Con chó có chữ
Đăng lúc 16:06 ngày 27/06/2013
“Cẩu lục kê tam” – con chó nhà ông Hội một mực phản đối trí tuệ dân gian, bằng chứng là đã mười năm có lẻ nhưng nó vẫn cường tráng. Thảng hoặc có cô chó cái chạy ngang qua ngay lập tức tít – vâng, con chó tên là tít - rít ăng ẳng, tai dựng đứng, chân cào cào chực phóng lên chạy.
1 - “Cẩu lục kê tam” – con chó nhà ông Hội một mực phản đối trí tuệ dân gian, bằng chứng là đã mười năm có lẻ nhưng nó vẫn cường tráng. Thảng hoặc có cô chó cái chạy ngang qua ngay lập tức tít – vâng, con chó tên là tít - rít ăng ẳng, tai dựng đứng, chân cào cào chực phóng lên chạy.
Những lúc ấy cô Hòa con gái ông Hội – vâng, nếu cô Hòa có mặt, vỗ vỗ vào lưng con chó, nựng “Muốn làm bố hả?” Không biết tiếng người nhưng chắc chắn tít hiểu điều cô chủ định nói. Tít tiếp tục rên rỉ, ngước đôi mắt ướt đầy tâm trạng van vỉ, hy vọng cánh cửa sắt sẽ được mở ra. “Bố gì cái thứ chúng mày! Chỉ được cái…” – dầu cô Hòa không nói hết lời, nhưng tít ngay cả thế, vẫn cảm nhận được ý tứ của cô, nó cụp tai, mắt nhìn xuống. Trong các giống vật nuôi trong nhà, chó đực là giống hờ hững với con nhất. Đa thê đa tình như anh gà trống thì thỉnh thoảng vẫn cục cục bên đàn gà con bên cô gà mái, khi tha hạt thóc lúc bới con giun. Còn cái giống chó đực, cùng lắm phóng tới bên ổ hít hà vài cái xong chạy biến! Tất nhiên khi nói như thế phải loại trừ những cô cậu mèo, cái giống bạc nhất trần gian!
Ngày ông Hội xin tít về nó bé tí xíu, mới mở mắt được vài ngày. Ông Hội thả nó xuống đất, bảo “Lưỡi đốm, chân có kheo, khôn lắm đấy!” Đáp lời ông Hội, con chó tè ngay trên nền gạch bông, miệng rít ăng ẳng, loạng choạng dò tìm từng bước và rồi áp vào chân cô Hòa. Có thể, bằng trực giác nhậy cảm, nó biết cô Hòa là người sẽ thương nó nhất. Cô Hòa ôm con chó, vỗ nhẹ vào lưng nó. Lập tức cái đầu bé tí xíu rúc vào cánh tay cô Hòa, tiếng kêu ăng ẳng nhỏ dần. Cô Hòa pha sữa cho con chó. Tới bữa cơm, cả nhà chưa ai cầm đũa con chó đã có phần. Tối, cô Hòa lót tấm thảm cho con chó ngủ trong nhà. Bà Điệp mẹ cô Hòa bảo “Coi chừng cưng lắm nó hư”! Ông Hội nhìn cô Hòa rồi nhìn con chó, nhưng không nói gì. Tính ông Hội vốn thế, nói ít, không mấy khi bày tỏ thái độ bằng lời nói. Ngày còn đi làm, mỗi khi ông mở miệng, chỉ vài câu thôi, các đồng nghiệp nếu có ai không đồng tình cũng chỉ im lặng. Ông Hội thuyết phục người khác bằng thái độ đối với công việc, bằng kết quả của công việc, bằng cách sống của mình. Mấy chục năm hết lái đầu máy hơi nước tới lái đầu máy diesel, ông không hề để xẩy ra một sự cố. Nghe qua tưởng chẳng có gì đặc biệt nhưng thực sự vào cái thời gian phụ tùng vật tư hầu như không có, máy móc rệu rã đến mức đúng ra thì đã phải thanh lý, thành tích của ông Hội không mấy người có khả năng đạt được. Không những thế, khi đồng nghiệp người này bán dầu người kia chở hàng lậu thì ông Hội không một lần vướng vào cái vòng bất chính đầy cám dỗ ấy. Dù chỉ là một công nhân, nhưng ông Hội vẫn thường được mời tham gia hội đồng kỷ luật của xí nghiệp khi có một đồng nghiệp bị đưa ra xét xử. Người tinh ý sẽ nhận ra ông Hội không bao giờ chỉ trích, quy kết người phạm lỗi. Đơn giản ông chỉ phân tích cặn kẽ sự việc với thái độ ôn hòa, với một cách nói ngắn gọn, với lập luận chính xác không thể bác bỏ. Không phê bình con người, chỉ phê bình sự việc do con người gây ra, phải hiểu nhân tình thế thái lắm, phải tinh tế lắm, phải thương yêu con người lắm mới có khả năng ứng xử như ông Hội. Nhưng khuyết điểm của ông Hội là có lẽ ông đã đánh đồng người khác với mình. Lần đó phiên họp hội đồng kỷ luật do đích thân ông giám đốc vốn xuất thân cũng là một lái máy, chủ trì. Hầu hết ý kiến không đồng tình với quy kết của ông giám đốc. Cuộc họp kéo dài hơn thường lệ và xem ra khó đưa ra kết luận. Ông giám đốc tính tình nóng nẩy nổi cơn lôi đình, đập bàn la hét. Giận thì mất khôn, lời tuôn ra khỏi miệng là những lời mạt sát thậm tệ. Các thành viên dự họp cúi mặt, ông Hội nhìn chăm chăm vào một chỗ trên bàn. Rồi ông đứng dậy, xin phép ra ngoài. Ngày hôm sau ông lên phòng tổ chức lẳng lặng đặt cái đơn xin nghỉ hưu non lên bàn ông trưởng phòng. Mặc ai khuyên nhủ, ông Hội vẫn kiên định. Đơn giản ông không thể chấp nhận sự xúc phạm đối với một con người, dù người đó không đích danh là ông. Thế là ông nghỉ, một về ba bảy cũng về, không một giây do dự! Cầm cái sổ lương hưu non ông Hội liếc qua một cái xong đưa cho bà Điệp. Và cũng kể từ đấy, ông không bao giờ hỏi những đồng tiền tháng tháng bà Điệp lĩnh về, không một lời thắc mắc tại sao trong túi mình bao giờ cũng có ít tiền - là bà Điệp hay cô Hòa nhét vào đó? Sáng sáng, sau một cuốc đi bộ cho giãn gân cốt, ông Hội lọc cọc chiếc xe đạp vác cần đi câu. Ngày ao hồ ruộng đồng còn nhiều ông chuyên câu cá lóc với chiếc cần câu quăng, mưa nắng không hôm nào không một hai con đem về. Đến khi ao hồ bị san lấp làm nền nhà, ruộng đồng thành những khu dân cư, ông chuyển qua câu cá biển, nhiều nhất vẫn là những con cá mú. Nếu có một ngày thời tiết không xấu lắm mà ông Hội không đi câu, hẳn đâu đó trong thành phố có một giải quần vợt hay bóng chuyền. Ông Hội có lẽ là khán giả trung thành nhất của hai môn thể thao này. Ông xem tất cả các trận đấu, thỉnh thoảng tắc lưỡi, thỉnh thoảng vỗ tay, nhưng không bình luận, không chê người này khen người kia. Giả như không làm hai việc đi câu và xem thi đấu bóng, chắc chắn ông Hội tới một đám giỗ, đám cưới hay mừng nhà mới ai đó. Mỗi năm, ông Hội mua một cuốn lịch bàn, ghi hết ngày giỗ chạp của những người thân, người quen biết lên đấy. Đúng ngày, cứ theo lịch ông tới thắp hương, không đợi mời, nhưng hiếm khi ở lại dự cỗ. Người ta bảo nhất ông Hội - sống được theo ý mình, ngày ngày làm bạn với cái cần câu, với mặt nước, với gió, với bầy cá trong làn nước xanh thẳm, không vướng vào sự đời đầy chuyện mệt mỏi...
