Trong y học cổ truyền, có nhiều kinh nghiệm sử dụng dược thảo để điều trị đái tháo đường rất phong phú. Thuốc có tác dụng tốt và có độ an toàn cao khi sử dụng điều trị trong thời gian dài.
Mạch môn
Trong y học cổ truyền, mạch môn được dùng trị tiêu khát (đái tháo đường). Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc.
Mướp đắng
Trên lâm sàng, quả mướp đắng có tác dụng làm tăng khả năng dung nạp glucose của bệnh nhân đái tháo đường. Bột quả mướp đắng khô và glucosid chiết từ mướp đắng cho bệnh nhân đái tháo đường týp 2 uống đều hàng ngày đã có tác dụng gây hạ đường máu. Tác dụng có tính chất tích lũy và tăng dần và đường máu hạ xuống gần như mức bình thường sau 4-8 tuần điều trị tích cực. Sau đó, tác dụng hạ đường máu được duy trì với liều mướp đắng bằng một nửa liều ban đầu. Ngày dùng 12-20g bột quả mướp đắng khô tán mịn, chia 3 lần, uống sau các bữa ăn.
Câu kỷ tử
Là quả chín phơi hay sấy khô của cây câu kỷ. Câu kỷ tử có tác dụng hạ đường máu trên động vật đái tháo đường và tác dụng ức chế men aldose reductase, vì vậy làm giảm tích lũy sorbitol trong tế bào và giảm bớt nguy cơ xảy ra những biến chứng nghiêm trọng của đái tháo đường như bệnh võng mạc, bệnh thần kinh và bệnh thận. Câu kỷ tử được dùng trị tiêu khát (đái tháo đường) trong y học cổ truyền. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
Ðịa hoàng (sinh địa)
Ðịa hoàng có tác dụng hạ đường máu trên động vật đái tháo đường. Hoạt chất hạ đường máu là các glycosid iridoid A, B, C và D. Ðịa hoàng cũng có tác dụng ức chế men aldose reductase, làm giảm tích lũy sorbitol trong tế bào, làm chậm phát triển biến chứng đục thể thủy tinh của mắt và giảm các triệu chứng bệnh thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân đái tháo đường. Cơ chế tác dụng một phần có thể do cải thiện vi tuần hoàn. Ðịa hoàng được dùng phối hợp với các vị khác. Ngày dùng 9-15g, dạng thuốc sắc.
Nhân sâm
Nhân sâm có tác dụng hạ đường máu trên động vật được gây đái tháo đường thực nghiệm. Trong thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân đái tháo đường, nhân sâm có tác dụng hạ đường máu rõ rệt. Nếu dùng nhân sâm phối hợp với insulin và thời gian hạ đường máu kéo dài hơn. Ngày dùng 3-9g, dưới dạng thuốc hãm hoặc dịch chiết bằng cách thái lát mỏng cho vào chén sứ, thêm ít nước, đậy nắp, đun cách thủy đến khi chiết hết mùi vị.
Tri mẫu
Thân rễ tri mẫu được dùng trị tiêu khát (đái tháo đường) trong y học cổ truyền. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Các bài thuốc trị đái tháo đường
- Bài 1: Hoàng kỳ 65g, đẳng sâm 25g, hoài sơn 15g; bạch truật, phục linh, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
- Bài 2: Thục địa, hoài sơn, mỗi vị 20g; câu kỷ tử, thạch hộc, mẫu đơn bì, mỗi vị 12g; sơn thù, rễ qua lâu, sa sâm, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
- Bài 3: Thiên môn 30g, sơn thù 25g; nhân sâm, câu kỷ tử, sinh địa, mỗi vị 15g. Sắc riêng nhân sâm và cô thành 30ml cao, sắc chung 4 dược liệu còn lại và cô thành 170ml cao, trộn lẫn hai cao này. Mỗi lần uống 20ml, ngày 2-3 lần trước bữa ăn.
- Bài 4: Sinh địa 800g, hoàng liên 600g. Giã sinh địa, vắt lấy nước, tẩm vào hoàng liên, phơi khô rồi lại tẩm, làm như vậy cho đến hết nước sinh địa. Tán nhỏ hoàng liên, làm thành viên. Mỗi lần uống 10g, ngày 2-3 lần.
- Bài 5: Sinh địa, hoài sơn, phục linh, mỗi vị 15g; sơn thù, trạch tả, ngưu tất, mỗi vị 10g; hạt mã đề, mẫu đơn bì, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
- Bài 6: Thạch cao 20g; thiên môn, sa sâm, mạch môn, hoài sơn, bạch biển đậu, ý dĩ, mỗi vị 12g; tâm sen 4g. Sắc uống ngày một thang.
- Bài 7: Sinh địa, thạch cao, mỗi vị 40g; thổ hoàng liên 16g. Sắc uống ngày một thang.
- Bài 8: Tri mẫu, thục địa, sinh địa, mỗi vị 20g; huyền sâm, thiên môn, thiên hoa phấn, mỗi vị 16g; mẫu đơn bì, hoàng bá, hoài sơn, mỗi vị 12g; trạch tả, bạch linh, sơn thù, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang hay làm viên uống ngày 25g.