Ðặc sản của đồi cát là dông. Dông sống trong hang, sáng tinh mơ ra đồi cát tìm ăn chồi non và uống sương đêm, vì thế mà thịt thơm, săn và ngọt, được xem là một vị thuốc bổ. Thịt dông trắng như thịt gà, mà lại ngọt, bùi và mềm hơn. Xương rất mềm, gần như là sụn. Còn da thì dòn sừn sựt. Tuy nhiên khi chế biến người ta thường lột vứt bỏ vì trông không bắt mắt.
Người Ninh Thuận chế biến 7 món thịt dông: Dông nướng, dông rô ti, dông hấp, chả dông, gỏi dông, cháo dông và dông nấu dưa hồng. Món nào cũng ngon. Tuy nhiên, quý bà quý cô có phần ngần ngại khi nhìn những con dông nướng, rô ti hay hấp còn nguyên cả đầu, bốn chân và cái đuôi dài dài. Nhưng đến món gỏi hay chả, khi dông được bằm nhuyễn thì dầu có nhát gan cũng chẳng mấy ai từ chối.
Thật vậy, như với món gỏi dông để nguyên xương được bằm nhỏ, xào chín và trộn với cóc hoặc xoài xắt chỉ, rau thơm, đậu phụng rang dòn, nước mắm pha và đặc biệt phải có lá xào dông, một thứ lá trông giống lá chùm ruột non, sống trên vách đá vùng khô hạn, mùi thơm thoảng vị chát. Gỏi dông ăn với bánh tráng nướng, thứ bánh tráng dày, nhiều mè, nướng vàng rụm, xúc mãi không chán.
Nhưng theo dân sành điệu thì thức ngon nhất trong con dông là mật và trứng. Mật dông có vị béo nhân nhẫn và để lại cái hậu thật ngọt. Trứng dông rất béo, rất bùi mà không ngậy, được xem là một loại sơn hào hải vị. Chẳng thế mà chuyện ngày xưa kể rằng ở làng Mỹ Tường, trong lễ vật thách cưới phải có một thúng trứng dông, những cái trứng chỉ to bằng đầu ngón tay út! rất may tục lệ này đã bị bãi bỏ chứ nếu không thì hẳn trai Mỹ Tường ngày nay nhiều người phải chịu cảnh phòng không. Hầu hết các nhà hàng, quán đặc sản ở Phan Rang đều có món dông, giá bình dân thì 15.000đ, giá cao cấp 30.000đ một dĩa. Cũng nên biết rằng một số quán nhậu ở Sài Gòn cũng có những món này, nhưng khi mang về đây dông ốm đi, không thể sánh với dông tại chỗ.