Trẻ con làng trên xóm dưới ngày nào cũng ngóng dì Hai để được ăn món đậu hủ nóng hổi phần vì chỉ 500 đến 1.000 đồng một chén, phần cũng để thoả cái thú... ăn hàng.
Dì Hai bảo: "Bà ngoại và cả mẹ của dì đã gánh cái gánh này đi hết tất cả các con đường quanh co của ấp Tư Lễ, làng Xuân Lâm - Cẩm Phô sang đến làng Thanh Nam, Xuyên Trung - Cẩm Nam từ hồi trước đến chừ".
Đậu hủ - món phổ biến ở Hội An - làm bằng đậu nành, nhưng để làm được phải trải qua một quá trình chế tác và cần có kinh nghiệm "gia truyền".
Đậu nành bóc sạch vỏ ngâm nước, xay nát cho vào vải lọc lấy tinh chất rồi pha thêm thạch cao nấu để sữa đậu dễ đông lại. Thạch được cho vào nồi nung nóng, sau đó nghiền thành bột rồi pha với một tỷ lệ vừa phải. Chỉ quen tay mới pha chế được vì nếu thạch nhiều hoặc ít một tí là sữa đậu sẽ không đông lại mà bị vữa nát.
Ăn đậu hủ ngon hay không là nhờ một phần nước đường đổ lên trên chén đậu. Đường bát phải ngon, thắng nước vừa có độ keo, ngọt lịm nhưng không bị khét. Trong nước đường có thêm một ít gừng cho có vị cay tăng thêm phần ý vị. Đậu hủ chỉ bán gánh, đậu đựng trong hũ sành, chung quanh quấn một lớp rơm rạ giữ độ nóng lâu hơn, bên ngoài có một giỏ tre bảo vệ và tiện gánh đi rong.
Dì Hai nói: "Có lúc tôi đã muốn nghỉ bán vì ngày chỉ kiếm được 10.000 - 20.000 đồng, đi làm ở mấy khách sạn có tiền hơn. Nói rứa chứ không thể nghỉ được, một phần nhớ tụi nhỏ ở mấy cái xóm kia, phần tụi nó cũng thèm gánh đậu!".