Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Cửa sổ tâm hồn

Gà trống nuôi con

Đăng lúc 08:45 ngày 20/06/2013

Đôi khi tôi nghĩ, trong hai giới đàn ông và đàn bà, chưa biết ai khổ hơn ai, nhất là khi vướng vào cảnh một mình nuôi con. Cho dù có gọi bằng trăm ngàn cái tên mỹ miều, việc chọn lựa kiểu sống này hoàn toàn không phải là điều tôi muốn.


 
Hoàn cảnh đẩy đưa, số phận sắp đặt, chẳng lẽ con mình đã mất mẹ, lại để con mất luôn cả bố, nên tôi cố gắng sống “một mình bằng hai” để con cảm thấy đỡ trống trải. Nhưng những buổi chiều đón con về - con trai tôi đã năm tuổi, sắp vào lớp 1, hai thằng đàn ông một lớn một bé lụi hụi lau dọn nhà cửa, cơm nước, tôi cứ thấy chống chếnh thế nào. Ngày mới ly hôn, con trai bốn tuổi tỏ ra rất anh hùng “con ở với bố”. Nhưng chỉ hai ngày sau là cu cậu khóc đêm èo ẹo đòi mẹ, đòi em. Tôi cũng chẳng biết làm sao, chỉ biết ôm con dỗ, một hồi mới nhận ra mình nói đi nói lại mãi cái câu “ở đây với bố, con ạ, bố cô đơn lắm, con ở đây với bố…” trong khi thằng bé ngủ từ lúc nào.
 
Tôi không phải là người đàn ông ngại bếp núc, việc nhà từ lau dọn đến chợ búa, nấu nướng, tôi làm được cả. Đàn ông vụng về thật, song không đến nỗi không nấu được cho con ăn, tắm rửa cho con hay chở con đi chơi. Nhưng đời đâu chỉ chừng ấy việc, khoảng trống mà vợ tôi để lại vẫn chẳng thể lấp được. Buổi chiều xuống sân chung cư chơi, hay khi đón con ở trường về, cứ thấy người mẹ nào đang dẫn con đi chơi là cháu nhìn theo. Tôi xót lắm. Tôi ân hận vì thất bại của mình trong hôn nhân đã đổ lên vai con trẻ. Ngày trước, cũng vì nỗi day dứt này, tôi đã mấy lần rút đơn ly hôn, nhưng cô ấy không quay lại.
 
 
Đơn thân làm bố, có khi tất bật lo lắng, nhất là khi con ốm đau, cả bố cả con đều nhàu nhĩ. Nhưng cũng có khi thảnh thơi lạ thường, không cần phải tranh cãi, không cần phải phụ thuộc ai. Cũng lạ, nhiều khi tôi nghĩ vì đơn thân, tôi đã sống có trách nhiệm hơn: đưa con đi học, đón con về, nấu cơm, chơi với con một trò gì đó hoặc đơn giản hai cha con cùng ngồi coi ti vi rồi đi ngủ. Tôi tự giác bớt dần những cuộc lai rai bạn bè nhậu nhẹt, không phải vì ai đó cằn nhằn, mà vì không bỏ con ở nhà một mình được. Ông bà nội cháu thì ở xa. Nhìn lại hơn hai năm một mình nuôi con, tôi thấy mình đã chín chắn hơn nhiều.
 
Mà cũng vui, tình cảnh gà trống nuôi con của tôi được các chị em ở cơ quan cực kỳ quan tâm, thông cảm. Các chị để dành cho “tía thằng Bo” những thứ quà lặt vặt, lốc sữa, bịch bánh snack, đồ chơi trẻ em, đôi khi còn cả bộ đồ hay cái áo thun có hình ngộ nghĩnh. Các em thì hay tò mò, hỏi thăm cuối tuần này hai cha con đi đâu chơi, hay anh đi chợ nấu ăn thế nào, có nấu được món này món kia không… Có bữa một nàng đã tự mua vé rủ cả hai cha con chiều Chủ nhật đi xem phim Người sắt. Hôm đó, cu Bo về cứ hỏi “cô đó có tới nhà mình chơi nữa không bố?”. Chừng như thằng bé có vẻ cũng lo lắng khi trong cuộc sống của hai cha con xuất hiện bóng người phụ nữ khác. Tội nghiệp con, và cũng tội nghiệp cái thằng tôi, hễ có đám nào hơi hơi được tí là cả đám chị em trong công ty lại đốc thúc vun vào “Được đấy!”, “Chị thấy cũng được rồi. Đàn ông ở một mình mãi nó hâm hâm người đi đấy em ạ!”.
 
Đơn thân làm bố, tôi hiểu hơn giá trị của người phụ nữ. Tôi biết trước sau gì rồi mình cũng sẽ chia sẻ cuộc sống này cùng ai đó thôi. Đàn ông sống một mình, hay đàn bà sống một mình, cũng đều là trái lẽ tự nhiên. Nhưng tôi không tìm một người làm việc nhà, hay đưa đón chăm sóc con cái thay tôi - trong tôi, và trong con trai tôi, vĩnh viễn có một ông bố đơn thân và một cậu bé con trai của ông bố ấy. Người phụ nữ nào yêu thương và chia sẻ với tôi quãng đời trước mắt sẽ phải học cách để hiểu và chấp nhận cả điều ấy nữa, nếu số phận cho tôi làm lại cuộc hôn nhân của mình…
 
Sưu tầm



Qua Tang Online