Chó là giống ranh mãnh. Cả ngày, khi ông Hội vắng nhà, con tít tha hồ đùa nghịch, gặm chân bàn chân ghế. Nhưng chiều tối, vừa nhác thấy bóng ông Hội, sau khi đã mừng rỡ ôm chân ông, tít nằm dài chống cằm lên hai chân trước, ra vẻ ngoan ngoãn nghiêm túc. Thỉnh thoảng nó liếc những cái chân bàn chân ghế nham nhở, liếc ông Hội như sợ ông phát hiện ra. Nhưng khi ông Hội đến bàn pha ấm trà, lập tức nó ngó lơ chỗ khác, làm như mình không liên quan tới bất cứ việc gì xẩy ra trong ngôi nhà này! Một lần như thế, ông Hội gọi nó tới. Không thể không tới, nhưng lấm la lấm lét linh cảm tới điều không lành, tít cụp mắt. Ông Hội lấy tay bệ cằm con chó, bắt nó nhìn vào cái chân bàn nham nhở, bảo “thôi nhé!”. Rồi ông lôi từ trong túi xắc ra một hộp xương giả, loại vẫn bày bán ở quầy thức ăn dành cho súc vật trong siêu thị, lấy một cái đưa lên mõm con chó, bảo “Thứ này ngon hơn chân bàn chân ghế nghe chưa!” Nhìn cục xương y như thật, tít hết hít mũi tới nhìn ông chủ. Rồi nó hớn hở tha cục xương giả tới góc nhà đùa nghịch. Từ đó những cái chân bàn chân ghế hết bị phá hoại. Ông Hội bảo cô Hòa con chó ngứa răng, không thể cấm nó gặm, vậy thì phải cho nó gặm theo ý mình!
Cô Hòa lĩnh hội ý tứ của cha, nhưng không sao bắt con tít vâng lời. Không những thế, nó luôn làm ngược ý của cô. Bà Điệp cười bảo đến con chó cũng lờn thì con gái của mẹ sau này sẽ thế nào đây? Thật lòng bà Điệp lo lắng cho tương lai của cô Hòa. Con gái bà thừa hưởng sắc đẹp của mẹ, nhưng cô quá hiền lành, đến mức nhẫn nhục. Bữa cơm, lấy vội lấy vàng một ít thức ăn, cô Hòa cúi mặt vào bát, ăn đến miếng cuối cùng mới lại ngẩng mặt lên. Quan sát con gái, bà nghĩ thế là khổ. Ăn miếng cơm mà cúi mặt vào bát là thân phận đầy tớ, hoặc chí ít là người đàn bà cơ cực. Bà mắng, cô Hòa toét miệng cười, bảo mặc kệ con. Cô Hòa chưa bao giờ tức giận. Cô như ngọn gió nồm giữa trưa hè, cứ thản nhiên thổi mát vậy thôi. Hình như con tít cũng biết thế, nên nó không sợ cô. Một bữa tắm cho con chó, cô Hòa bỗng reo lên “Ơ này, con chó có chữ!” Bà Điệp đứng ở bếp nhìn cô con gái với ánh mắt vừa hoài nghi vừa giễu cợt. Cô Hòa bồng con chó vào chỗ bà Điệp chỉ vào trán nó. Đúng là trên nền màu lông vàng nhạt có những vạch ngang dọc màu đen, trông hao hao chữ Hán, nhưng khó lòng bảo đó là chữ gì. Bà Điệp giễu cợt “Thế nó học lớp mấy rồi?” Cô Hòa nũng nịu bảo mẹ chỉ được cái hay châm chọc. Nhưng bà Điệp không buông tha “Thế cô bảo đấy là chữ gì?” Chịu, cô Hòa không biết chữ Hán nên không thể trả lời, nhưng cô tin những cái vạch trên trán con chó ít ra cũng là một dấu hiệu tốt lành. Vừa hay có ông thầy chùa vốn là chỗ quen biết gia đình ghé chơi nghe chuyện, bảo cô Hòa cho ông xem con chó. Nhìn con tít từ ngoài sân thủng thẳng đi vào, ông thầy chùa bảo người có vài ba loại, chó cũng dăm bảy loài. Người có kẻ tiểu nhân có người quân tử, chó có con cắn trộm nhưng có con rất tình nghĩa với chủ. Ông thầy chùa xoa đầu con tít, nhìn cô Hòa hồi hộp nuốt từng lời của ông, thong thả bảo trên trán con chó là ba chữ khẩu. Thấy cô Hòa ngơ ngác, ông thầy chùa tủm tỉm cười, giải thích “khẩu là miệng, những ba cái miệng là con chó nhiều chuyện, sủa nhiều lắm đây”. Cô Hòa bán tín bán nghi, phụng phịu hết nhìn ông thầy chùa tới nhìn bà Điệp, bảo “Nhưng thưa thầy, nó đâu có sủa nhiều ạ”. Ông thầy chùa vẫn nụ cười trên môi, nhưng hướng mắt sang bà Điệp “Bây giờ thì chưa, nhưng sau này… con coi kỹ giùm ta đi, có phải tới ba cái miệng không?” Nhưng rồi chừng như e ngại nỗi thất vọng đang tràn trề trong mắt cô Hòa, ông bỗng nghiêm túc “Ta đùa con đấy! Một chữ khẩu ở trên, hai chữ khẩu ở dưới là chữ phẩm, tức phẩm giá. Hồi nãy nhìn dáng đi của con chó, ta đã thấy nó đàng hoàng”. Rồi ông thầy chùa nói thêm “Bản thân con chó đã đành, nhưng tính cách của nó còn phụ thuộc vào chủ, như con nít phụ thuộc vào sự giáo dục của gia đình vậy. Người ta vẫn nói trong nhiều trường hợp chỉ cần nhìn con chó, có thể biết chủ của nó là người thế nào”.
