Tặng quà ngày tết – nét đẹp truyền thống của người Việt
Đăng lúc 09:02 ngày 21/04/2012
Quà tặng lễ tết là nét đẹp truyền thống của đất nước ta. Chúng ta thường tặng quà cho ông bà, cha mẹ, chị em, bạn bè, đối tác.Tặng quà ngày tết đem lại niềm vui cho cả người tặng và người nhận.
Quà tặng lễ tết là nét đẹp truyền thống của đất nước ta. Chúng ta thường tặng quà cho ông bà, cha mẹ, chị em, bạn bè, đối tác.Tặng quà ngày tết đem lại niềm vui cho cả người tặng và người nhận.
Câu chuyện thứ nhất: Tôi đến nhà một vị sếp tặng rượu Tết và tặng quà. Anh vui vẻ tiếp tôi. Nhận rượu cất vào một góc, anh hỏi tôi mua rượu ở đâu. Tôi cứ nghĩ anh sợ rượu rởm nên đã trả lời rằng mua tại cửa hàng người quen gần nhà mình. Ai ngờ anh nói, lẽ ra nên mua rượu của nhà anh. Nhà anh có cửa hàng bán rượu ngay dưới tầng 1. Anh nói thẳng rằng kiểu gì tất cả các chai rượu biếu anh cũng được mang xuống tầng 1 để bán. Anh nói nửa đùa, nửa thật rằng có chai quay vòng đến chục lần. Đó là câu chuyện của gần chục năm về trước mà tôi không thể quên. Anh đã nghỉ hưu từ lâu và cửa hàng rượu nhà anh cũng đã đóng cửa.
Câu chuyện thứ hai: Tôi và đồng nghiệp mang quà Tết đến tặng một vị lãnh đạo. Đơn giản là tấm lòng chân thành của anh em chúng tôi nhân ngày Tết. Một giỏ quà bao gồm rượu, chè, thuốc, bánh. Đến nơi vị lãnh đạo này không nhận. Anh tỏ ra khó chịu và đề nghị chúng tôi mang về. Chúng tôi thật sự thấy buồn vì món quà đầy tình cảm và tấm lòng của chúng tôi dành cho một người anh, một đối tác. Không biết anh không nhận vì chê quà hay vì quá liêm khiết đến túi quà cũng quyết không lấy. Sau đó anh nói rằng chỉ lấy rượu hoặc bánh. Anh bảo chúng tôi mang nhiều quá, cồng kềnh, khênh vác mệt, nhất là ngày Tết bận bịu.
Cuối cùng, sau khi thuyết phục bằng tình cảm, tình anh em, vị sếp này đã nhận cả giỏ quà. Sau khi ra khỏi nhà anh tôi nhấc máy gọi điện cho cấp dưới kiêm trợ lý thân thiện của sếp để tâm sự về chuyện này. Anh trợ lý nói rằng chúng tôi kém hiểu ý “sếp”. Ý “sếp” nhắc rằng ngày Tết chỉ đến tay không, mang theo phong bì cho gọn. Vừa kín đáo, vừa đỡ mang vác. Có chăng cho phong bì vào phong bánh gọi là. Càng gọn, càng tốt. Đó là câu chuyện của năm năm về trước.
Những người làm nghề kinh doanh, nhất là làm dự án, Tết đến là lo. Họ vừa lo vừa phải tính toán tiền bạc, mua sắm để đi “quà cáp”. Mỗi người, mỗi cơ quan lo các loại quà khác nhau. Quà cáp có thể là cây đào, cây quất, cây cam. Cũng có thể là rượu quý, chè thơm, hoặc đồ đắt tiền. Nhiều khi phải “tăm” hàng độc, đặc sản hiếm có. Nói chung vẫn phải có kèm theo phong bao. Ít nhiều tùy dự án, tùy quan hệ. Có một số người chỉ đi phong bao cho gọn. Không quà cáp. Không tay xách, nách mang. Mua gì, tặng gì, tặng khi nào, bao nhiêu luôn là vấn đề. Sắp Tết các doanh nhân, nhất là những ai làm dự án không thể không lo chuyện này.
