Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Nghệ thuật sống

Blog phụ huynh

Đăng lúc 16:25 ngày 27/06/2013

Hôm nay là ngày khai giảng.


 
Hôm nay là ngày khai giảng.
 
Nhưng mình sẽ kể về ngày cách đây mấy tháng, là ngày họp phụ huynh cuối năm ngoái.
 
Mình đi họp trong tâm trạng hơi hồi hộp lo lắng vì con trai mình lực học chỉ trung bình.

Trung bình mà lại hay thắc mắc.

 

Mình phải nhiều lần dặn dò “Đừng có đem cái câu con vừa hỏi mẹ mà lên trường hỏi cô giáo nghe chưa?” Dặn xong mà không biết con mình có nghe lời mình không nữa.
 
Ví dụ nó hỏi nội quy nhà trường có câu này “Học sinh đến trường đều phải mang giày hoặc dép có quai hậu”. Vậy cô giáo có phải mang giày hoặc dép có quai hậu không? Mình trả lời ngay dĩ nhiên là cô giáo phải làm gương rồi. Nó nói tiếp “Con thấy cô giáo đi dạy mà mang dép không có quai hậu?” Mình ngớ người một hồi mới hiểu ra, ờ, các cô giáo mặc áo dài đi dép cao gót. Mà cao gót như vậy thì tên của nó còn là “dép” không? Hay là “guốc”? Mà guốc thì...
 
Mình đang còn lúng túng thì nó tiếp “Vậy nếu các bạn nữ đi học mang dép cao gót giống cô thì khỏi cần quai hậu có được không?” Đang bí, mình túm câu này để thoát “Con nít mới học cấp hai mà cao gót thì làm sao vui chơi chạy nhảy được hả con? Thôi, học bài đi”.
 
Dắt xe vô bãi mình đụng ngay phụ huynh của cô bé luôn đứng nhất lớp. Có con nhất lớp nên phụ huynh này lúc nào cũng tươi cười rạng rỡ, gặp nhau lớt phớt ở bãi xe thôi mà nồng nhiệt như chỉ chờ giây phút này. Chẳng lẽ người ta chào mình rồi chờ đợi để đi cùng mà mình lại ngoảnh mặt. Hừm... cùng bước lên cầu thang dài khoảng ba mươi bậc mà mình thấy chạnh lòng ghê gớm, con nhất lớp nên nói chuyện rất vui, rất tự tin.
 
Tới cửa lớp thì mình thụt lại mấy bước, không phải nhường cho phụ huynh nhất lớp đi trước mà là để khỏi phải ngồi cùng bàn. Ơ, mà sao người ta nhận ra cùng hội cùng thuyền?
 
Ngược lại với bọn nhỏ, ngồi ở khu vực xóm nhà lá là những phụ huynh có con học giỏi. Có lẽ họ vui vẻ đi sớm cho nên chọn được chỗ ngồi này, còn những phụ huynh cỡ như mình thì... thật tình là từng bước đi từng bước ngại ngùng dù biết con mình trung bình không phải do lỗi của nó (với đứa con hay thắc mắc của mình biết đâu nó nghĩ là nó di truyền của mình cũng nên).
Vậy là mình ngồi bàn thứ hai cùng với ba bà. Đây là lần thứ mấy rồi mình ngồi với ba bà hai bên. Mình ngoái đầu nhìn về xóm nhà lá, đúng như mình nghĩ, toàn là đàn ông. Nhớ năm con học lớp sáu, lần đầu tiên con mình đưa giấy mời phụ huynh họp đột xuất vì con vi phạm nội quy, ông chồng của mình liếc mắt qua tờ giấy rồi nói ngay lập tức “Ngày mai anh bận, em sắp xếp mà đi”. Và mãi mãi từ đó tới nay người đi họp phụ huynh là mình. Vậy đó, suốt năm năm tiểu học lúc nào con cũng được xếp loại giỏi ngoan thì ông chồng mình hăng hái đi họp lắm.
 
