Phong tục đón Tết Trung Thu ở một số nước Châu Á
Đăng lúc 17:03 ngày 11/10/2012
Tết trung thu diễn ra vào ngày 15 của tháng 8 trong Âm Lịch, đây là thời gian mặt trăng tròn nhất và sáng nhất, đây cũng là thời gian người Châu Á thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu tổ chức những lễ hội mà tiêu biểu trong đó là lễ hội trăng rằm.
Tết trung thu diễn ra vào ngày 15 của tháng 8 trong Âm Lịch, đây là thời gian mặt trăng tròn nhất và sáng nhất, đây cũng là thời gian người Châu Á thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu tổ chức những lễ hội mà tiêu biểu trong đó là lễ hội trăng rằm.
Món ăn được người Á Đông lưu tâm nhất trong mùa lễ hội này đó là Bánh Trung Thu, với rất nhiều hương vị khác nhau và thường được thưởng thức với trà, thường là trà đặc. Ngoài ra, đây cũng là ngày mà nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra: những buổi “hương khói” thần mặt trăng, đốt đèn lồng, múa rồng, múa lân.
(Ảnh minh họa)
1.Trung Quốc
Rằm tháng tám hay rằm Trung thu là một trong những lễ hội được tổ chức lớn nhất ở Trung Quốc. Người xưa cho rằng đó là ngày mà mặt trăng đạt tới độ sáng nhất và tròn nhất.
Rằm tháng tám hay được gọi là lễ hội của phụ nữ. Mặt trăng tượng trưng cho vẻ đẹp và sự duyên dáng. Trong khi người phương Tây thờ Mặt trời biểu trưng cho sức mạnh thì người phương Đông lại ngưỡng mộ Mặt trăng.
Mặt trăng tượng trưng cho đức hạnh của người phụ nữ và đồng thời còn là một người bạn đáng tin cậy. Người Trung Quốc thường đặt tên cho con gái là Nguyệt với mong ước chúng sẽ đáng yêu và xinh đẹp như trăng vậy.
Ở Trung Quốc có rất nhiều truyền thuyết về chị Hằng. Nếu nhìn lên Mặt trăng đúng ngày rằm Trung thu, trẻ con sẽ nhìn thấy được chị Hằng, và khi đó nếu có ước nguyện sẽ được toại nguyện.
Người Trung Hoa tổ chức lễ mừng trăng vào đêm rằm tháng 8. Đêm ấy, họ bầy tiệc cùng ông bà, cha mẹ và quây quần ăn bánh trung thu. Sau đó, trẻ em và người lớn dự những cuộc vui chơi như múa lân, rước đèn cá chép hay đèn kéo quân.
2. Nhật Bản
Mỗi năm nước Nhật có hai hội thưởng trăng (theo Âm lịch). Hội đầu là ZYUYOGA, gắn với phong tục cổ truyền "Otsuki-mi" (có nghĩa là ngắm trăng vào ngày rằm giữa mùa thu), kế đến là hội ZYUSANYA nhằm ngày 13 tháng 10. Theo tục lệ, hễ ai đã dự hội trăng đầu thì cũng phải dự hội thưởng trăng sau, nếu không sẽ gặp xui xẻo.
Trẻ em Nhật Bản rước đèn cá chép trong các hội thưởng trăng. Đứa trẻ nào cũng có đèn cá chép kể từ khi lọt lòng mẹ vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các em trai. Truyền thuyết cho rằng cá chép là hiện thân của võ sĩ SAMOURAI vì nó dám lội ngược dòng thác nước. Theo truyền thống, để chuẩn bị cho đêm ZYUYOGA, mọi gia đình đều dùng cỏ bông bạc để cắm thay hoa trong nhà. Mâm cỗ ngắm trăng gồm: bánh nhân táo, dưa hấu, hạt dẻ và các loại hoa quả khác được bày trên một bệ đứng hoặc bàn, đặt ở ngoài hiên nhà hoặc gần cửa sổ. Người Nhật Bản cho rằng có Thỏ Ngọc sinh sống trên mặt trăng, vì vậy khi ngắm trăng thường tưởng tượng như đang thấy hình một chú thỏ đang ăn bánh bao.
3. Hàn Quốc
Chusok hay còn gọi là Lễ tạ ơn được tổ chức vào ngày rằm tháng tám là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Lễ hội diễn ra suốt vụ mùa, vì thế đây là dịp để người dân lễ tạ tổ tiên - người đã mang lại cho họ lúa gạo và quả ngọt.
Lễ hội được tổ chức từ đêm trước ngày rằm và chỉ kết thúc sau ngày 15/8 âm lịch. Trong dịp này, người Hàn Quốc luôn dành 3 ngày nghỉ để quây quần bên gia đình và bè bạn. Mọi người cùng nhau thưởng thức món bánh "Songphyun". Thứ bánh đặc biệt này được làm từ gạo, đậu xanh, vừng và hạt dẻ. Sau đó, cả gia đình đi thăm mồ mả của tổ tiên để bày tỏ lòng kính trọng, họ cúng gạo và hoa quả. Buổi tối, trẻ em mặc Hanbok (một loại trang phục truyền thống của Hàn Quốc) và cùng nhảy múa dưới ánh trăng
4. Việt Nam
Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung Thu của người Trung Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.
Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía , bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.
Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.
Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Người Trung Hoa không có những phong tục này.
Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.