Quê tôi là một vùng nông thôn ở phía bắc tỉnh Bình Định. Bà nội và cô tôi, như tất cả những người phụ nữ ở đó, rất giỏi chuyện bánh trái. Bởi vậy, Tết ở nhà tôi chẳng thiếu một loại bánh nào nhưng tôi ưa nhất là bánh bảy lửa. Cái tên nghe tức cười quá, phải không? Và ấn tượng nữa chứ! Thứ bánh này tôi đã thấy nội và cô làm nhiều lần, rồi lại được ăn mòn răng, từ hồi nhỏ, nên tôi có thể kể về bảy lửa rất cặn kẽ. Cách chế biến bánh bảy lửa khá công phu, phải tập trung tâm trí, chứ sao lãng một chút là hư ngay.
Trước hết là đãi, vo gạo nếp cho sạch, để ráo và rang. Đây là lần đầu tiên bánh tiếp xúc với lửa - lửa thứ nhất. Mè trắng mua về cũng đãi, vo, để ráo, rang. Như vậy là đã tiếp tới lửa thứ hai. Nếp rang rồi được xay, giã thành bột. Thứ bột nếp này vẫn phải rang lại và bánh đã đi qua lửa thứ ba. Rồi bột nếp ấy được trộn với đường đã sên dẻo, để dện (đúc) thành những cái bánh có hình viên trụ, với đường kính khoảng hai phân rưỡi, chiều dài khoảng bảy phân. Sau đó thì xếp bánh lên một cái mâm, đặt lên bếp than vừa lửa và sấy - thêm một lửa nữa - lửa thứ tư. Để bánh nguội, hạ lửa nhỏ lại, rồi sấy tiếp. Bánh tiếp tục "giao lưu" với lửa - lửa thứ năm. Đừng nôn nóng làm gì, cứ từ tốn để cho bánh nguội cái đã. Rồi cũng không cần vội vàng, chậm rãi gắp bớt than trong bếp đi và lại sấy. Bánh lại làm bạn với lửa - lửa thứ sáu. Rãi đều mè đã rang lên một cái mâm. Ngay lúc bánh còn nong nóng, lăn từng cái một lên mè và sấy lần sau chót. Như thế là bánh đã đi qua lửa lần cuối cùng - lần thứ bảy.
Do sấy quá kỹ, "bảy lửa" có cứng nhưng được cái rất dòn và dòn rất lâu, nên người già vẫn có thể thưởng thức được loại bánh này. Đó là chưa kể người ta có thể nhâm nhi "bảy lửa" cho tới vài tháng sau mà vẫn thơm, ngon.
Dựa theo cách làm mà người ta đã gọi tên bánh như vậy đó. Một cái tên không chút cầu kỳ, bóng bảy, hết sức chân chất và mộc mạc nghe chắc thiệt như tâm hồn, cách sống... của người dân quê tôi vậy. Những cái bánh "bảy lửa" đã khiến cho cái Tết ở quê tôi như có thêm hương vị và thanh âm độc đáo.