Cây củ mài thuộc họ dây leo, anh em với cây củ từ, lá gần giống như lá cây củ từ. Hình quả cây củ mài rất độc đáo. Củ mài không to lắm. Thông thường mỗi dây chỉ có một củ.
Củ mài thường chỉ to bằng bụng tay người lớn dài khoảng hai, ba gang tay. Tuy nhiên cũng có củ cắm sâu hàng mét. Đào sâu, đoạn dưới đất sâu bao giờ cũng nạc, bở, ngon hơn đoạn trên gần cuống dây. Chỉ cần đào được một củ to bằng bụng tay, dài khoảng một mét, ta đã được một nồi chè cho đủ cả nhà có mươi người ăn thoải mái rồi.
Củ mài rất dễ chế biến thành những món ăn thông thường. Chè củ mài có thể nói, đó là một món đặc sản của vùng núi vậy.
Chế biến củ mài để nấu chè cũng rất đơn giản, có nhiều cách khác nhau. Thông thường thì củ mài được rửa sạch, cạo vỏ, sau đó đem xát. Sau đó lấy rá lọc bỏ những tạp chất, để nước bột lắng xuống, chắt nước trong có lẫn nhớt ở trên bỏ đi. Cuối cùng đổ bột vào nồi nấu, cho nước đường vừa phải tùy theo số lượng bột củ mài.
Chè củ mài ăn nguội mới ngon. Nhưng khi nồi chè củ mài bắt đầu sôi trên bếp lửa, mùi thơm lạ của rừng, của núi lan tỏa làm cho ai cũng thấy thèm. Nâng bát chè củ mài thưởng thức cảm thấy vị ngọt mát tan ra nơi đầu lưỡi, bâng khuâng nỗi nhớ núi rừng.