Bầu là cây thuộc họ bầu bí, quả hình cái chuông, ở giữa thắt nhỏ lại, phần dưới và phần trên phình to ra, dưới to hơn trên, dài khoảng 10cm; lúc còn non rất mềm, màu xanh nhạt, khi già trở nên rất cứng, chuyển màu vàng trắng.
Bầu có nhiều giống, màu trắng, còn có tên gọi là quả ấm, quả hồ lô, được hồ lô... Quả non có thể dùng làm thức ăn. Quả bầu làm thuốc được thu hoạch khi bầu chưa chín hẳn (vào mùa thu), bỏ vỏ, lấy hạt; quả già vỏ của nó cũng làm thuốc được. Bầu tươi chứa caroten, vitamin B và C, prôtit, mỡ, đường các loại, canxi, phốt pho, sắt...
Quả bầu già, vỏ càng cứng (hàm lượng chất gỗ cao), ruột chứa đường glucoza. Quả bầu sắc lên có tác dụng lợi tiểu, chữa bệnh phổi phù nước.
Bầu hơi nhạt, tính mát, công dụng lợi tiểu, nhuận phổi, có công hiệu đối với các chứng chướng bụng, phù thũng, tiểu tiện bất lợi, phổi nóng, ho... Vỏ bầu vị ngọt, tính bình, lợi tiểu, tiêu thũng. Có thể dùng cho các chứng bệnh phù thũng, bụng chướng. Hạt bầu đun nước làm nước súc miệng có thể chữa sưng mộng răng.
Những bài thuốc có dùng bầu:
- Bụng chướng tích nước, tiểu tiện bất lợi: Bầu tươi 50-100g đun nước uống, hoặc vỏ bầu, vỏ dưa hấu, vỏ bí đỏ, mỗi thứ 30g sắc nước uống.
- Viêm gan, vàng da, sỏi đường niệu, cao huyết áp: Bầu tươi 500g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, trộn đều với 250ml mật ong, ngày uống 2 lần, mỗi lần 30-50ml.
- Phổi nóng sinh ho: Bầu 50g đun nước uống thay chè.
- Báng nước do côn trùng hút máu đốt thời kỳ cuối: vỏ bầu 15g, đun nước dùng súc miệng, ngày 3-4 lần.
Chú ý: Bầu tính mát, người bị phong hàn, ăn không tiêu, nếu ăn nhiều sẽ dẫn tới đau bụng.