2 - Trẻ con hay nghịch ngợm, thì chó con cũng hay đùa giỡn, lắm khi quá trớn, lắm khi quá mù ra mưa. Thoạt đầu tít hay đùa giỡn với con mèo tam thể, theo bản năng. Nhưng rồi nó tiến tới trò bắt nạt, chén thức ăn của mèo trước khi quay lại tô thức ăn của mình. Sợ bị bắt gặp, lần sau tít láu cá tha con cá nướng của mèo giấu vào một góc để dành, đợi khi vắng vẻ mới lôi ra thích thú đánh chén. Của ăn vụng bao giờ cũng ngon, tít chăm chỉ thực hiện hành vi trộm cắp của mình. Cô Hòa không để ý, nhưng ông Hội khi thấy con mèo càng ngày càng gầy, bụng teo tóp thì hiểu ra ngay sự việc. Một bữa ông Hội bỏ buổi câu, kín đáo rình và bắt quả tang tít mắt trước mắt sau xông qua đĩa thức ăn của mèo. Con mèo kêu meo meo nhưng biết thân phận, không chống cự. Ông Hội lập tức bước ra, nắm tai tít kéo nó lại, lấy luôn tô thức ăn của nó đem đổ vào thùng nước gạo. Rồi ông ngồi canh, kiên nhẫn đợi cho con mèo ăn xong phần của mình còn tít thì bị phạt, nhịn luôn bữa đó. Một lần hai lần, tít tiếp thu bài học nhanh đến không ngờ, dầu có thèm đến mấy cũng không dám lặp lại trò ăn cắp tinh quái của mình. Nhưng sự đời “ăn cắp quen tay ngủ ngày quen mắt”, tít không dễ dàng từ bỏ thói hư tật xấu đem lại cho nó sự sung sướng. Không dám làm bậy ở nhà, tít để mắt sang nhà hàng xóm. Một bữa chạng vạng, ông Hội nghe thấy hàng xóm kêu mất gà. Ông nhìn tít nằm xoài trước cửa lòng đầy nghi ngại. Đến khi hàng xóm khẳng định bầy gà lên chuồng vẫn thiếu một con, ông Hội càng sốt ruột. Ông lục lọi và tìm thấy xác con gà mái tơ bị cắn đứt cổ giấu sau sọt rác, cạnh gốc cây lộc vừng. Không một chút ngần ngừ, ông Hội ra phố mua một sợi dây xích về quàng vào cổ tít, rồi một tay cầm xác con gà một tay dắt tít sang nhà hàng xóm. Ông Hội chân thành xin lỗi và xin đền tiền con gà. Bà hàng xóm chấp nhận lời xin lỗi nhưng từ chối món tiền của ông Hội. Tít theo dõi cuộc đối thoại từ tốn của hai con người, mắt nhìn vào con gà mái tơ đã chết. Nó có vẻ lờ mờ hiểu ra hành vi của nó thực sự nghiêm trọng. Và tương ứng với cái sự nghiêm trọng đã gây ra, kể từ đó cổ tít có một sợi dây xích, cánh cửa sắt luôn luôn đóng. Những phút giây tự do chấm dứt ngoại trừ hàng ngày ông Hội dắt nó ra ngoài vào buổi sáng. Sau khi dạo bộ một vòng cùng con chó, ông Hội ghé quán bún đầu ngõ mua cho tít một ổ bánh mì.Về đến nhà ông Hội bỏ chiếc bánh mỳ vào tô cho tít gặm. Mùi bánh mỳ vừa ra lò thơm phức. Tít khoan khoái gặm từng miếng nhỏ, nhìn con mèo hau háu cặp mắt miệng không ngừng meo meo thèm thuồng.
