Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Du lịch

Tôm mũ ni - đẳng cấp hải vị trên bàn tiệc

Đăng lúc 18:45 ngày 21/04/2014
Trên bàn tiệc, tôm mũ ni không chỉ thể hiện đẳng cấp hải vị mà còn là món ăn được các siêu đầu bếp lựa chọn nhằm giới thiệu tài năng và danh tiếng.
 

 
Tôm mũ ni có 10 chân, thợ lặn có thể dễ dàng nhận dạng qua bộ xúc giác to như cái đĩa lớn trước đầu, gợi nhớ hình ảnh “mũ ni che tai” nên được đặt tên là tôm mũ ni.  Thịt mềm, ngọt, thơm ngon và đặc biệt bổ dưỡng. Trên bàn tiệc, tôm mũ ni không chỉ thể hiện đẳng cấp hải vị mà còn là món ăn được các siêu đầu bếp lựa chọn nhằm giới thiệu tài năng và danh tiếng.

Theo ghi nhận của Viện Hải dương học, vùng vịnh Nha Trang là nơi trú ngụ của 69 loài thuộc 39 giống giáp xác có giá trị kinh tế, trong đó có tôm mũ ni. Loài tôm này không có cặp càng to như tôm hùm, thay vào đó là hai miếng vỏ mỏng và dẹp, tựa như hai chiếc lá đa che mắt ngựa. Chúng sinh sống ở vùng biển cạn, nơi có nhiều san hô phát triển. Những người đi biển tả rằng, ban ngày, tôm mũ ni vùi mình dưới đáy cát hoặc treo ngược bên vách đá và ẩn náu trong hang hốc, chờ đến đêm mới lang thang kiếm mồi. Đó là lúc, thợ lặn rình bắt hoặc chúng tự sa vào lưới.
 
Tất cả các giống tôm mũ ni đều ăn được, trong đó tôm mũ ni trắng và mũ ni đỏ có giá trị thương mại rất cao: Các nhà hàng đặc sản ở Nha Trang hiện bán cho thực khách từ 1,5-2 triệu đồng/kg (loại 1). Mỗi 100 gram thịt tôm mũ ni có 95 calories, 121mg cholesterol, 185g sodium, 0,8g tổng chất béo (36% chất béo bão hòa), 39mg omega-3, 49mg EPA,  45mg omega-6, AA. Tôm sống có thể ăn với muối tiêu pha chanh.
 
 
Theo lời khuyên của “vua” đầu bếp Dương Huy Khải, khi mua tôm mũ ni, nên chọn con lớn, loại 1-2 con/kg mới thực sự “đẳng cấp”. Cách chế biến tôm mũ ni không có gì gọi là cầu kỳ: Hấp, luộc hoặc nướng, nhưng phải chọn tôm tươi sống và dọn món ngon lên bàn tiệc khi phần thịt vừa chín tới.

Thực đơn của hầu hết nhà hàng nổi tiếng trên thế giới đều có món tôm mũ ni hấp tuyết nhĩ – một loại thực phẩm quý, giàu chất đạm mà dịch chiết có tác dụng tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch, phòng chống tế bào ung thư và bảo vệ gan. Thường thì chỉ cần rửa sạch tôm rồi bắc lên bếp hấp, gần chín cho tuyết nhĩ vào, hấp thêm chừng 5 phút, lấy ra là dùng được. Thịt tôm màu hồng tươi, thơm phưng phúc, dai, mềm và ngọt lịm. Dân sành điệu thường dùng món tôm hấp tuyết nhĩ với rau sống, chuối chát, dưa leo, thêm chút mù tạt và “đẩy đưa” với rượu vang trắng.
 
 
 
 
 
Người Nha Trang thích ăn món tôm mũ ni nướng sả, ớt, muối, tiêu, hành. Tôm mũ ni trước khi nướng được rửa sạch, xẻ đôi, ướp khoảng 10-20 phút với hỗn hợp sả băm nhuyễn, trộn muối, tiêu, ớt rồi đặt vào lò than nướng trong vòng 5 phút, vỏ tôm chín vàng, bốc mùi thơm là ăn được. Món tôm nướng chấm muối tiêu pha chanh, ngon không tả hết! Điều cần lưu ý đối với món tôm nướng là bạn luôn luôn sử dụng tôm tươi, sống và chỉ nướng trên lò than để tôm chín đều, dậy mùi thơm.

Đối với sản phẩm cấp đông, cần cho tôm xuống ngăn mát của tủ lạnh và để khoảng 10 tiếng đồng hồ, chờ rã đông rồi mới chế biến món ăn. Trong trường hợp cần gấp, ngâm nước hoặc đặt dưới vòi nước đang chảy, vì nếu để tôm đông lạnh trên bếp hoặc bàn rã đông sẽ làm giảm chất lượng và có thể khiến vi khuẩn thâm nhập vào phần thịt bên trong.

Ở nước ta, tôm mũ ni thường sống quanh vùng biển Quảng Ninh, Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa. Tại Nha Trang, những người làm nghề lưới cào hay kéo đáy có thể  bắt được tôm mũ ni quanh năm.
 

Bookkhachsan. com - Theo laodong.com.vn



Qua Tang Online