Cô giáo chủ nhiệm bắt đầu bằng câu chào “Hôm nay tôi lại có dịp được gặp lại quý phụ huynh”. Bên dưới xôn xao tiếng cười đáp lại đáp lễ, rồi lặng im phăng phắc. Đúng là môi trường giáo dục có khác, có vai vế có hầm hố cỡ nào thì giây phút này cũng thấy mình nhỏ bé như con của mình.
 
Tiếp theo là những tiết mục quen thuộc. Trước tiên là nhờ một phụ huynh viết chữ đẹp làm thư ký, người này thì từ cuộc họp đầu tiên của năm lớp sáu đã giữ chức vụ này rồi và từ đó tới nay mấy lần từ chối đều không được cho nên lần này đưa tay cầm giấy bút ngay. Tiếp theo là cô giáo đọc bản báo cáo những việc nhà trường đã làm trong năm học vừa qua, kết quả thi học sinh giỏi của trường và của lớp ta, rồi tới công việc gì năm vừa qua chưa có điều kiện thực hiện thì chắc chắn năm tới sẽ làm được nếu có sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh.
 
Nghe tới đây, tiếng thở ra rất nhẹ. Nhưng vì không hẹn mà tất cả đều thở ra một lúc cho nên nó thành rất rõ. Và tiếng sột soạt.
Cô giáo ngừng, nhìn xuống. Mọi tiếng động ngừng lại. Cô giáo nhìn tờ giấy để đọc tiếp, nhưng có lẽ vì cái nhìn xuống đó khiến cô lạc mất đang đọc tới đoạn nào cho nên đôi mắt cô tìm kiếm khá lâu rồi mới đọc tiếp được.
 
Người bên trái khẽ nhích tới gần mình “Năm ngoái xin tiền để sơn tường. Mỗi đứa hai trăm. Sơn kiểu gì sao mà con của tui bữa nào đi học về lưng áo lưng quần cũng dính tèm lem”. Mình không dám tham gia đề tài này, bèn nói lảng đi “Con chị ngồi bàn cuối hả? Chắc cháu cao lắm hả? Chị cho cháu uống thêm sữa gì?” Thì thầm như gió vậy mà bàn phía sau cũng nghe được, vọng lên một câu “Sữa voi”. Phải vội vàng bịt chặt miệng để chặn tiếng cười văng ra. Ừm, người lớn còn vậy huống chi bọn học trò sao thoát được tội gây mất trật tự.
 
Tới phần quan trọng nhất, cô giáo đi tới từng người để phát phiếu điểm. Mình ngoái nhìn theo cô giáo, là đợi tờ phiếu của con mình thôi, nhưng cũng bỗng thấy gót dép cao của cô giáo, sực nhớ tới thắc mắc của con, ờ, đúng là không có quai hậu. Rồi mình nhìn thấy phụ huynh của những bàn cuối đang hoan hỉ trao đổi những tờ phiếu một cách vui vẻ, lại còn chụm đầu và chỉ ngón tay trỏ vào những cột điểm nữa.
 
Bàn của mình nhận mình tờ phiếu điểm xong ai cũng cuộn  tròn lại, không nói năng gì. Từ đó trở đi, tai mình đâm ra lùng bùng, không còn rõ cô giáo đang thông báo gì nữa, thấy thời gian sao mà dài lê thê.
 
Bỗng nghe như là xì xèo, cô giáo nhìn xuống, ánh mắt chờ đợi.
 