Tôi cũng đã từng phải đi tặng quà cáp. Tuy nhiên quà cáp của tôi chỉ là quà theo đúng nghĩa của nó. Tức chỉ là những món quà tôi chọn, tôi thích và tôi nghĩ rằng người tôi tặng sẽ thích. Gọi là phải, bởi những nơi tôi đã từng đi tặng không phải là muốn mà bắt buộc. Đó là ngoại giao, là quan hệ. Không tặng quà Tết thấy kỳ kỳ.
Tôi đã từng có những đêm lọ mọ đi tặng quà vì các “sếp” rất bận những ngày cuối năm. Hẹn gặp để đến tặng quà Tết không dễ. Khó có thể mang đến cơ quan vì ở đó đông người, hơn nữa không phải sếp nào cũng có phòng riêng. Mà khệ nệ bê vác quà cáp, túi lớn, giỏ bé đến cũng thấy kỳ kỳ. Khổ nhất là khi các sếp ở các góc khác nhau của thành phố.
Đường phố Tết nhất lại rất đông người - các doanh nghiệp, các cơ quan từ các tỉnh về Hà Nội chúc chết rất đông nên số lượng người và phương tiện giao thông tăng đột biến. Chạy từ góc này đến góc kia của thành phố có khi mất cả tiếng đồng hồ.
Tôi cũng đã từng phải chạy đôn đáo đi tặng quà Tết đến tận nửa đêm.
Gần giao thừa mới về đến nhà. Mải tặng quà đối tác, bạn hàng quên mất cả gia đình mình. Chẳng kịp mua cho chính nhà mình lấy 1 cành đào, 1 cây quất nhỏ. Tôi biết, nhiều gia đình, vợ chồng không cảm thông, mâu thuẫn lớn ngay khi Tết chưa đến.
Khi viết bài này, tôi đã phỏng vấn 51 doanh nhân. 47/51 đang lo lắng, tất bật chuyện quà cáp Tết. “Cả năm có một cái Tết. Không quà cáp không ổn” - đó là ý kiến rất thật của một doanh nhân, một người bạn của tôi. Anh nói “Vấn đề là quà gì? Bao nhiêu? Khi nào? Ở đâu?” Thật là khổ!
Tôi giờ đây làm trong ngành sách. Chúng tôi mua bản quyền. Nếu sách nước ngoài thì có đội ngủ dịch giả lo dịch sách. Rồi chúng tôi lo biên tập, chế bản, in sách và phát hành. Sách thuộc nhóm hàng tiêu dùng.
Khách hàng của chúng tôi là bạn đọc, là người dân. Tết đến những doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, những doanh nhân cung cấp hàng hóa và dịch vụ đến toàn dân đỡ hẳn khoản lo quà cáp, biếu xén. Tôi chỉ lo việc duy nhất: chuẩn bị và tặng quà Tết cho các đồng nghiệp và người thân. Chúng tôi thật sự có được việc tặng quà Tết theo đúng nghĩa truyền thống của dân tộc - lòng tri ân, đạo lý làm người, từ trái tim và tấm lòng mình.
Quà Tết là rất hay, rất nên làm, rất cần duy trì. Tuy nhiên việc tặng quà Tết đang bị bóp méo đi. Tôi suy nghĩ, phân tích và cố tìm ra giải pháp để làm sao tránh được chuyện quà cáp bất hợp lý, thậm chí vô lý và biến tướng trong ngày Tết. Hãy cùng nhau làm trong sạch cụm từ quà Tết. Hãy cùng nhau chọn những món quà đơn giản, ý nghĩa, hợp lý để tặng nhau. Ngày Tết ở nước ngoài, đôi khi chỉ cần tặng nhau một bức thiệp thôi mà. Nhưng trong đó là cả tấm lòng của người tặng. Và việc làm này làm vui cả 2 bên.
Tết sắp đến. Cũng như mọi năm, tôi tặng mỗi đồng nghiệp của tôi một cặp bánh chưng chay (được gói và luộc bởi các nhà sư của chùa Đình Quán, Từ Liêm, Hà Nội) và 1 chai rượu. Tặng rượu và bánh chưng chay ngày Tết là món quà tôi thích tặng nhất. Trong suốt bao nhiêu năm nay.