Thời đi học xa nhà, sinh viên chúng tôi thiếu thốn đủ mọi bề. Vì thế, mỗi lần về thăm nhà, má tôi vẫn chuẩn bị vài món đồ ăn cho tôi đem lên thành phố ăn dần.
Tôi còn nhớ mỗi lần ra bến xe đò, tôi thường xách lỉnh kỉnh nào là: một quầy chuối xiêm, một lon “gô” tép bạc rang muối (loại hộp nhôm của hãng sữa Guigoz - Pháp, rất thông dụng thời bấy giờ), vài “gáo”mắm sặt (mắm đựng trong cái gáo dừa đen bóng, chèn kín bằng miếng vỏ tràm phía bên trên), một chục hột vịt… Khi xe lăn bánh, nhìn bọc đồ ăn, có khi tôi không khỏi rơi nước mắt!
Ngày hai buổi, sau khi rời giảng đường, tôi chạy xe tạt qua chợ mua một vài thứ cần thiết cho bữa ăn như: thịt ba rọi, rau thơm, dưa leo, cà chua, chuối chát, chanh, ớt… . Thế là về đến phòng trọ, tôi có thể chế biến được món mà mình ưng ý nhất lúc còn ở nhà: “mắm chưng hột vịt”.
Làm món này làm rất dễ và gọn. Trước hết, cho mắm sặt (khoảng 150 gram) vào nồi với một ít nước ( nhớ ít nước thôi, nếu nước nhiều, mắm sẽ không đặc, mất ngon) nấu sôi cho đến khi thịt mắm rã ra. Dùng vợt lược lấy nước, bỏ xác. Kế đến, thịt ba rọi (200 gram) bằm nhuyễn cho vào rồi nêm nếm gia vị (đường, bột ngọt, hành tím xắt mỏng, tiêu xay, ớt xắt miếng…) cho vừa khẩu vị. Đập 3 hột vịt, đánh cho tan, đổ chung mọi thứ vào tô, đem chưng cách thủy độ khoảng 15 phút, khi nào dùng đũa xom thấy mắm đặc là được.
Dưa leo, cà chua, chuối chát, rau thơm… cho vào dĩa. Mắm chưng chín múc ra tô. Cơm nóng bới ra chén… Gắp một miếng mắm chưng cùng vài cọng rau thơm, miếng chuối chát, cà chua… đưa lên miệng nhai chậm rãi. Mùi thơm của mắm, vị chua, chát, cay nồng của rau hòa lẫn vị béo bùi của hột vịt, tạo nên hương vị đậm đà của một món ăn đặc trưng Nam bộ thời khẩn hoang!...
Giờ đây, mỗi khi vào quán ăn, nghe thoảng mùi mắm chưng, tôi lại nhớ da diết “những gáo mắm sặt” má cho khi lên xe về thành phố!!...