Liệu trước đây chúng có phải các địa danh du lịch như ngày nay không? Hãy cùng tìm câu trả lời qua chùm ảnh độc có 1- 0- 2 dưới đây.
1. Sa Pa (Lào Cai)
Sa Pa (trong tiếng Pháp là Chapa) đã được người Pháp khai thác làm địa điểm nghỉ mát từ năm 1915. Cái tên Sa Pa vốn xuất phát từ tiếng Quan Thoại (Trung Quốc), có nghĩa là “bãi cát”, ý dùng để ám chỉ bãi cát nơi mà người dân nơi đây thường họp chợ.
Toàn cảnh Sa Pa thập niên 1900 nhìn từ trên cao.
Năm 1920, khi tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai hoàn thành, Sa Pa trở thành “thủ đô mùa hè” của miền Bắc và là nơi nghỉ dưỡng ưa thích của các quan chức Pháp tại thuộc địa. Ước tính, đã có gần 300 biệt thự Pháp được xây dựng ở đây.
Khách du lịch Pháp chụp ảnh tại công viên được xây dựng tại Sa Pa.
Những nhà nghỉ dưỡng dành cho quân lính Pháp tại Đông Dương.
2. Tam Đảo (Vĩnh Phúc)
Tam Đảo được người Pháp biết tới từ năm 1904 sau khi họ tìm ra Thác Bạc ở độ cao 912m so với mặt nước biển. Nhằm biến địa danh này thành một khu nghỉ dưỡng trên núi, chính quyền Pháp khi đó đã cho xây dựng một thị trấn phục vụ du lịch ở đây.
Núi Tam Đảo chụp từ trên cao.
Một khu nghỉ dưỡng mang phong cách kiến trúc châu Âu đã từng ngự trị tại đây.
Người ta ước tính có tổng cộng 163 ngôi biệt thự mang kiến trúc châu Âu đã được xây dựng ở Tam Đảo. Chỉ trong vài năm, nơi đây trở thành khu du lịch nổi tiếng dành cho các quan chức thuộc địa.
Một khách sạn có tiếng thời đó ở Tam Đảo.
Ảnh chụp địa danh Thác Bạc.
Theo những ghi chép còn sót lại, khí hậu Tam Đảo rất dễ chịu, phù hợp với những chuyến nghỉ dưỡng từ tháng 6 đến tháng 9.
3. Đồ Sơn (Hải Phòng)
Khác với các địa danh nghỉ mát nổi tiếng ở nước ta thập niên 1900, Đồ Sơn là một trong số ít các nơi được biết đến từ trước khi thực dân Pháp tới Đông Dương.
Dưới thời phong kiến, Đồ Sơn đã có mặt trên bản đồ của các nhà hàng hải Anh và Hà Lan khi tới buôn bán tại xứ An Nam với cái tên Batsha (Batshaw). Thực chất, đây là vị trí của một ngôi làng chài nhỏ ở Đồ Sơn ngày nay.
Trong cuốn Du hành và Khám phá năm 1688 của William Dampier, cư dân Đồ Sơn không chỉ làm nghề chài lưới mà còn kiêm luôn cả việc hoa tiêu dẫn đường cho thuyền buôn nước ngoài tới miền Bắc nước ta giao thương.
Đồ Sơn khi đó không hổ danh là một trong những bãi tắm đẹp nhất Đông Dương.
Tuy nhiên, chỉ tới khi chính quyền thuộc địa Pháp ráo riết xây dựng các khu nghỉ mát cho quan lại chính quốc, tiềm năng của Đồ Sơn mới được khai thác hết. Cùng với Sầm Sơn, nơi đây trở thành một trong hai bãi biển đẹp nhất Liên bang Đông Dương thời bấy giờ.
4. Sầm Sơn (Thanh Hóa)
Sầm Sơn từng là một trong những bãi biển đẹp nhất Đông Dương những năm đầu thế kỷ XX. Sau khi được đưa vào hoạt động thí điểm năm 1905 và năm 1906, nơi đây bị một trận bão nhiệt đới tàn phá nặng nề, kéo theo dư âm là dịch sốt rét khủng khiếp.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, bãi biển này khôi phục được danh tiếng và thu hút rất nhiều khách du lịch tới đây nghỉ mát bởi sự sạch sẽ, không khí biển mát, bãi cát phẳng và mịn nhất nhì Đông Dương thời bấy giờ.
Bãi cát phẳng, mịn trải dài nhiều cây số ở Sầm Sơn.
5. Đà Lạt (Lâm Đồng)
Năm 1897, bác sĩ Alexandre Yersin đã gợi ý cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer chọn cao nguyên Lâm Viên làm vùng đất lý tưởng cho việc nghỉ dưỡng của người Pháp ở miền Trung. Kể từ đó, thành phố Đà Lạt bắt đầu được xây dựng theo phong cách kiến trúc của châu Âu.
Thành phố Đà Lạt chụp từ góc nhìn trên hồ Xuân Hương.
Khách sạn Grand Hotel - nơi nghỉ dưỡng của nhiều quan thuộc địa Pháp khi tới Đà Lạt nghỉ mát.
Tới thập niên 1940, Đà Lạt bước vào giai đoạn cực thịnh. Nguyên nhân là bởi người Pháp ở Đông Dương không thể trở về nước do Chiến tranh Thế giới thứ II đang diễn ra.
Đường vào Đà Lạt - "tiểu Paris" của xứ Đông Dương.
Đà Lạt nhanh chóng trở thành một “tiểu Paris” - thủ đô mùa hè của toàn Liên bang Đông Dương - nơi người Pháp tìm tới để tận hưởng khí hậu ôn đới giống như quê nhà.
Thường Đỗ