Tết Trung thu vào dịp rằm tháng tám âm lịch, ngày trăng sáng nhất trong năm. Nguyên là hội nông nghiệp mùa thu, sau thành Tết của trẻ em. Ban ngày, các gia đình làm cỗ cúng thần linh, gia tiên, tối bày cỗ trông trăng.
Người lớn uống trà, ăn bánh ngắm trăng đoán thời tiết mùa màng; trẻ con rước đèn, ăn uống; có nơi trai gái hát trống quân.
Ở Hà Nội và nhiều thành phố khác, các cô gái đua tài khéo bày cỗ cho khách đến xem, sau đó phá cỗ. Cỗ có na, khế, ổi, bưởi, mía, cốm, hồng, chuối tiêu, đặc biệt có nhà làm những con chó bông, con sư tử, con kỳ lân… bằng những múi bưởi bóc ra (tép bưởi làm lông thú)… có khi kết hợp với đu đủ xanh tỉa, nhuộm màu… bánh nướng, bánh dẻo hình tròn có nhiều cỡ (bằng cái đĩa, chiếc mâm) tượng trưng cho mặt trăng. Nhà nào cũng trang trí một cái đèn kéo quân, diễn một cảnh nào đó trong các tích tuồng như Tam Anh chiến Lã Bố, Hai Bà Trưng đánh giặc Hán…
Ở nông thôn, quấy bánh đúc đổ ra sàng làm bánh mặt trăng. Đồ chơi trẻ con: các loại đèn, mặt nạ bằng giấy, các con giống nặn bằng bột nếp pha mầu. Về sau có thêm đồ chơi bằng sắt tây, bằng nhựa. Đến tối có các tốp múa sư tử lấy thưởng - múa vờn quả cầu hoặc múa với ông Địa. Trẻ em rước đèn, vui chơi rồi phá cỗ.