Giáo sư Ngô Bảo Châu: Mua sách là đưa cả đống bạn về nhà
Đăng lúc 22:19 ngày 11/10/2013
Ngày 25.8, GS Ngô Bảo Châu (ảnh) cùng nhà văn Phan Việt - chủ biên tủ sách “Cánh cửa mở rộng” hợp tác cùng NXB Trẻ - đã có mặt tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.Hồ Chí Minh để giao lưu kinh nghiệm đọc sách cho các bạn trẻ.
Ngày 25.8, GS Ngô Bảo Châu (ảnh) cùng nhà văn Phan Việt - chủ biên tủ sách “Cánh cửa mở rộng” hợp tác cùng NXB Trẻ - đã có mặt tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.Hồ Chí Minh để giao lưu kinh nghiệm đọc sách cho các bạn trẻ.
Theo GS, tiêu chí để chọn sách hay như thế nào? Liệu đó là loại sách chỉ một nhóm người hiểu được, hay là sách đại chúng?
- Chúng tôi sưu tầm những tác phẩm kinh điển theo quan điểm riêng là những hạt ngọc không phải ai cũng biết. Tiêu chí chúng tôi đưa ra dựa trên kinh nghiệm đọc của chính mình. Để thực hiện được cuốn sách cho đa số công chúng hiểu được là rất khó. Chúng tôi tuân thủ tinh thần của tủ sách là không phải giải trí, không phải chỉ để tham khảo, cũng không phải phổ biến tri thức, mà là những cuốn có nhiều tranh cãi, có giá trị thực sự, khiến độc giả phải suy nghĩ và chung thủy với tủ sách này. Độc giả cũng có thể giới thiệu sách với chúng tôi, để hình thành một phong cách đọc sách, thưởng thức văn học, văn hóa khác chứ không phải kỹ năng giỏi, kỹ năng
thành công.
Mặt khác, hằng năm, chúng tôi sẽ có những cuốn sách mang tính chất giới thiệu về khoa học. Chẳng hạn, tôi rất thích cuốn “Cơ học - toán” của Mark Levi. Hay cuốn “Phải trái đúng sai” của Michael Sandel mà nhóm dịch giả đưa cho tôi đọc. Cuốn sách viết về toán học, nhưng không phải là những khái niệm siêu hình, huyền bí, mà là những câu hỏi cụ thể về cuộc sống, đi từ những triết lý có tính chất xây dựng. Tôi xin trích dẫn ra đây lời bình luận về quyển sách này của tờ New York Times: “Michael Sandel - có lẽ là GS đại học nổi tiếng nhất ở Mỹ - đã mang lại sự minh bạch về đạo đức cho sự lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt, với tư cách là công dân trong xã hội dân chủ”.
Cuốn sách gắn với tuổi thơ mà GS tâm đắc nhất?
- “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils” dạy cho tôi về lòng nhân hậu và can đảm. Lúc nhỏ, tôi đọc bằng tiếng Việt, còn khi ở Pháp, tôi đọc cho con gái lớn nghe bằng tiếng Pháp. Sau này, lại đọc cho cháu thứ hai nghe bằng tiếng Anh. Cho đến lúc ấy, tôi vẫn cảm thấy rất xúc động với câu chuyện mà quyển sách kể lại.
Ngày nay có đủ loại sách dạy làm người, dạy cách thành công trong cuộc đời. Vậy theo GS, đâu là cuốn sách có ý nghĩa nhất với ông?
- Đừng tin rằng những cuốn sách như vậy sẽ khiến bạn thành công. Những điều sách có thể dạy cho chúng ta chính là giúp hình thành nhân cách của chính mình. Con người không phải đẻ ra là biết hết mọi chuyện, đều có thể sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn. Nhờ sách mà con người có thể đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, biết sống với mọi người chan hòa, nhân hậu, hiểu biết thêm về thế giới.
Xin cho biết thói quen đọc sách của GS?
- Những khi bực mình, buồn bã, tôi thường ra hiệu sách. Việc mua sách là chuyện dễ chịu nhất trong cuộc sống. Khi ấy, những ưu phiền đi qua, mình đưa cả đống bạn về nhà. Trong nhà tôi chỗ nào cũng ngổn ngang sách. Có những cuốn tôi chỉ đọc được 1/3, có cuốn chỉ 10 trang, nhưng có cuốn thì đọc liền một mạch không thể rứt ra. Có khi gặp cuốn hay quá, sẵn sàng bỏ công việc để đọc hết.
Khi theo đuổi bổ đề cơ bản Langlands trong suốt 10 năm, làm sao ông nhận ra mình đã có hướng đi đúng để đạt được thành công?
- Khi làm khoa học, cái khó nhất là biết mình đi đúng hướng hay không. Đối với tôi trong toán học, cách chỉ đường tốt nhất chính là vẻ đẹp. Càng làm càng thấy được vẻ đẹp ấy thì hiểu rằng mình đã đúng. Còn nếu càng làm càng xáo trộn, rối rắm thì hiểu có khả năng mình sai. Không phải ai cũng có thể hiểu được vẻ đẹp của toán học, nhưng đối với toán học, vẻ đẹp là cách dẫn đường chắc chắn nhất.
Sưu tầm laodong.com.vn
Minh Thi ghi