Những món ăn được hâm đi hâm lại, các loại thực phẩm để quá lâu ngày có thể là thủ phạm “làm khó dễ” cho hệ tiêu hóa của chúng ta, thậm chí gây ngộ độc. Vậy nên xử lý “dư âm Tết” như thế nào và nếu bị vấn đề về tiêu hóa thì chữa trị ra sao?
Lời khuyên đầu tiên của Thạc sĩ – kỹ sư Nguyễn Thị Ngọc Thu đến từ Trung tâm dinh dưỡng TPHCM là các gia đình phải kiểm tra và làm sạch lại cái tủ lạnh. Cần phải xem lại các loại thức ăn còn lại trong tủ có thể sử dụng được an toàn hay không. Nếu thức ăn không còn an toàn thì phải kiên quyết cho vào thùng rác.
Thực phẩm đông lạnh:
- Đối với các loại thực phẩm đóng gói cần phải xem xét có bị quá đát hay không. Bạn cũng cần phải chú ý nếu bao bì đã được mở thì hạn sử dụng ít hơn nhiều khi chúng còn nguyên vẹn trong hộp.
- Các loại thực phẩm tươi sống nếu không được bảo quản liên tục ở ngăn đá tủ lạnh, có mùi hay nhớt, nếu tiếc của cứ sử dụng có thể gây bệnh.
- Các loại rau úa vàng cũng không nên sử dụng. Khoai tây nếu đã mọc mầm sử dụng sẽ rất độc hại.
- Trái cây dùng thắp hương lâu ngày đã héo úa thì không nên sử dụng vì chúng đã mất hết vitamin cũng như không còn được vị tươi ngon nữa.
- Đối với các loại ngũ cốc, quả hạt có dầu dự trữ, nấm mốc thường rất dễ phát triển, chúng vừa gây hư hỏng thực phẩm, vừa sản sinh ra các loại độc tố nguy hiểm. Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus Flavus và Aspergillus Parasiticus sản sinh ra trong ngô, đậu và lạc ẩm mốc rất độc và có thể gây ung thư gan.
Đối với những thức ăn đã chế biến
- Thức ăn tốt, đảm bảo vitamin, khoáng chất là phải ăn ngay sau khi nấu, lúc này hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn còn cao. Khi thức ăn phải hâm đi hâm lại nhiều lần, lượng vitamin mất dần theo mỗi lần hâm, lại làm tăng vị mặn cho món ăn. Đối với một số người ăn mặn còn có thể gây ra các bệnh thận, tăng huyết áp. Các món dưa chua, ngâm dấm để lâu ngày cũng sinh nấm, mốc.
- Việc chiên rán thức ăn đủ loại, hay các cách chế biến lại các món ăn cũ, chủ yếu để đánh lừa cảm giác chứ thật sự chất dinh dưỡng đã bị mất đi, chưa kể vì để thức ăn quá lâu rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Các loại bánh mứt
Các loại bánh mứt cũng có hạn sử dụng riêng của nó. Các loại mứt lâu ngày có thể chảy nhựa, lên mốc… Nếu ta cứ sử dụng các loại thực phẩm đã biến chất, không an toàn thì có thể gây đau bụng, thậm chí ngộ độc khi sử dụng.
Trong trường hợp bạn đã lỡ ăn những thực phẩm quá hạn thì triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể bao gồm buồn nôn, co thắt dạ dày, tiêu chảy, nôn, sốt và đau đầu. Triệu chứng có thể xảy ra trong vòng 30 phút sau khi ăn hoặc trong một vài giờ, hoặc thậm chí vài ngày sau đó. Có thể ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng đến sức khoẻ. Nó có thể gây ra nguy hiểm và thậm chí tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Khi nhận thấy các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo hoặc không các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở... Thạc sĩ Ngọc Thu khuyên nên lập tức tiến hành các bước sơ cứu sau đây:
- Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, điều đầu tiên bạn nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Pha một cốc nước muối loãng rồi cho người bệnh uống, dùng tay đặt vào lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều các thức ăn trong dạ dày ra càng tốt.
- Để người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa 1 lít nước với một gói orezol hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để bù và chống mất nước cho cơ thể. Mặt khác uống nước còn giúp trung hòa chất độc trong cơ thể người bệnh nhằm hạn chế tối đa những tác hại mà độc tố sẽ mang lại.
- Lưu ý: Trong trường hợp bệnh nhân bị hôn mê tuyệt đối không tiến hành gây nôn vì như vậy sẽ rất dễ gây sặc thức ăn hoặc tắc thở.
Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời cho người bệnh, bạn hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ rửa ruột và tiến hành các điều trị cần thiết.