Còn nhớ mỗi lần Tết đến, cả nhà tôi rộn ràng chuyện mứt bánh, chuyện xắt thịt mỡ dồn lạp xưởng, xẻ khô phơi nắng... Riêng bà ngoại tôi, luôn dành phần hai món, nhất định không cho ai rớ vào. Đó là nồi thịt kho rệu và nồi hủ qua (khổ qua) hầm.
Nồi thịt kho rệu của ngoại thì khỏi nói, ngon tuyệt. Để có nồi thịt kho "tuyệt cú mèo" ngày Tết, ngoại tôi phải tỉ mỉ cắt từng miếng thịt đùi sao cho vuông vức, thật đều, để mỗi miếng đều có phần thịt, phần mỡ cân đối, hài hòa. Để thịt và mỡ khỏi bị tách ra, trước khi ướp, ngoại cẩn thận lấy dây lạt cột ngang từng miếng và không ướp muối, vì như thế miếng thịt sẽ đục. Phải ướp chút tỏi băm và đường rồi đem phơi nắng cả buổi cho miếng thịt trong. Sau đó mới chấy tỏi mỡ, cho thịt vào, đảo đều cho miếng thịt săn lại rồi đổ nước dừa tươi vào, để riu riu lửa trên bếp than cho đến khi thịt rệu.
Ngày Tết, trên mâm cơm cúng ông bà, ngoại tôi múc thịt kho rệu vào một cái đĩa kiểu xưa, nước men xanh bóng, trông rất xinh xắn. Trên mỗi đĩa đồ cúng, ngoại lại thả thêm vài sợi ớt sừng trâu đỏ cho đẹp. Sau này, khi con gái tôi lớn lên, ngày đám hỏi của nó, bà má chồng tôi, tức bà nội cháu, từ quê ra, nhất định dành phần nồi thịt kho rệu đãi đàng trai gốc miệt vườn. Nồi thịt của má chồng tôi cũng khéo, ngon như của ngoại, làm mấy cô gái phải chắt lưỡi khen ngợi.
Những ngày trước Tết, nhìn mọi người đi chợ mua thịt, mua trứng, dừa xiêm chuẩn bị nồi thịt kho rệu đón Tết, tôi lại rưng rưng, bồi hồi. Trước mắt tôi lại hiện ra cái dáng đi khòm khòm của ngoại, tai tôi lại văng vẳng tiếng dép lẹp xẹp ngoại kéo lê trong nhà. Và, hình như thoảng qua mũi tôi là mùi thịt kho nước dừa thơm phức của ngày xưa, một ngày xưa còn đọng lại bao kỷ niệm ngọt ngào, hạnh phúc...