Mình quay xuống bàn dưới “Cô giáo vừa nói gì vậy?” Một người nhanh nhảu thì thào “Nhà trường muốn sang năm học trò mặc đồng phục mới”. Sợ mình không hiểu, người này giải thích rõ “Là đồng phục kiểu mới khác với kiểu đang có”.
Cái đầu của mình ngay lập tức vèo vèo những phép tính, hai năm lớp sáu và bảy con trai mình lớn nhanh như thổi cho nên phải may đồ mới, năm nay nó chững lại cho nên áo quần sang năm vẫn còn vừa y. Mua đồ mới là phí. Hơn nữa, thà là ra quy định rồi để mình tự may cho con, cái kiểu mua đồng phục là phải tốn thêm một lần tiền nữa để đem ra thợ may sửa mà kết quả không hoàn toàn như ý là cái chắc. Chưa kể phải năn nỉ vì thợ may đẹp thì không rảnh để sửa đồ, lại sợ mất uy tín nên càng không muốn nhận sửa đồ.
 
Cô giáo hỏi “Phụ huynh nào đồng ý xin giơ tay?” Bàn trước mình có sự loay hoay nhưng không cánh tay nào giơ lên. Mình ngại quay đầu lại thì lộ liễu quá cho nên ngọ nguậy đầu để có thể liếc về phía sau. Cũng không cánh tay nào giơ lên. Lần đầu tiên đi họp phụ huynh mà mình thấy giữa xuất sắc giỏi và trung bình lẫn yếu có sự không trăm phần trăm tuyệt đối.
 
Cô giáo nhìn quanh, mình cúi mặt xuống vì sợ đụng ánh mắt của cô giáo, có lẽ mình đang rất giống đứa con xếp hạng trung bình của mình trong giờ kiểm tra, bỗng thấy thương con ghê gớm. Mà sao phụ huynh của giỏi và xuất sắc cũng đành câm nín hả?
 
Cô giáo nói “Hay là quý phụ huynh có ý kiến nào khác? Xin mạnh dạn đóng góp ý với nhà trường”.
 
Có tiếng xì xào đâu đó ở khu xóm nhà lá. Rồi một giọng cất lên “Dạ thưa cô, tụi nhỏ bây giờ... xã hội phát triển cho nên các em cũng... Sang năm các em lên lớp chín thì cũng là lớn lớn rồi, cũng biết ăn mặc đẹp rồi... Dạ cho nên hay là nhà trường bán vải rồi ra kiểu may, phụ huynh mua vải của nhà trường rồi sẽ tự may cho con em mình”.
 
Tiếng rào rào tán thành. Ngồi bên trái mình nhích tới gần mình, khe khẽ “Người vừa phát biểu là giám đốc bệnh viện đó”. Oa, hèn chi, dung hòa được cả đôi bên, phụ huynh giỏi của học sinh giỏi có khác.
 
Cô giáo nhẹ nhàng “Xin quý phụ huynh lưu ý cho, đây là ý kiến đã được thống nhất trong hội đồng”.
 
Vậy thì còn hỏi ý kiến của phụ huynh làm chi?
 
Lặng im tuyệt đối.
 
Giọng thư ký vang lên “Bây giờ viết vô biên bản làm sao đây?”
 
Tự nhiên tất cả cười phì.
 
Tiếng cười giải tỏa không khí khó tả nãy giờ. Cô giáo vui vẻ “Dạ xin cả lớp chúng ta biểu quyết lại lần nữa. Phụ huynh nào đồng ý xin giơ tay. Dạ, xin phép đếm – một... hai ... ba...”
 
Mình quay đầu theo ngón tay cô giáo... hai mươi bốn... hai mươi lăm... Được năm mươi phần trăm, tất cả đều là đàn ông.
Cô giáo lại cười “Phụ huynh nào không đồng ý xin giơ tay”.
 
Chẳng cánh tay nào giơ lên. Mình cũng không dám.
 
Rồi bỗng nhiên cả cô giáo và thư ký lẫn tất cả phụ huynh cười hi hi hi.
 
Như chợt nhớ ra, cô giáo nói “Xin quý phụ huynh yên tâm, nhà trường chọn thợ may có uy tín, áo bằng vải tê tơ rông của Ý, váy nữ bằng vải phi lụa  Ấn Độ và quần nam là xẹc Mỹ”.
 
