Một người bạn của tôi nói rằng nhắc đến Hải Phòng là người ta nhớ đến hai thứ: bánh đa cua và thuốc lào Vĩnh Bảo. Thuốc lào Vĩnh Bảo thì tôi nhớ vì khi nhỏ không ngày nào là không phải chạy ra quán bà Ba mua cho bố, nhưng thưởng thức bánh đa cua ngay tại Hải Phòng thì quả thực mãi gần đây tôi mới có dịp.
Bánh đa cua là món ăn dân dã, gắn bó từ rất lâu với người dân Hải Phòng. Nó là thứ quà sáng, là thức ăn tối của người dân nơi đây. Nguyên liệu chế biến không có gì cao sang, đắt đỏ, chỉ những sản phẩm của vùng quê như cua đồng, lá lốt, rau muống… Nhưng chính từ những nguyên liệu có từ đất, có từ đồng ruộng ấy qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người bán hàng trở thành món ăn đặc sản.
Trước tiên là nước dùng: nước phải thật trong, thứ nước xương và nước cua đồng đã gạt hết bọt. Nổi phía trên nước dùng trong suốt là gạch cua nâu hồng, xôm xốp, miếng chả lá lốt xanh đậm, những mảy hành khô vàng rộm, giòn tan, những cọng rau, hành tươi xanh nõn. Thứ đến và cũng rất đặc biệt là sợi bánh đa nâu sậm – loại bánh được tráng khá kỳ công, sợi bánh mỏng tang, mềm và dai. Để làm được loại bánh như thế những người làng Dư Hàng Kênh - nơi cung cấp bánh cho toàn Hải Phòng và đi các nơi khác của cả nước phải nắm rất rõ và giữ bí quyết, kỹ thuật ngâm gạo, chế nước khi xay, pha bột và điều chỉnh lửa lò lúc tráng bánh…
Một bát bánh đa cua ngon, hấp dẫn phải hội tụ đủ ngũ màu: màu gạch cua nâu hồng, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của lá lốt, rau muống, hành lá, chanh; màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô. Màu sắc bắt mắt kết hợp với hương vị thơm ngon, béo ngậy chắc chắn sẽ níu chân thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức, sẽ là hương vị nhớ về của những người đi xa.
Trong một ca khúc về Hải Phòng nhạc sĩ Trần Tiến đã viết: “Người Hải Phòng thật thà như bánh đa cua...” – thứ bánh mộc mạc, dân dã được dùng để chỉ một phẩm chất của người dân nơi đây, điều đó đủ cho thấy với người dân đất cảng, bánh đa cua thân thiết như thế nào.
Những người đã từng sống ở Hải Phòng đều cho rằng: ăn bánh đa cua phải ăn ở Hải Phòng mới “đã”, sợi bánh đa cua phải ăn tại những con phố, ngõ ngách đất cảng mới giữ được hương vị. Có lẽ không chỉ bánh đa cua mà tất cả các món đặc sản đều vậy. Vì chỉ có đến, thưởng thức hương vị của đất, của nắng gió, sản vật tại nơi nó phát sinh thì mới thấy hết được vị ngon, ngọt, hấp dẫn.