Xã Mỹ Hòa Hưng (Cù lao Ông Hổ) quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cách thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang hơn 5 km. Muốn đến Cù lao phải qua bến đò Ô Môi. Làng cá bè có hơn 50 hộ nuôi cá, hàng năm cung cấp hàng ngàn cá thương phẩm cho thị trường.
Nơi đây bà con nuôi các loại cá độc đáo như cá ba sa, cá tra, cá chép, cá điêu hồng, cá tai tượng... cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận, thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí còn xuất khẩu nước ngoài... Từ nguồn lợi thủy sản đó mà ven sông có nhiều nhà hàng chế biến món ăn, đặc biệt là nhà hàng Hàm Rồng, cạnh khu lưu niệm, đền thờ Bác Tôn, đã chế biến nhiều món ăn từ cá như gỏi cá, chả cá, cá vò viên, lẩu cá, cá tai tượng chiên xù, riêu cá chép... gần 100 món ăn từ cá vô cùng hấp dẫn. Độc chiêu nhất là món gỏi cá đặc sệt chất Nam Bộ. Vớt con cá chép đang lượn lờ trong hồ, làm sạch, chặt đầu lau khô. Bằng lưỡi dao sắc bén, lớn bản, nhanh tay lóc phi lê, lạng mỏng thịt cá, bỏ da xong trộn với tiêu hành, tỏi giã nhuyễn để làm chín tái miếng cá. Da, xương cá, đem bằm nhuyễn cùng thịt nạc dăm, gan heo cho vào nấu chung chỉ không đầy nửa giờ là xong việc. Mâm cỗ bày ra. Trên bếp lò rực than hồng, nồi nước sôi, tỏa hương thơm ngào ngạt kích thích tì vị thực khách.
Một đĩa rau đủ các loại hái trong vườn nhà, đọt xoài, đinh lăng, lá lốt, lá sung... toàn những vị thuốc nam giúp nhuận trường, bổ tì vị, lại là những món rau ăn kèm với gỏi cá rất hợp khẩu vị, cho dù thực khách khó tính đến đâu vẫn thấy hài lòng. Khách dùng lá cuốn gỏi cá chấm vào chén nước mắm đã được làm sẵn và lua một cái, ực thêm chút rượu nếp thơm của Cù lao ông Hổ là "tuyệt cú mèo". Vị cay nồng thơm của rượu nếp, hòa lẫn vị chát, vị chua của các loại rau, lá hòa quyện với miếng cá thơm lừng, giòn tan, thắm đậm cái vị mằn mặn, dịu ngọt thoảng hơi chua chanh trong chén nước mắm, tạo cho khách ăn hoài vẫn thấy thích thú muốn ăn thêm, quên thôi. Nhưng rồi, người sành văn hóa nghệ thuật ẩm thực vẫn phải để bụng thòm thèm mới thấy ngon. Bởi vậy họ không ăn nhiều để bụng thưởng thức các món ăn khác.
Qua món gỏi cá chép, người phụ trách đưa thêm lên bàn ăn con cá tai tượng chiên xù vàng lườm giòn rụm trông đẹp mắt, bên cạnh món rau dắp cá, rau thơm xanh ngắt, những trái ớt đỏ tươi, những món dưa chua củ cải trắng xen lẫn cà rốt, khóm xắt lát mỏng. Nước chấm là chén nước mắm Phú Quốc làm săn tỏi, ớt và những tép chanh thơm lựng... Tất nhiên không thể thiếu bánh tráng để cuốn. Ai cuốn nấy ăn, tạo nên bức tranh ẩm thực thật bắt mất. Thực khách cũng không thể chờ đợi lâu hơn, rượu đã được rót ra, cùng nâng ly nhập cuộc.
Khi dạ dày vừa no và hơi rượu ngà ngà say như bông gòn bay bổng, thì nhà hàng đem ra cho mỗi người một tô cháo cá nghi ngút khói. Cuối bữa ăn, là một tuần trà sen độc đáo đậm đặc chất Nam Bộ. Bên những câu chuyện rôm rả khi trà dư tửu hậu về thú ẩm thực, nhiều người thắc mắc về món cháo lạ lùng, khó có nơi nào có được thì đầu bếp của nhà hàng cho biết: muốn có nồi cháo ngon ngọt, đặc biệt cá phải thật tươi, còn sống, làm sạch. Nước nấu cháo là nước xương hầm, cháo mới ngọt, những miếng cá xắt vừa ăn ướp tiêu, nước mắm ngon rồi bac chảo phi mỡ tỏi, cho cá vào xào sơ cho săn và thấm gia vị. Đầu cá cho vào cháo nấu nhừ, cho thịt cá vào nêm nếm vừa ăn là phù hợp khẩu vị.