Chế biến nước trái cây cần chú ý gì?
Đăng lúc 07:17 ngày 23/05/2013
Nước trái cây là thực uống được nhiều người sử dụng hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và giải khát. Tuy nhiên, khi chế biến cần chú ý một số điều sau để đảm bảo nước trái cây luôn ngon và bổ dưỡng nhất!
Nếu không được chế biến vệ sinh, nước giải khát là môi trường tốt cho vi khuẩn phát sinh, phát triển.
Đó là nước ép của một số trái cam, chanh, dâu, mơ, xoài, dứa, nhãn... Nói chung các trái cây này đều chứa các axit hữu cơ cho vị chua như axit citric, axit tactric, axit lactic... và những đường đơn fructoza, glucoza được ruột hấp thụ trực tiếp. Các axit hữu cơ phối hợp với đường làm cho nước giải khát có vị ngọt dịu dễ uống.
Các loại nước trái cây này còn là nguồn vitamin (vitamin B1, B2, caroten, vitamin C...) vô cùng quý giá, đặc biệt là vitamin C và giàu muối khoáng. Lượng muối kali trong các trái cây tương đối lớn (thí dụ trong 100g nước mơ có tới 305mg muối kali). Ngoài ra, trong nước trái cây còn có tinh dầu thơm đặc trưng của từng loại, làm cho cốc nước giải khát thơm ngon, hấp dẫn, hợp khẩu vị mọi người.
Các loại trái cây dùng pha chế giải khát phải đảm bảo còn tươi, không dập, không ủng, không mốc. Dứa cần gọt dày vỏ và cắt sâu hết các mắt đề phòng nấm độc Candida tropicalis có thể phát triển ở mắt dứa và những chỗ dập. Dứa, đu đủ gọt vỏ xong, rửa sạch mới bổ ra pha chế. Vải, nhãn, chôm chôm cần rửa sạch, để ráo nước trước khi bóc vỏ, vì đối với loại trái cây này sau khi bóc vỏ không ngâm rửa nữa để tránh mất một số chất dinh dưỡng dễ hoà tan trong nước (đường, vitamin, muối khoáng).
Dụng cụ pha chế, chứa đựng nước giải khát phải được rửa sạch và tráng nước sôi. Các nước trái cây dùng giải khát đều có các axit hữu cơ, do đó nên đựng trong các dụng cụ thủy tinh hoặc đồ sắt tráng men, không nên đựng vào dụng cụ bằng đồng, tôn.
Nước pha chế giải khát phải là nước đã được đun sôi để nguội. Tuyệt đối không dùng nước lã. Chú ý phòng chống ruồi nhặng vì dịch trái cây hấp dẫn ruồi.
Sưu tầm