Nói tới rau má, hầu hết nhân dân ta, nhất là vùng nông thôn, ai cũng nhận biết được dễ dàng. Đã từ lâu, nhân dân ta biết dùng rau má làm món rau ăn, thậm chí có thể ăn rau má đến no bụng, hỗ trợ lương thực thiếu vào những ngày giáp hạt thuở xa xưa. Bởi thế ở xứ Thanh thường có câu: Đói thì ăn rau má, chớ đào nghèn núi đá què chân!
Rau má mọc hoang ở khắp nơi, nhiều nhất là ở các bãi cỏ, dọc đường sắt, bờ kênh mương, bãi phù sa ven sông…Hiện nay một vài nơi trồng đại trà rau má để bán làm rau ăn, làm thuốc và nguyên liệu chế biến nước giải khát.
Rau má có vị hơi đắng, thơm, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, sát trùng, cầm máu…Người ta thu hái loại rau má bánh tẻ, cả lá và dây, rửa sạch, làm món rau sống trong bữa ăn; hoặc có thể giã nát (hoặc xay) vắt lấy nước, bỏ thêm ít đường uống giải nhiệt, giải khát trong những ngày nắng nóng.
má đem luộc chính, ăn để chữa tiểu tiện đục, sỏi thận, sỏi bàng quang, ngày dùng 40-50g tươi.
Rau má còn để chữa sốt, bệnh gan, thổ huyết, chảy máu cam, tả lỵ, khí hư, bạch đới; ngày dùng 30-40h tươi, giã nát vắt lấy nước hoặc sắc lấy nước uống.
Phụ nữ có kinh đau bụng, đau lưng dùng rau má phơi khô tán nhỏ, ngày uống 1 lần vào buổi sáng, mỗi lần 2 thìa cà phê, chiêu với nước.
Khi bị rôm sảy, mẩn ngứa dùng rau má tươi trộn dầu, giấm, ăn hàng ngày hoặc giã nát vắt lấy nước uống.
Nhiều tác giả nghiên cứu cho thấy hoạt chất của rau má là những saponin (axit Asiatic, axit brahmic) có tác dụng giúp các mô liên kết tái tạo nhanh chóng làm các tổn thương mau lành và lên da non.
Rau má chế thành dạng cao khô rồi bào chế thành dạng viên nén 0,01 dùng chữa bệnh giãn tĩnh mạch, chứng nặng chân do máu ở tĩnh mạch chân chậm trở về tim, ngày uống 3-6 viên vào bữa ăn.
Dạng thuốc mỡ (1% cao rau má) hoặc thuốc bột để chữa vết bỏng, vết thương, các tổn thương ở da và niêm mạc (tai, mũi, họng).