Mình nhớ tới con trai. Cứ mỗi cuộc họp phụ huynh là nó tìm kiếm công việc làm để đoái công chuộc tội trung bình khiến má đi họp phải ngậm ngùi. Chắc giờ này nó đang hăng hái lau nhà, lau nhà chuộc tội khác với lau nhà bình thường, nó chui xuống gầm giường moi cho bằng hết bụi bám ở góc, quét sạch tơ nhện ở những kẹt tủ, chà sáng bóng mấy cái núm kéo hộc bàn...
Rồi khi mình về kể lại cuộc họp cho chồng mình nghe, nó sẽ vểnh tai lên, và sau đó sẽ thắc mắc “Má ơi, sao ti vi nói xài hàng nội là yêu nước mà nhà trường lại may đồng phục bằng vải ngoại hả má?”
 
Mình sẽ phải dặn dò “Đừng có đem cái câu còn vừa hỏi mẹ mà lên trường hỏi cô giáo nghe chưa?”.
 
****
 
Trở lại hôm nay là ngày khai giảng.
 
Bắt đầu học từ ngày mười lăm tháng tám, vẫn mặc áo quần cũ. Mình cứ nghĩ trước ngày năm tháng chín sẽ có áo quần mới để mặc khai giảng. Mình mong có sớm sớm để nhờ thợ may sửa cho xong, dứt điểm việc chuẩn bị năm học mới cho các con. Đầu óc lướng vướng còn chuyện này chuyện kia chưa xong thì rối lắm. Mỗi việc thành một mục nằm trong đầu nhiều khi thấy nặng phát mệt.
 
Nhưng chẳng thấy đồng phục mới. Chưa thấy. Ngày khai giảng mình vẫn ủi bộ áo quần cũ cho con trai.
 
Con dự lễ khai giảng về thắc mắc “Má ơi, làm sao phân biệt áo ngắn hay là quần đáy ngắn?” Dính dáng tới thời trang làm chi hả con? “Tại vì hên là con mặc quần áo cũ còn vừa vặn. Bạn nữ ngồi trước con khi ngồi xuống hở áo ra khỏi lưng quần bị cờ đỏ ghi tên tội mặc quần đáy ngắn, bạn đó không chịu, cãi là tại cái áo cũ bị ngắn mà đang đợi áo mới của nhà trường”.
 
Nhớ những cụm từ dạo này hay gặp trên báo... bên A chọn nhà thầu không đủ năng lực.... bên B thi công không kịp tiến độ...
Hợp đồng thường chỉ có hai bên.
 
Ngày 10.9.2011
 
Xóm mình có cô Hoa bị ngắn lưỡi nên phát âm đơn đớt. Mỗi khi cãi nhau với hàng xóm phải trái ra sao không biết chứ cô Hoa càng lớn tiếng thì càng dở vì đối phương chỉ cần nhại lại câu của cô với cường độ tương đương. Vậy nên cô ngày càng ít nói, đụng chuyện, cô chỉ còn lầm bầm “Chười ưi”.
 
Tiếng kêu trời này hóa ra hay, vụ xích mích nào đang hồi gay cấn mà có ai đó la lên “chười ưi” thì không muốn cười cũng bật cười, rồi hòa cả làng.
 
Tiếng kêu trời này ngấm vô đầu mình từ lúc nào không biết. Ông chồng đi làm về lè nhè rượu mình chười ưi cho xong, cự nự chỉ tổ ồn nhà cửa mà cũng chẳng thay đổi được. Đang gõ máy tính công việc gấp mà điện cúp thì cũng đành chười ưi chứ biết làm sao.
 
