của các ông là: Đàn ông thích vợ, bạn gái của người khác nhậu với mình (vì có nhậu say thì mới dễ có cơ hội lợi dụng) nhưng kịch liệt phản đối vợ, bạn gái của mình nhậu với người khác (sợ bị “thằng khác” lợi dụng). Vì vậy mà tôi luôn luôn có tinh thần “đề cao cảnh giác” không để nhậu “quyến rũ”.
Nữ cũng nhậu
Cứ tưởng đàn ông mới đầu têu trong chuyện nhậu, ai ngờ, có lần tôi đi công tác chung với các đồng nghiệp nam xuống nông thôn thì có dịp “mục tận sở thị” phụ nữ gầy sòng nhậu.
Đang ngồi trong trụ sở UBND xã nhìn ra thấy có mấy chị trung niên đứng lấp ló ngoài cửa nhìn vào.
Tôi nói: “Có khách kiếm kìa”. Ông Xã trưởng nhìn ra rồi nói: “Khách khứa gì đâu, mấy bả kiếm người nhậu đó, tối ngày rủ tụi tui nhậu hoài riết rồi tụi tui cũng ngán muốn chết, hễ nhậu vô thì không làm việc được nên tụi tui từ chối. Mấy bả bèn nghĩ cách hễ thấy có khách thì tự động đem mồi nhậu đến, tiếng là mời khách nhưng cũng có dịp nhậu cho vui. Kinh phí hoạt động của tụi tui cũng hạn hẹp nên có mấy bả thì đỡ tốn nên tụi tui cũng làm thinh luôn”.
Tôi hỏi tiếp: “Sao mấy bả không nhậu với chồng hay mấy ông trong xóm mà ra đây?”. Ông Xã trưởng cười: “Mấy bà này đàn bà giá không hà, nhậu với tụi tui dầu sao cũng “an toàn” hơn nhậu với mấy thằng cha bợm nhậu trong xóm, nhậu xong hay quay ra quậy, đánh lộn”.
Đúng như lời ông Xã trưởng nói, không hiểu mấy bà chị này “canh me” như thế nào mà vừa làm việc xong đã thấy mâm bát bày ra đầy đủ rồi.
Thật tội cho các chị ở nông thôn, sinh hoạt văn hóa văn nghệ giải trí rất nghèo nàn, thiếu thốn, phải mượn tiệc nhậu để có đôi chút vui vẻ ngoài giờ lao động cực nhọc hay lúc nông nhàn.
Nhậu để thăng tiến
Còn ở thành thị, điều đáng buồn là “biết nhậu” đang trở thành “lợi thế” cho những ai muốn thăng tiến trên con đường hoạn lộ, nhậu trở thành một biện pháp xã giao không thể thiếu.
Trong một bữa tiệc mà không uống với anh này một ly, anh kia một ít thì bị coi là người… khô khan tình cảm. Ngược lại, nếu bưng ly mời khắp lượt và “uống tất” với “anh em” thì được coi là “giỏi giao tiếp” (?!). Không hiếm trường hợp có người nhờ tửu lượng cao nên được sếp đưa ra để dành tiếp khách, có sếp thì có người đó, riết rồi trở thành “oai” không kém sếp.
Có lần, tôi được dịp dự đám táng chung với một phụ nữ thuộc hàng lãnh đạo cấp trung bình, được dư luận khen là “giỏi xã giao” nên tôi cũng để ý cử chỉ của “đàn chị” nhằm học hỏi.
Đám táng là dịp để bà con, thân nhân người đã khuất về làm nhiệm vụ “nghĩa tử là nghĩa tận” với người thân nên tập trung cả người chúng tôi quen lẫn những người lạ rất đông.
Thật bất ngờ, “đàn chị” của tôi nhanh nhảu bắt chuyện làm quen với những người đàn ông lạ trong đám táng, sau vài câu hỏi thăm như: quan hệ thế nào với người chết, hiện nay ở đâu, làm gì, bao nhiêu tuổi, thứ mấy, tên gì… thì “đàn chị” chủ động rót rượu đế ra ly mời “đối phương” cùng cụng ly uống làm quen, coi như “hôm nay là đánh dấu ngày mở đầu tình nghĩa quen biết của hai bên”.
Đàn chị uống “làm quen” liên tục, còn đưa ly rượu bảo tôi “uống làm quen” với người này, người kia.
Từ chối thẳng thừng quá thì không tiện, tôi cũng phải ráng “làm quen” được hai người theo lời chị rồi đánh bài “say”.
Xã giao thế này thì tôi xin “Lạy cả nón”, thà mang tiếng “giao tiếp dở” còn hơn. May mắn là tôi có đặc điểm “ngửi hơi rượu mặt cũng đỏ như cà chua” nên không ai phát hiện cái sự “giả vờ say” của tôi, rủi ai phát hiện thì kể như đời tôi “thê thảm” vậy.
Người phương Tây có một phong tục rất hay khi nhập tiệc là: Mỗi người một bộ đồ ăn riêng, một chai rượu riêng, một cái ly riêng, ai thích uống bao nhiêu cứ tự giác rót, không có chuyện ép uống rượu đến mức chịu không nổi ói mữa đầy bàn tiệc như ở ta. Và họ cũng không có cái kiểu ngồi ăn nhậu tì tì hết giờ này sang giờ khác, ngồi lâu đến chai đít như chúng ta.
Tôi ước gì người Việt chúng ta học nét văn hóa “uống rượu tự giác” của mấy ông Tây để tôi đỡ mang tiếng là “khó chơi”, “khô cằn sỏi đá” thì tôi đội ơn vạn bội.