Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Du lịch

Về nơi những suối nhỏ làm nên làng bản

Đăng lúc 09:49 ngày 13/05/2014
Khi sương đã vãn, lại chưa có mưa rừng, lũ suối, lúa trên ruộng bậc thang chưa chín, hoa chưa đâm bông, chúng tôi tìm về những ngôi làng nhỏ bình lặng, nơi có dòng suối nhỏ réo rắt mạnh nước suốt 4 mùa trong vắt.
 
Khi sương đã vãn, lại chưa có mưa rừng, lũ suối, lúa trên ruộng bậc thang chưa chín, hoa chưa đâm bông, chúng tôi tìm về những ngôi làng nhỏ bình lặng, nơi có dòng suối nhỏ réo rắt mạnh nước suốt 4 mùa trong vắt.

Ít ai nghĩ, đồng bào Thái cư ngụ vùng Tây Bắc với vạn trùng núi cao chót vót, sương mùa mờ mịt, lạnh cóng, quanh năm phải nằm đệm bông lau lại là những người gần suối nhất.

Nếu như các dòng sông lớn đã làm nên những bãi bồi trù phú để rồi đình, chùa, các điệu hát, lễ hội của văn minh lúa nước xuất hiện thì những dòng suối nhỏ này cũng đủ sinh thành nên các bản Thái với mái nhà sàn thanh cao, kiều diễm, những piêu (khăn piêu: khăn đội đầu), tin xỉn (cạp váy) đẹp như bức vẽ dân gian. Sâu thẳm hơn nữa là tráng ca Chương Han – áng sử thi oai hùng chẳng kém thần thoại, sử thi của một nền văn minh nào.
 

Về nơi những suối nhỏ làm nên làng bản - 1
 

Những con suối nhỏ đổ về các bản vùng Chiềng Ly, Bản Pó đất Thuận Châu (Sơn La)
 

Trời sáng rõ thì cũng là lúc chúng tôi xuống xe đi bộ vào bản. Con đường đất mềm mượt cỏ xanh đẫm hơi sương như càng êm ả mỗi khi gặp một người dân thân thiện nở nụ cười mặc dù chưa một lần gặp mặt. 

Vừa đi, anh bạn dẫn đường vừa huơ tay kể: Đồng bào Thái vùng Tây Bắc gắn bó với các dòng suối lắm. Bởi thế mà trong lễ hội cầu mát hàng năm, trai, gái sau khi đi té nước khắp trong bản, lại ra suối gác đuốc bên lèn đá và té nước vào nhau nhe thể tượng trưng cho quan niệm vạn vật nhất thể khi coi con người cũng như cây cối.

Nhìn về phía những ngôi nhà sàn có gác sàn cao từ phía xa, chúng tôi không vội đường đột tới ngay mà muốn đi vòng để ngắm nghía một chút. Giờ đến gần, cảm nhận được mùi đất ẩm nồng nàn, được hơi nước suối mát chúng tôi mới nhận ra, những con suối nhỏ đổ về các bản vùng Chiềng Ly, Bản Pó đất Thuận Châu (Sơn La) này đều là cái nguyên cớ để khởi đầu cho những ngôi nhà sàn kia quần tụ. Những vườn rau nằm cách bờ xuối chẳng bao xa, luôn xanh nõn bởi được bú mớm mạch nước mát. Những thưở ruộng xanh thắm bảng lảng cánh cò như thể một cách đồng miền xuôi mà những ai lần đầu lên đây sẽ không thể tin trên độ cao hơn ngàn thước so với mực nước biển lại bằng phẳng như thế.

Thêm một quãng đường ngắn, chúng tôi lên đến khu bản mà bà con quần cư. Cũng như người Việt dưới xuôi, nơi ở của người Thái thường không xa điểm canh tác là bao. Những ống tre luồng to và dài nhất được cắt gọt thành ống để những người phụ nữ gùi nước lên đổ đầy các ang dưới chân cầu thanh để khách rửa chân trước khi lên sàn. Ở đây suối đã xa, nhưng điều làm chúng tôi bất ngờ là trong câu chuyện với chủ nhà, những gì gắn với những dòng nước xanh mát triết xuất từ núi rừng ấy lại vẫn còn tiếp diễn. 

Trên sàn, người Thái trồng những giò hành hoa xanh bắt mắt. Khác với thứ hành củ lụi khi hết mùa, hành hoa ở đây ra lá bẹ và trổ hoa khá lạ mắt. Bởi tiết trời còn xe lạnh, ngồi trên những chiếc gối lót bằng vải thô nhồi bông lau, thơm mùi chàm, nghe chủ nhà giảng giải chúng tôi mới hiểu: mùi thơm không tự một hóa chất nào mà chính từ hương thơm của chàm quện với nước suối trong mát. Ở đây, tất thảy những gì bình dị nhất như mài con dao cho sắc trước khi di rừng, rửa cái cuốc cho sạch sau khi đã cùng người lấm lem bụi đất trên nương, ngâm sợi vải…cho đến trưa Ba mươi Tết, những người phụ nữ Thái trong bản lại ra suối gội đầu theo một nghi thức cổ truyền đều ra với suối, trình diện với dòng suối thiêng liêng và gần gùi ấy.

Nói về văn hóa người Thái còn rất nhiều, kể cả khi ta chỉ nhắc đến những gì liên quan đến các dòng suối. Nhìn ánh mắt chúng tôi hướng theo những dòng xa tăm tắp, hứa hẹn những bản xa, chủ nhà gắp vào bát con cá suối nướng và bảo: Dòng suối tuy không lớn lao, kì vĩ như dòng sông Đà, sông Mã của vùng Tây Bắc này, nhưng lại mang những nét riêng của từng vùng miền. 

Trong ngữ hệ Tày-Thái, suối được gọi là nậm. Có những nậm lớn như sông như Nậm Rốm, Nậm Na. Nhưng, đa phần chỉ là những dòng suối nhỏ mang tên gọi, bản sắc của từng vùng nhỏ. Nơi ấy đâu chỉ nơi cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, tưới tiêu, nơi đánh cá mà còn là bến đợi, là điểm hẹn để trai gái gặp gỡ, trao duyên. 

Những mùa lũ lớn, suối có thể gầm gào tuôn nước lớn từ thượng ngàn về, nhưng mùa khô, suối hiền hòa và sâu lắng đủ khiến người già ngồi soi mái tóc trắng sau hồi ức về kí ức của bản mương. Rơi đất Thuận Châu, đất Thái cổ với bao trầm tích văn hóa, tạm biệt những dòng suối nơi đây, nhưng sẽ còn gặp lại những dòng suối có thể có tên, không tên nhưng đầy ý nghĩa văn hóa ở vùng Tây Bắc này.
 

Theo Du lịch 24h




Qua Tang Online