Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Cửa sổ tâm hồn

Giường đâu chỉ để mơ

Đăng lúc 12:29 ngày 26/07/2013

Giả sử có một cuộc thi, cho các vật dụng trong nhà kể chuyện, thì tôi luôn tin rằng, ít có vật dụng nào chiến thắng được cái giường bởi sự thấu hiểu, bởi cảm nhận tinh tế mà xác thực mà chiếc giường có được. Chiếc giường thấy sự đợi chờ của vợ, thấy cả sự trằn trọc của chồng. Chiếc giường dự báo thời tiết được ngày mai khi đêm nay, tình yêu là nồng nàn hay hờ hững.


 
1. Hồi tôi bé tí, mỗi năm được ba mẹ chở đi chơi Sài Gòn một lần vào dịp hè, thường là sẽ đi chơi sở thú rồi tối về ngủ ở nhà bác ruột, một căn hộ lầu ba của cư xá Thanh Đa. Em trai tôi khi ấy bốn tuổi, về lại quê “tuyên truyền” nhà bác Tư là giàu nhất, vì nhà bác to và có đến bốn, năm tầng lầu! Tôi cũng thấy bác tôi giàu theo cách hiểu của mình, các anh tôi thì ăn mặc đẹp đẽ bơi ở hồ nước xanh ngăn ngắt chứ không phải tắm sông như bọn bạn ở quê. Trong nhà bác thì đèn điện sáng trưng và phòng ngủ thì không cần giường! Thế giới quanh tôi nhỏ bé, ở quê tôi lúc ấy, nhà ở nhất thiết phải có giường. Giường để ngủ không nằm trong phòng ngủ. Thời ấy cũng ít thấy ai dùng nệm, quê tôi cũng không bị gió rét khắc nghiệt nên quanh năm cứ giường tre hay giường gỗ rồi trải chiếu cói hoặc đệm bàng mà nằm cho nó mát. Cho nên, ở một nơi điện đuốc sáng choang, nhà lát gạch bông trơn láng mát rượi, phòng ngủ có một cái nệm cao ba tấc trải drap sặc sỡ thì đích thực, bác tôi giàu. Tôi đã nghĩ rằng, giường ngủ là của người nghèo, nhà giàu dùng nệm lò xo để con nít nhảy tưng tưng trên đó rồi tưởng là mình đã chạm được thiên đàng. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng, người giàu thì không phải 4 giờ sáng thức dậy để hứng nước ở dưới đất rồi kéo lên dùng cho cả ngày, người giàu thì không phải leo ba tầng lầu để vừa tra khoá cửa vừa lè lưỡi thở! Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng khác với cái nghèo “phổ thông” ở quê mình là giàu, vậy thôi.
 


 
2. Chiếc giường, có lẽ là vật gắn bó mật thiết nhất trong một đời người. Từ thuở lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay. Chiếc giường nằm im cưu mang, nâng đỡ và tái tạo năng lượng. Chiếc giường, còn để cho mơ khi ta có tình yêu và mong muốn được cùng ai đó gắn bó đến suốt đời. Trên một cái giường, kiểu gì cũng được, kích cỡ nào cũng được, miễn sao được nằm với người ta thương. Tháng năm dặm dài phía trước, nóng nực hay chật chội gì thì tính sau. Chiếc giường là chứng nhân đầu tiên và rõ ràng nhất cho bất kỳ cuộc hôn nhân nào. Giả sử có một cuộc thi, cho các vật dụng trong nhà kể chuyện, thì tôi luôn tin rằng, ít có vật dụng nào chiến thắng được cái giường bởi sự thấu hiểu, bởi cảm nhận tinh tế mà xác thực mà chiếc giường có được. Chiếc giường thấy sự đợi chờ của vợ, thấy cả sự trằn trọc của chồng. Chiếc giường dự báo thời tiết được ngày mai khi đêm nay tình yêu là nồng nàn hay hờ hững.

