Ngọt ngào lời ru của mẹ
Đăng lúc 08:55 ngày 23/08/2013
Nhà tôi vốn đông người, sau tôi còn có năm đứa em. Nên dù lớn, thi thoảng tôi vẫn được nghe những lời hát ru từ mẹ. Mẹ bảo ngày nhỏ, cái thuở còn nằm nôi, tôi vốn khó ngủ. Chẳng ai có thể dỗ dành tôi, trừ mẹ.
Mẹ đặt tôi vào nôi rồi bắt đầu ru, mà bao giờ hát phải đến bốn, năm bài tôi mới chịu thiếp đi. Những bài đầu tiên, tôi nằm ngậm tay rồi lim dim nghe ra chiều như đang cảm nhận khiến mẹ nín cười. Mẹ bảo ru đến khản cổ mới thấy tôi nhắm mắt nhưng phải đưa nôi chừng năm mười phút mới ngủ yên chứ ru xong, nôi ngừng là tỉnh dậy khóc ngay.
Nhiều khi vừa ru tôi ngủ, mẹ vừa chuẩn bị nấu ăn. Thế là, mẹ đưa chân để đẩy nôi, tay thì nhặt rau mà miệng lại hát ru không ngớt.
Đứa em trai sau tôi cũng thuộc dạng nhõng nhẽo. Bây giờ lớn rồi, đôi lúc, ba vẫn nhắc chuyện ngày xưa để trêu nó. Ba kể ai đời, lớn tồng ngồng ba, bốn tuổi rồi mà vẫn đòi nằm nôi. Cái nôi bé tí khiến chân cu cậu đưa thõng ra ngoài, đã thế còn vòi vĩnh đòi hát ru mới chịu ngủ.
Hình như, chị em tôi đứa nào cũng thèm những ầu ơ của mẹ. Ký ức tuổi thơ cứ chập chờn ẩn hiện trong điệu ru ấm áp ngày nào. Những hình ảnh thân thuộc của quê hương đi vào câu hát, là cánh cò chao nghiêng trên đồng ruộng, là con đò xưa cũ, cây đa, bến nước bình dị… được mường tượng qua những bài hát ru.
Tôi hỏi mẹ, mẹ học đâu ra nhiều bài ru đến vậy, lời ru cứ bất tận như một kho tàng giấu kín. Mẹ học từ bà ngoại, bà ngoài học từ bà cố, cứ thế, lời ru truyền từ đời này sang đời khác như thương yêu tiếp nối đến muôn đời.
Giọng mẹ ấm, nghe sâu lắng và êm đềm đến lạ. Khi cho bú no nê xong, mẹ đặt chị em tôi nhẹ nhàng vào nôi rồi cất tiếng ầu ơ dịu ngọt. Bài ru dài lắm, càng dài thêm ra bởi những tiếng à ơi nhẹ nhàng.
Chị em tôi thân thuộc với từng ca từ trong lời ru, đến nỗi lớn hơn một tí, biết chơi búp bê lại ôm con búp bê vào lòng rồi bập bẹ những lời ru còn chưa rõ chữ.
Bạn bảo tôi hoài cổ, thời đại này ai lại đi hát ru làm gì nữa. Nó có con và cho con nghe nhạc không lời từ trong bụng để kích thích tư duy. Khi đứa bé ra đời, cô bạn cũng chỉ bật nhạc mỗi lần cho con ngủ. Đến cái nôi cũng tự động đưa, bạn chẳng cần đụng tay vào. Mới hay, cứ như vậy, theo năm tháng đi lên của xã hội bây giờ, những bài hát ru không chừng phải cần một viện bảo tàng để lưu giữ.
Có lẽ đúng là hoài cổ nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, được mẹ ru, được tay mẹ đưa nôi vẫn là niềm hạnh phúc tròn trĩnh, an yên nhất của một đứa trẻ. Nó không chỉ vỗ về con thơ vào giấc ngủ mà còn chất chứa nhiều yêu thương. Đôi lần, tôi lại ước ao, giá được quay về một lần thôi, thuở còn nằm nôi, được ủ ấm trong vòng tay mẹ, cảm nhận mùi sữa thơm yêu nồng nàn và được nghe tiếng ru hời ngọt ngào yêu dấu ấy.
Sưu tầm