Vùng Sóc Trăng và một số vùng ngập mặn khoảng tháng 5 âm lịch, mùa mưa vừa đến, nước bắt đầu nổi trên đồng là lúc cua đồng xuất hiện. Cua đồng về đêm ra khỏi hang, bắt cặp đen mặt ruộng trống đang chờ sạ lúa. Đây là lúc cua mập và nhiều, dễ bắt.
Đi bắt cua về đêm, đồ nghề chỉ cần cái đèn soi và thùng đựng là đủ. Đèn soi tới đâu là thấy cua tới đó, tha hồ bắt cho vào thùng. Cua đồng không nhiều thịt lắm nhưng ngọt thịt. Người dân ở vùng này còn dùng cua làm nước mắm.
Làm nước mắm cua, mỗi mẻ cần cỡ một chục ký cua. Cua tách mai, rửa sạch bùn đất, giã nhuyễn. Thêm 200g tỏi củ cũng giã nhuyễn cho vào cua trộn đều. Thính bằng gạo rang chừng nửa ký. Đường mía thắng cho kẹo khoảng 300g, và 2 kg muối hột loại khô. Tất cả cho vào cua trộn đều, xong cho vào thau hoặc chậu đất. Dùng giấy kiếng đậy miệng chậu để tránh ruồi, nhờ giấy kiếng trong suốt nên khi phơi, ánh nắng sẽ xuyên qua dễ dàng. Tuỳ trời nắng gắt hay không mà phơi từ 4 - 7 ngày. Canh chậu cua vừa trở màu đỏ au là được.
Thêm 20 lít nước vào cua đã phơi, bắc lên bếp nấu sôi. Cứ nấu và hớt bọt cho đến khi nước thật trong, lúc này cho thêm 200g đường thắng để nước mắm dịu lại và có màu đỏ cánh gián trong vắt. Sau đó, nêm lại bằng muối cho đúng độ mặn của nước mắm cho vừa ăn. Nước mắm cua cho vào keo thuỷ tinh để được cả năm.