Không nên chọn rau trái mùa và xanh tốt khác thường. Quả nên chọn còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát. Lúc rửa rau quả nên ngâm rồi hãy rửa, sau đó ngâm nước muối.
Núm quả, kẽ lá là nơi đọng thuốc trừ sâu
Tiến sĩ Đặng Thị An - Phòng Hóa môi trường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) - nói: "Một nồi canh nên có nhiều loại, có cả củ, cả lá... để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc hơn.
Ăn rau cải thì nên ăn phần lá, còn phần cuống nếu có ăn thì phải chần qua nước sôi, bởi nhiều rau cải bị nhiễm nitrat. Chất này đi từ đất vào rau chủ yếu qua rễ và chứa trong cuống. Nitrat dễ hòa tan trong nước nên khi chần cuống rau, chất này dễ tan".
Tiến sĩ Đỗ Quang Huy - Trung tâm Phát triển sắc ký khí (ĐH Bách khoa Hà Nội) khuyên: "Núm quả hay kẽ lá là nơi lắng các thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nhiều nhất.
Bởi trong rau quả, bộ phận này thường lõm nên nước và hoá chất hay đọng lại. Rau quả trên bề mặt có lớp biểu bì, nơi thấm hút rất nhiều hoá chất khi tưới lên. Vì vậy, ngâm, rửa rau sẽ loại bỏ phần lớn các chất này.
Nên ngâm rau rồi hãy rửa. Tốt nhất sau khi rửa vẫn nên ngâm rau trong nước muối nhạt hoặc thuốc tím. Vì muối và thuốc tím làm tăng quá trình hòa tan, khuyếch tán các chất độc, đẩy chúng ra khỏi rau quả theo nước".
Không chuộng hàng đẹp mã
Theo kinh nghiệm của người dân trồng rau ở thôn Bằng B (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) rau cần có phun chất "tăng phọt", "béo lá" lá thường nhọn hơn bình thường, thân trắng nõn, lá xanh tốt khác thường. Thậm chí, những mớ rau đó chỉ cần để từ sáng đến chiều là nẫu, héo rũ.
Đối với rau muống, nếu nước luộc có mầu xanh lè là do bón nhiều đạm. Thường rau không bón chất kích thích tăng trưởng thì có ống to, cứng. Rau muống sống trong nước bị ô nhiễm khi chẻ ngọn ăn sống thường không cuộn tròn.
Mùa sâu bệnh nặng từ tháng 4, 5, 6, người dân thường sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu, nên chú ý khi mua rau vào thời điểm này. Những rau quả trái mùa rất dễ bị bón thuốc kích thích.
Khi nấu, cần nấu chín và mở vung là cách tốt để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật bằng con đường bay hơi.
Tiến sĩ Trần Đáng - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - khuyến cáo: "Khi chọn quả, chú ý quả phải còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát, trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống. Cảnh giác với loại quá "mập", "phổng phao".
Cảm giác quả phải nặng tay, giòn chắc. Rau bị phun các loại thuốc kích thích tăng trưởng thường "nhẹ" hơn. Không chọn những quả còn các vết lấm tấm trên các cuống lá, núm quả, cuống quả...
Tránh những quả ngửi có mùi lạ, nếu lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi hóa chất bảo vệ thực vật".
Để an toàn, nên mua rau quả ở những cửa hàng quen, nếu xảy ra ngộ độc, có thể xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời hơn.