3 - Tít lớn nhanh trông thấy, chỉ chừng hơn một năm, qua một lần thay lông nó đã rất chững chạc. Trên lớp lông vàng rực, chữ phẩm tuy mờ nhưng vẫn có thể nhìn thấy. Ông Hội tháo sợi dây xích, nhưng vẫn đóng cổng, hàm ý một sự tự do giới hạn. Thảng hoặc có khách tới nhà, tít sủa cầm chừng, có ý báo cho chủ nhà biết vì chỉ cần khi bà Điệp hay cô Hòa đánh tiếng là nó lập tức thôi sủa. Khách ngồi chơi, tít nằm ngay cửa ra vào, mắt hướng về phía khách ra ý trông chừng. Giả như vị khách kia cầm một thứ gì nó, ví dụ cái quạt giấy trong một ngày hè bị cúp điện, tít hơi chồm lên cảnh giác. Trong trường hợp vị khách đứng lên cáo từ nhưng tay vô tình vẫn cầm cây quạt thì thể nào tít cũng sủa một tiếng rồi nhanh nhẹn tiến tới cắn chặt ống quần của khách kéo lại. Chỉ cần thế, cả khách lẫn chủ đều hiểu. Vị khách tất nhiên bỏ cây quạt giấy xuống bàn và xoa đầu tít khen ngợi. Cách xử lý sự việc của tít có vẻ na ná cách xử lý của ông Hội đối với chính bản thân nó, không nương tay cũng chẳng quá tay. Ngày qua tháng lại, những cuộc đi bộ, chiếc bánh mỳ buổi sáng, hai tô cơm trưa và chiều, mưa và nắng. Hôm nào trời mưa không ra ngoài được, ông Hội đưa tiền cho con chó, để nó tự đi mua bánh mỳ. Ngậm tờ tiền giấy trên mõm, thoắt cái đã thấy tít về. Nhưng tít không ăn ngay, nó đợi hoặc ông Hội hoặc cô Hòa đem tô tới. Sau khi đặt chiếc bánh mỳ vào tô nó lại tha ra, dùng một chân chận lên ổ mỳ bắt đầu gặm. Cô Hòa bảo tít máy móc, nhưng nó quen cái tô rồi, không làm khác được.
Một bữa ông Hội dắt tít đi bộ lúc về qua hàng bún mới biết mình quên đem tiền, đành phải mua chịu ổ bánh mỳ cho nó. Thật lạ, lúc về đến nhà tít liếm mép nhưng không động đến bánh. Ông Hội ngạc nhiên, tưởng con chó ốm. Nhưng không, nó cào cào chân, sủa vài tiếng như còn đang phân vân điều gì, hai con mắt thì đóng đinh vào túi áo ngực ông. Một lúc sau ông Hội hiểu ra sự việc. Tít đang muốn xin tiền ông để trả bà hàng bún. Ông Hội đưa tiền cho tít, nhưng nó nhìn tờ tiền trên tay ông, gâu gâu ầm ĩ, ra cái điều không phải như thế. Bà Điệp cười bảo Tít chỉ biết tờ mệnh giá hai nghìn đồng, các tờ tiền khác không có giá trị gì với nó. Ông Hội cất tờ năm nghìn vào túi, bảo bà Điệp đưa cho tít tờ tiền hai nghìn. Quả nhiên ngay lập tức tít rít lên ư ử, mừng rỡ chồm hai chân trước lên người bà Điệp, ngoạm tờ hai nghìn quen thuộc. Và rồi chỉ sau khi ngậm tờ tiền phóng như bay ra làm xong cái việc mua bán, trở về nhà tít mới khoái trá hít hà ổ bánh. Người ta bảo có những con chó biết đi mua báo, biết đi chợ cho chủ. Có con chó khi thấy chủ ngất biết cách báo động gọi người đến cứu. Có con chó khi xẩy ra hỏa hoạn biết phá cửa lôi em bé ra ngoài… Không biết thực hư đến mức độ nào nhưng những chuyện như thế luôn kích động người nghe. Con tít nhà ông Hội, vâng con tít, không biết đi chợ, không biết mua báo, không biết báo động, chưa một lần cứu ai. Nhưng tít biết mua bánh mỳ thì phải trả tiền. Còn một điều nữa cũng cần phải nói ra, tít là một con chó ta, một con chó ta bình thường ta vẫn gặp đâu đó trên đường!
Sưu tầm