9-trich-bolg-DL2012-220
 
Cách đây hai ngày con gái học lớp bảy đi học về thông báo má ơi con xung phong với bạn Thu làm lồng đèn dự thi cho lớp.
Mình cười cười, vậy hả con, bạn Thu khéo tay lắm hả? Con lắc đầu “Dạ không. Mới đầu các bạn đều nói không biết làm lồng đèn. Cô giáo nói tất cả các em đều phải có trách nhiệm tham gia phong trào của lớp, nếu không sẽ bị hạ loại hạnh kiểm. Con tính rồi, mai mốt thi học sinh giỏi với thi Hội khỏe Phù Đổng con đều không làm được, Hiến chương Nhà giáo con cũng không biết hát văn nghệ”. Thấy mình im im, con gái phân bua “Chín tháng một Sinh viên Việt Nam thi hùng biện con cũng không hùng được, tám tháng ba thi cắm hoa thì..., nhưng mà tới lúc đó lo học thi học kỳ hai cho nên con xung phong đợt này cho rồi”.
 
Mình tính toán tiền chợ cũng bằng con gái tính toán cú xung phong này là cùng. Nó khôn ra từ lúc nào?
 
Má bày tụi con nghe má?
 
Nhớ hồi nhỏ mình với bạn bè cũng làm đủ trò mà đều bắt đầu từ chưa biết làm, nhưng luôn được có cô giáo thầy giáo hướng dẫn, rất vui. Bây giờ bày ra nhiều phong trào mà phụ huynh lãnh đủ là sao hở chười ưi?
 
Mình lệnh cho con trai “Con bày em làm lồng đèn đi”. Con trai hỏi em gái “Chừng nào nộp?” Câu trả lời là ngày mốt. Con trai la lên “Không được đâu, tưởng qua chủ nhật mới nộp thì tới chủ nhật anh làm dùm cho. Ngày mai ngày mốt đi học chính đi học thêm tới tối còn phải soạn bài lấy đâu ra mà làm”.
 
Mình ngập ngừng nói với chồng “Hay là anh...” Chồng cười cười gật đầu ngay lập tức. Mình thấy nghi ngờ quá... Chồng hỏi “Chừng nào con với bạn rảnh để ba bày cho?” Con gái nhìn thời khóa biểu dán trên tường, mắt mở to, miệng lẩm nhẩm, rồi rên “Chết rồi, ngày mai ngày mốt con cũng kín lịch học thêm”.
 
Chồng nhìn mình vẻ ngây thơ vô tội “Em thấy đó, đừng có mà trách anh không quan tâm tới con”. Rồi chồng cười “Nếu anh bày cho con làm mới có ý nghĩa, còn anh làm dùm hoàn toàn thì thà em ra chợ mua quách cho rồi”.
 
Thì mua.
 
Cái lồng đèn kéo quân màu tía lộng lẫy này thì lộ rõ là mua, không được. Cái thuyền màu xanh có những tua rua rực rỡ tuyệt đẹp này, không được. Cái con voi trắng oai phong này, ồ, cái vòi đồng thời cũng là ngọn đuốc, chà chà, không được. Làm sao lựa chọn một cái lồng đèn cỡ tay học trò làm đây? Con thỏ? Con cá? Trái bí?... À, cái con mèo này ngồ ngộ mà nhỏ xinh, vừa tầm.
 
Mua về, sợ giám khảo nhận ra hàng mua, mình gỡ giấy và những cọng ria mèo đều đặn ra, dán lại sao cho gấp khúc nhăn nhăn một tí cho ra vẻ tay học trò làm.
 
****
 
Đó là chuyện của ngày hôm kia và hôm qua. Còn hôm nay, mình tới trường đón con gái đi học về.
 
Mình nhìn thấy cái lồng đèn kéo quân màu tía treo ở giải nhất, chiếc thuyền màu xanh có những tua rua rực rỡ treo ở giải nhì, con voi trắng oai phong có cái vòi đồng thời là ngọn đuốc ở giải ba.
 
Sưu tầm
Chười ưi.



Qua Tang Online