Một cái giường chắc chắn sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho hôn nhân. Nhiều người quê tôi tin như vậy, mỗi khi con gái đi lấy chồng, cha mẹ cô dâu sẽ có cách này hay cách nọ để tặng đôi vợ chồng trẻ một cái giường. Không phải e ngại nhà chồng không đủ khả năng lo cho đôi trẻ một cái giường mà về cơ bản, đó là một ý nghĩa nhân văn không kém phần dễ thương. Ít nhất, khi bỡ ngỡ về làm dâu nhà chồng, người con gái nọ cũng có một vật dụng thân yêu của cha mẹ mình nâng đỡ, vỗ về mỗi khi mỏi mệt. Rồi trẻ con được sinh ra, bú ngủ trên giường, thậm chí tè trên giường đến mục cả chiếu, được mẹ cha ấp ôm đùa giỡn cũng trên chiếc giường ấy rồi lớn lên. Trẻ con thấm đẫm tình yêu hay sự lạnh nhạt, trẻ con được nhuộm sắc yêu thương hay bạc màu chối bỏ trên chiếc giường nó được sinh ra, tất cả, sẽ là hành trang khi chúng bước vào đời.

3. Nhưng, còn một chiếc giường nữa, vòng đời của nó ngắn ngủi chẳng tày gang, ấy là chiếc giường cho người đã chết.

Sau này thì tôi hiểu, đó là vì lý do vệ sinh chứ không phải do tâm lý hoá vàng toàn bộ vật dụng mà người đã chết từng dùng, để “xuống dưới có mà xài”. Sau đám tang ông hai ngày, chú tôi mua về một bình dầu hoả rồi châm lửa đốt cái giường tre có buộc vải trắng ở bốn chân ấy. Chiếc giường được mua về trước khi ông mất vài ngày nên chất gỗ còn tươi. Tiếng nổ tí tách từ những đoạn tầm vông không khiến cho ánh mắt bà tôi bớt u sầu được. Nhìn ngọn lửa bùng cao, tôi nghe lòng mình nóng rẫy. Nhưng cần thiết phải như thế, chị dâu dấm dúi nói sau lưng tôi, thì đốt đi chứ để đó có ai dám nằm! Có ai dám nằm trên cái giường của người chết không? Thôi thì đốt đi, coi như xoá đi một kỷ vật buồn. Thấy tôi bần thần vừa thương ông vừa thắc mắc sao phải đốt một cái giường còn mới như thế, ba tôi ôm tôi vào lòng nói thêm, vì ông thích cái giường ấy, nên ông nằm hoài nằm hoài không chịu dậy, mình đốt để ông mang theo!

Tuổi nhỏ ham mê đồ hàng, đánh đũa nhưng sau đám tang ông, thấy ông sư chùa nhà hiền từ không khác ông tôi mấy nên theo hướng chỉ của cảm xúc, tôi thường xuyên qua lại nhà chùa, để thắp nhang và… chơi. Lâu lâu sư ngoắt tôi lại để kể cho nghe vài câu chuyện. Sư nói cái giường mà ta nằm ngủ hàng ngày, dù gì, cũng là giả tạm nốt. Nếu nó không ướt, không gai nhọn, không lổn nhổn gút mắt là được rồi. Hãy yêu thương và biết ơn nó đã giúp ta yên giấc để sáng ra đón ánh mặt trời. Chiếc giường là một ga xép nhỏ trong hành trình tưởng dài mà thật ngắn của đời người. Tàu mỗi ngày về ga, ta mỗi ngày về giường rồi sáng ra đi tiếp.

Một cái giường vật chất không khó để sở hữu, những gì đã diễn ra trên giường mới là thứ khiến người ta đau đớn hay hân hoan. Chiếc giường không chỉ để lên giường. Tôi vẫn nghĩ, một cái giường giá trị, ấy là khi nó mang trên mình những vết thương sâu, những lấm tấm bụi vàng hạnh phúc, để mỗi khi nghĩ về nó, lòng người được bình an lại, rồi bay lên, nhẹ nhàng như mây, như ngủ.
 
Sưu tầm



Qua Tang Online