Đâu nhất thiết phải vào cà phê wifi sang trọng, tớ vẫn có thể vác laptop truy cập internet không dây từ vỉa hè như ai! cứ tưởng đó là lời bốc phét của anh bạn đang làm việc cho công ty quảng cáo Brand Connections nhưng té ra lại là chuyện thật 100%. Để chứng minh, anh bạn xung phong đưa chúng tôi đi thực địa quanh những phố cà phê ngay giữa trung tâm Sài Gòn.
"Ké" sóng từ cà phê cóc
Điểm dừng chân đầu tiên là một quán cóc trong con hẻm nhỏ đối diện quán cà phê Zenta trên đường Mạc Đĩnh Chi, Q.1. Vừa gọi nước uống, anh bạn vừa nhanh tay lôi từ trong cặp ra chiếc laptop "second hand" trị giá hơn 500 USD kèm theo lời "chú thích": "Bạn bè trong nghề để lại với giá hữu nghị ấy mà". Chỉ vài thao tác trên bàn phím, anh chàng đã dò được tín hiệu để truy cập vào mạng không dây của Zenta. Trên màn hình lần lượt hiện các thông số như độ mạnh, chất lượng của tín hiệu, tốc độ truyền... và chỉ cần một cú click chuột nhẹ, anh chàng ung dung ngồi kiểm tra email, chat với bạn bè và "lướt" web xem báo. Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, anh chàng cười khì giải thích: "Cũng chẳng có gì lạ lẫm đâu, chỉ là xài "ké" sóng Wifi từ Zenta thôi. Do sóng Wifi có thể lan rộng ngoài không gian quán khoảng 100m nên mình "tận dụng" để truy cập từ bên ngoài, ở bất cứ đâu, miễn đừng xa hơn khoảng cách đó là ổn!". Anh chàng cũng cho biết "phát hiện" này là do một anh bạn đang làm phóng viên "bật mí" trong một lần vô tình truy cập được Wifi từ vỉa hè, cạnh một quán cà phê sang trọng. Mặc dù độ mạnh tín hiệu chỉ đạt khoảng 20-33% và chất lượng hơi "chập chờn" nhưng theo lời anh bạn như thế đã là quá "ô kê con gà đen!". Rốt cuộc sau 1 giờ kết nối với thế giới, tổng cộng chúng tôi chỉ tốn gần 10 nghìn đồng cho ly cà phê và chai cam ép. Xem ra rẻ chán nếu so với chi phí để làm người "sành điệu" trong một quán Wifi sang trọng.
Đến "loạn" sóng ở Hồ Con Rùa
Rời quán cóc gần Zenta, chúng tôi tiếp tục hành trình đến phố cà phê sầm uất bao quanh Hồ Con Rùa, góc Công trường Quốc tế. Chọn được ghế đá lý tưởng, vừa mở laptop lên thì ô hô, không phải một mà là ba tín hiệu sóng Wifi từ những quán cà phê và cửa hàng gần đó, nào Window1, Windy, FPT Nokia với tốc độ từ 5-11 Mbps, tha hồ để chúng tôi chọn lựa. Thử vào mạng của Window1, sau cú click chuột của anh bạn, ngay lập tức trang chủ của một tờ báo điện tử đã hiện lên "hoành tráng". Sau một hồi thử nghiệm thành công, chúng tôi "chuyển tông" sang mạng của Windy để trả lời mail và tìm thông tin từ Google. "Thử nghĩ xem, nếu có việc gấp cần e-mail cho khách hàng hay bạn bè mà không tiện vào cà phê Wifi thì chỉ cần tấp xe ở Hồ Con Rùa, mở laptop ra. Với nhiều sóng Wifi chồng chéo như ở đây thì "ké" sóng của quán nào cũng được cả, vậy là giải quyết được vấn đề!" - anh chàng cười tếu táo.
Tuy nhiên cũng có lúc nỗ lực "ké" sóng của chúng tôi bị "phá sản" khi cố gắng "xâm nhập" vào mạng FPT Nokia góc Hồ Con Rùa hay một số mạng như NETGEAR, fps-hcm-wl gần phố cà phê Hồ Xuân Hương. Vì đây là mạng không dây nội bộ của các công ty nên khi truy cập buộc khách viếng thăm phải khai báo mật mã. Dĩ nhiên đây là biện pháp an toàn cần thiết để bảo mật dữ liệu cho công ty. Còn với các quán cà phê Wifi, nếu áp dụng việc khai báo mật mã đôi khi lại trở thành điều phiền phức cho khách. Thế nên chuyện dân rành công nghệ một chút thích "ké" sóng từ vỉa hè cũng là "chuyện nhỏ như con thỏ".
Không phải vì “kẹo kéo” hay không đủ tiền để vào cà phê Wifi, đơn giản chỉ vì đôi lúc thích vác laptop ngồi ngoài vỉa hè cho thoáng hay thử khám phá cảm giác mới lạ, đó là lý do những người trẻ như anh bạn đi cùng lại “kết mô đen" với xu hướng Wifi vỉa hè. Bởi vì ngay sau chuyến "thực địa", anh chàng đã mời chúng tôi vào quán I-Hub Cafe trên đường Hồ Xuân Hương để làm người "sành điệu". Và dĩ nhiên chất lượng Wifi ở đây thì khỏi chê với độ mạnh tín hiệu trên 90% và cực tốt!