Anh không muốn nói dối
Đăng lúc 21:28 ngày 10/08/2013
Ban đầu chỉ là nói dối để làm vui lòng vợ nhưng lâu dần lại thành thói quen...
Nhớ lần anh mua chai nước hoa về tặng em nhân ngày sinh nhật, anh hớn hở vì tin chắc đó là mùi nước hoa vợ yêu thích. Vậy mà, nụ cười chưa nở đã vội tắt bởi anh đã “thật thà khai báo” khi em tra hỏi giá cả. Em bảo anh phung phí, không biết trả giá thì mua làm gì, có khi tốn tiền mà lại gặp hàng giả.
Hôm Gấu được năm điểm 10 sau kỳ thi học kỳ, thấy con năn nỉ hoài, anh đã thưởng con chú robot biết đi giá gần năm trăm ngàn. Thế là bữa cơm hôm ấy trở thành cực hình của hai bố con khi em liên tục càm ràm chuyện giá cả tăng; tiền chợ, tiền học, tiền sữa của con khiến em chóng mặt, vậy mà bố con anh còn làm “hao tài tốn của”... Dần dần, để “an toàn”, anh chọn cách nói dối giá tiền những thứ mình mua cho đỡ bị cằn nhằn. Hóa ra, để làm vui lòng vợ chẳng hề đơn giản.
Đó chỉ là những việc nhỏ nên nói dối anh cũng không áy náy. Anh Ba của anh ham vui theo bạn bè cá độ nên mắc nợ, bị chủ nợ làm dữ, anh bí quá lên mượn tiền vợ chồng mình trả nợ. Em cho mượn nhưng kèm theo là những câu mỉa mai thật khó nghe, dù em chỉ nói với anh. Lần sau, khi anh Ba mượn thêm ít vốn để lấy hàng về bán, dẫu biết anh Ba đã tu tỉnh làm ăn nhưng anh không muốn nói qua em, sợ phải nghe em nặng nhẹ lần nữa. Anh đành vay tiền công đoàn cơ quan cho anh Ba mượn, trừ dần vào lương. Lần bé My con chị Hai không may bị mất xe, về kể em nghe, chẳng những em không chia sẻ mà còn mắng con bé ham chơi nên lơ đễnh, khiến bố mẹ nó đã khó khăn càng thêm khó. Thấy em “căng” quá, thay vì bàn với em giúp chị Hai một ít, anh đành giữ lại tiền hoa hồng của tháng đó (thay vì đưa em như mọi khi) để phụ chị Hai mua đỡ chiếc xe cũ cho bé My có phương tiện đi làm. Anh cũng áy náy khi giấu em chuyện ấy, dù biết mình chẳng làm gì sai. Không may cho anh, chị Hai vô tình gọi điện cám ơn em, em mới biết. Vì phát hiện đó mà em làm mình làm mẩy, giận anh cả tuần. Em còn suy diễn, chắc anh còn lén lấy tiền xài riêng nhiều chuyện khác...
Điều khiến anh lo ngại nhất là từ việc nói dối để yên cửa yên nhà, nói dối để tránh những phiền hà, khó chịu không đáng có; nay anh có cảm giác mình đã quen với việc nói dối, ngay cả những khi không cần thiết, dù không hề có ý xấu gì với em. Người ta bảo “thật thà thường thua thiệt” cũng đúng, ít ra là với trường hợp của anh. Một vài lời “nói dối trắng” tưởng như vô hại, nhưng khi đã trở thành thói quen thì trở nên nguy hiểm vô cùng. Giá mà em hiểu, nếu chồng mình mắc phải căn bệnh nói dối “mãn tính” thì có một phần nguyên do ở chính cách cư xử của em. Anh không muốn trở thành người đàn ông “dối như cuội”, em có biết không, vợ của anh?
Sưu tầm