Tôi bỏ học sớm và có thời gian đã đổ cho hoàn cảnh khó khăn để biện hộ cho mình. Song đến khi tôi gặp và hiểu cuộc đời, sự phấn đấu không mệt mỏi của một con người yếu ớt bằng xương bằng thịt, suy nghĩ của tôi có sự thay đổi.
Vào năm 2000, tôi phục vụ tại một đội khoan giếng nước ngầm với công việc quản lý. Anh chủ tên Bảo nhà tại Cốn Đôi, Đại Hải, Kế Sách, Sóc Trăng. Tôi đưa đội khoan đi suốt miền đồng bằng, khoan không biết bao nhiêu là giếng nước ngầm cho bà con tận những vùng quê xa xôi nhất. Gần chục con người miệt mài với công việc nặng nhọc dưới nắng gắt hay trời mưa tầm tã, có tiền đấy, song xài cũng nhiều chẳng dư giả gì.
Rồi một lần về nhà anh Bảo, một cậu thanh niên tật nguyền bại liệt cả hai chân bước ra chào tôi, sự bất ngờ khiến tôi sững sờ mất một lúc mới đáp lại lời cậu trẻ. Cậu có thân hình như thế, song ánh mắt vô cùng thánh thiện và mạnh mẽ, gây ấn tượng khó quên với tôi ngay lầm gặp đầu tiên. Đấy là cậu Phong, con trai anh Bảo đang theo học tại một trường đại học trên TP HCM, ngành công nghệ tông tin - một ngành học mà khi ấy đối với tôi thật sự mới mẻ.
Tâm sự với Phong tôi cảm nhận được nghị lực và lòng tự tin ở mức độ đặc biệt. Cậu mang từ thành phố về một chiếc máy tính và cả nhà thay nhau làm quen với phương tiện hiện đại này. Là người giúp việc, song tôi cùng được đặc ân ngồi vào bàn và lần đầu trong đời có khái niệm thế nào là máy vi tính, tôi chìm đắm say mê trong đấy với những hướng dẫn người kỹ sư tin học tương lai.
Sau lần đấy tôi có gặp Phong vài lần ngắn ngủi, song ấn tượng đẹp thì khó phôi phai. Đi làm ăn cạnh cha cậu, tôi hỏi anh Bảo suốt về Phong và được biết bao nhiều là chuyện hay. Anh Bảo kể ra đời Phong bình thường, khôi ngô sáng láng lắm. Vậy mà sau một trận ốm nặng, cậu đã liệt cả hai chân. Người cha đã một mình nuôi con trai ở bệnh viện Chợ Rẫy, hết tiền lại bán kẹo kéo quanh bệnh viện để cầm cự với con.
Về nhà, Phong mặc cảm không muốn đến trường. Thuyết phục Phong đến trường, về nhà Phong lại tủi than khóc vì chúng bạn thấy tật nguyền không chơi chung. Và lúc này, vai trò người cha như một vị tướng đã chứng tỏ sức mạnh. Anh Bảo nói với con trai "con học cho thật giỏi khắc sẽ có bạn tự nguyện kết thân với con" và Phong đã học giỏi, rất giỏi. Chẳng những Phong có nhiều bạn thân, mà có những người bạn đã cõng Phong đến trường. Từng ngày một, cậu trẻ ấy đã vươn lên thành một hiện tượng tại trường phổ thông nơi cậu học.
Phong thi đậu đại học, vào ngành công nghệ thông tin, còn tôi rời anh Bảo về quê với vốn liếng là nhúm tiền ít ỏi song nghị lực mà cậu trẻ tên Phong truyền cho thì rất nhiều. Tôi khiến cả nhà cả xóm bất ngờ khi cắp sách đi học bổ túc ở tuổi 30. Và tôi học như Phong đã học, cho dù tôi không thông minh như cậu. Trong chặn đường gian khó sở đắc tri thức, Phong như luôn bên cạnh tôi.
Thời gian gián đoạn thật lâu không gặp, đến khi có tin anh Bảo thì vui buồn lẫn lộn. Các con anh đều công thành danh toại, riêng Phong có việc tại một trung tâm thẻ trong ngành ngân hàng, làm việc tại TP HCM. Song anh Bảo thì vướng K (ung thư), sự sống ngặt nghèo. Tôi liên tục gọi điện tâm sự với anh Bảo khi ấy đang trên giường bệnh và thường gặp Phong cạnh anh. Rồi anh Bảo mất, ai cũng nghẹn ngào. Phong nhắn tin vào máy tôi "chú Công ơi bố mất rồi.
Có thể nói sức mạnh mà Phong có được phần lớn được truyền từ người cha can cường. Nếu không có chỗ dựa tinh thần là một người cha như anh hai Bảo, người con ấy cho dù rất thông minh không chắc vượt lên tất cả để thành đạt như hôm nay. Tôi vẫn nhớ thời điểm năm 2000, tiền ăn học của Phong trên thành phố tất cả gói trong 400.000 đồng một tháng, một con số rất khiêm tốn. Người con hầu như đã lập trình hóa mọi chi tiêu để có thể hoàn thành sự học ở nới đắt đỏ nhất nước và sau đấy lấy được cái thạc sĩ công nghệ thông tin theo kiểu củi đậu nấu đậu, làm để sống và học tiếp.
Sống trong một cuộc sống có nhiều người, cả tôi nữa, có điều kiện tốt hơn song không vượt dốc được như Phong, tôi rất ngưỡng mộ con người trẻ tuổi mà tài hoa ấy. Đọc thông tin về cuộc thi viết này trên mạng, tôi gọi cho Phong và cậu đã gửi cho tôi những hình ảnh để sử dụng cho bài viết. Ngắm những tấm ảnh tôi thấy cả trời hạnh phúc mà cậu đang hưởng và thế giới mơ ước của cậu. Phong đã có một gia đình riêng, người vợ trẻ và một cháu bé, những tấm hình hạnh phúc được Phong gửi gắm trên trang mạng của mình. Và như thế, Phong đã đi đến đích, cả đời và "đạo" (sự học) để có một cái kết hạnh phúc.
Trong e-mail ngắn gửi cho người giúp việc ngày nào của cha, cậu Phong đã chỉn chu sử dụng Anh ngữ ở dòng cuối "trân trọng" (Best regard). Vâng, tôi cũng rất trân trọng cậu, Phong ạ. Cậu là thần tượng của tôi. Xin biết ơn về tất cả những gì mà sự phấn đấu của tỏa ra thôi thúc người khác vượt lên nghịch cảnh. Và tôi cứ nghĩ suốt về anh Bảo, người cha can cường của Phong, người bạn lớn của tôi, khi viết những dòng này. Chắc các bạn cũng nghỉ như tôi "nơi suối vàng, người cha rất hài lòng về cậu con trai của mình".
Ngân Theo Doisong.vnex.press.net