Tết Đến Nói Chuyện Về Mai
Đăng lúc 16:33 ngày 29/01/2013
Mai là loại cây cảnh đặc trưng cho ngày Tết ở Việt Nam. Những người yêu mai, khi tết đến nói chuyện về mai là một thú vui của họ. Nhiều người hay nghe đến mai tứ quý, mai liễu…
Hoa mai tại Việt Nam mọc phổ biến ở miền Trung và miền Nam, đa phần là mai rừng tự nhiên. Mai tự nhiên có mùi hương rất thơm vào buổi sáng rồi dần dần mất mùi vào những khoảng thời gian còn lại trong ngày. Theo các nghiên cứu, tại Việt Nam có tới 13 loại mai khác nhau. Vậy nên khi Tết đến nói về chuyện mai thì nói cả ngày cũng không hết.
1. Mai năm cánh
Mai năm cánh là một loại mai rất phổ biến ở khu vực miền Trung. Ảnh: internet
Loại mai vàng mọc phổ biến tại miền Trung (Từ Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến Khánh Hòa), trên dãy trường Sơn, trong những khu rừng già. Đây là loại mai năm cánh tự nhiên, hoa nhỏ, thân vừa. Hoa mai năm cánh thường nở thưa thớt và không nhiều.
2. Mai tứ quý
Mai tứ quý nở hai lần trên cùng một đóa. Ảnh: internet
Loài mai đặc trưng của vùng Nam bộ. Mai này cũng trổ hoa vàng nhưng sau khi cánh hoa rụng đi thì đài hoa còn lại năm cánh màu đỏ với nhụy hoa và ba hạt màu đen như hạt đậu. Năm cánh hoa màu đỏ cũng tròn trịa và giống hình một đóa hoa mai. Do nở hai lần trên cùng một đóa nên người ta còn gọi mai tứ quý là nhị độ mai. Mai này trổ bông lác đác quanh năm nên mới gọi là mai tứ quý (xuân, hạ, thu, đông đều trổ hoa). Mai tứ quý thân sần sùi và đen. Có cây phát triển rất to và cao nhưng đa số là những cây lâu năm. Càng lâu năm nhìn nó càng cổ kính và chắc chắn.
3. Mai chủy
Cũng là một loại mai rừng nhưng thân cây rất to, hoa nhiều, lá rộng, xanh bóng và có hình răng cưa. Loại mai này có hoa mọc thành chùm rất đẹp nên gọi là mai chủy (chủy có nghĩa là chùm, quần thể, quây quần lại, đặc nghẹt).
4. Mai động, mai sẻ
Là loại mai chuyên mọc ở những vùng cát trắng gần biển. Loại mai này có thân suôn thẳng, tròn và trổ bông thưa thớt. Nếu chúng trổ năm cánh thì gọi là mai sẻ, còn nếu có hơn năm cánh thì đúng là loại mai động. Mai động, mai sẻ mọc rải rác từ các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị vào tận các vùng duyên hải thuộc miền trung. Đôi khi cũng có thể thấy chúng ở các vùng đồi cát trắng thuộc miền nam như Tây Ninh, Đồng Nai, Biên Hòa...
5. Mai chùm gửi, mai tỳ bà, mai vương
Đây là loại mai sống nhờ trên thân cây khác, nhất là các loại cây cổ thụ to lớn. Chúng sống bám vào thân cây, một phần hút chất dinh dưỡng từ đất, một phần hút chất dinh dưỡng từ cây mà chúng bám vào. Không giống các loại chùm gửi khác chỉ bám trên thân cây khác, mai chùm gửi sống phân nửa dựa vào bộ rễ bám vào đất của nó. Mai chùm gửi có thân ghồ ghề, cứng và xù xì cùng với những khối u kì dị. Chồi và hoa đâm ra từ những khối u đó. Hoa trổ khá dày và khít thành từng chùm đặc nghẹt. Có nơi còn gọi loại hoa này là mai tỳ bà hay mai vương.
6. Mai hương, mai thơm hay mai ngự
Mai ngự có mùi rất thơm. Ảnh: internet
Là một loại mai vàng có mùi hương rất thơm, thơm hơn tất cả các loài mai khác. Mùi hương của nó rất đặc biệt, nồng nàn hơn tất cả các loài mai. Vậy nên nó được gọi là mai hương cho đúng với tính chất của loài mai vàng năm cánh này. Ở Bến Tre có rất nhiều loại mai này mà người dân ở đây gọi nó bằng một cái tên rất miệt vườn là "Mai thơm". Ở Huế, loại mai này còn được gọi là "Mai ngự". Vì nó được trồng trong cung và rất được Hoàng tộc yêu thích, thường dùng làm quà biếu cao cấp nên nó gọi là "Mai ngự".
7. Mai châu (Mai trâu)
Đây là một loại mai trổ hoa rất lớn. Hoa của loài mai này lớn một cách lạ thường, cánh to và rộng, màu vàng rực. Mỗi đóa hoa có đường kính hơn 5cm nên người ta gọi nó là mai trâu mà người Nam bộ thường đọc trại ra thành "mai châu".
8. Mai liễu
Là một loại mai có cành rất mềm và rũ xuống như cây liễu, hoa trổ rất ít. Lá mai nhọn và nhỏ, thon dài như lá liễu nên được gọi là mai liễu.
9. Mai nhọn
Là một loại mai có lá dài và nhọn, nụ hoa và cánh hoa cũng có hình dạng tương tự.
10. Mai Cà Ná
Là loại mai đặc trưng mọc tại vùng biển Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận. Loài mai này có thân nhỏ, èo uột, cành rất giòn, dễ gẫy, lá hình bầu dục, trơn láng và có răng cưa quang rìa lá. Người dân ở đây gọi nó là mai rừng Cà Ná.
Mai Vĩnh Hảo rất lâu tàn. Ảnh: internet
11. Mai Vĩnh Hảo
Vào địa phận của tỉnh Bình Thuận, thuộc huyện Tuy Phong, xã Vĩnh Hảo. Đây nơi có nguồn nước khoáng thiên nhiên nổi tiếng tại Việt Nam là "Nước khoáng Vĩnh Hảo" thì có một loại mai vàng nữa cũng là loài đặc trưng của vùng này. Nó không khác gì mấy so với mai Cà Ná nhưng nó lại được người dân ở đây đặt cho cái tên theo địa danh nơi nó đang sống là "Mai Vĩnh Hảo". Mai Vĩnh Hảo có thân cứng, lá nhỏ, hoa to và phẳng, đặc biệt rất lâu tàn.
12. Mai núi
Cũng là một loại mai rừng nhưng có số lượng cánh nhiều hơn từ 12 cho đến 18 cánh, có khi còn hơn thế nữa. Mai này mọc trên những núi đá khô khốc và sống chủ yếu bằng hơi sương, nước mưa và nước ngầm trong lòng đất. Loài mai này thường xuất hiện nhiều tại các vùng núi thuộc Tây Nguyên và nước bạn Campuchia.
Mai giảo là loại mai nhân tạo. Ảnh: internet
13. Mai giảo
Là loại mai có rất nhiều cánh được ghép lại từ nhiều loại mai khác nhau trên cùng một cây mai. Mai giảo lấy gốc mai vàng làm chủ đạo sau đó ghép nhánh của các loại mai khác vào để cho ra đời một loại mai có rất nhiều cánh, rất nhiều màu sắc trên cùng một cây mai. Loại này là loại mai nhân tạo mà chúng ta thấy rất nhiều hiện nay trên thị trường mai tết.
(Sưu tầm)