Ăn uống là điều thú vị và cũng rất quan trọng ở... tuổi dậy thì để đạt tới chiều cao và phần nào cân nặng khi trưởng thành. Tuy nhiên, hiện nay trẻ em thường ăn theo... sở thích và nhiều khi theo quảng cáo, do đó fast food rất được ưa chuộng. Điều đó lợi hay hại?
Đúng là ở tuổi này cần ăn nhiều hơn người lớn, cả về lượng lẫn về chất. Không bỏ qua bữa nào, nhất là bữa điểm tâm, vì bữa chiều hôm trước cách đến 8 - 10 giờ, nếu nhịn ăn thì vào lớp không ngáp cũng ngủ gật, có khi mệt quá xỉu cũng không biết chừng! (nữ cần 2.500 calo/ngày so với tuổi trưởng thành cần 2.000; nam 2.900 calo/ngày so với nam tuổi trưởng thành cần khoảng 2.600).
Fast food “thức ăn nhanh” có nên? Đây là những thứ ăn uống được hấp thu nhanh ở khúc 25cm tá tràng như nước ngọt, gà rán, hăm-bua-gơ, mì Ý, sôcôla, kẹo, bánh ngọt... Trong số này có nhiều “bài trùng” tích năng lượng rất dễ tăng cân như thịt bò bít tết, khoai tây chiên, vì xà lách chỉ có vài lá, cà chua 1 khoanh... có tính cách “trang trí” hơn là cung cấp chất xơ. Khoai tây lát mỏng chiên giòn “ăn hoài không chán” càng khó giới hạn mức chất béo ăn vào (= 2 muỗng xúp/ngày).
Uống thì đương nhiên là nước ngọt Pepsi, Coca (cũng dễ làm mập) trong khi cần uống sữa bột bớt béo - để thêm chiều cao và tránh “xổ sữa”, “mất eo”. Tương tự, thịt gà hay cá “fast food” thường tẩm bột chiên, trong khi cần ăn thịt nạc, ít mỡ, thịt gà, vịt nên bỏ da (vì da rất béo), tựa như ăn phở nên kén nước trong (thay vì nước béo).
Dành đủ thì giờ cho mỗi bữa ăn, khoảng 30 phút, để có thời gian nhai kỹ, hết sức tránh vừa ăn vừa coi tivi hay làm việc khác, khi “nghe bụng” no thì ngưng ăn.
Tập phân biệt “bạn” và “thù” trong nếp sống ăn uống: "Bạn":
Ăn có rau, trái cây tươi nhiều nước, ít ngọt.
Cá: thịt nạc, tàu hũ,sữa gầy, nước tinh khiết... Ăn, uống cho vừa đủ thỏa mãn bao tử. Ăn sạch, uống chín (uống nước chín, nước dừa, nước cam, nước tắc..). Tập thể dục, chơi thể thao nơi không khí trong lành...
"Thù": Ăn nhanh, uống vội. Rượu, nước ngọt, thuốc lá, đường, kẹo, bánh ngọt, kem, thịt mỡ, sôcôla, sữa (sôcôla đắng đắng thỉnh thoảng một lần thì được)...
Không nhịn ăn bất cứ bữa nào, vì bữa sau sẽ cảm thấy đói và ăn bù lại có khi còn nhiều hơn bữa ăn đã nhịn! Đừng bao giờ để bụng rỗng, nhưng cũng đừng bao giờ ăn quá no. Áp dụng hai nguyên tắc của “đồng hồ sinh học”. Thứ nhất là muốn ăn nhiều thì nên tập trung vào bữa điểm tâm (vì sẽ có dịp tiêu hao), trưa ăn vừa phải, cuối ngày thì ăn ít đi. Thứ hai là về chiều, cũng không nên ăn nhiều chất béo, vì không được tiêu hao, ắt sẽ được đắp vào bụng, vào mông!
Cần tăng mức hoạt động chân tay như đi bách bộ, xe đạp, tập thể dục nhịp điệu, bơi lội v.v... chừng 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày. Cần sắp xếp sao cho những sinh hoạt này trở nên thường xuyên trong nếp sống hằng ngày như rửa mặt, đánh răng, rửa tay... thì sẽ không ngại.
Khuyến khích các em “trở về thiên nhiên” ăn nhiều chất xơ từ gạo lức, từ các loại rau lá (càng xanh đậm chừng nào càng tốt chừng nấy), rau củ, quả, hoa, giá... càng nhiều màu sắc đỏ, vàng càng bảo đảm nhiều muối khoáng, sinh tố. Đồ uống thì có thạch, xu xoa, uống nước giải khát có hạt é, vài mét ruột sau tá tràng có “việc làm” chắc chắn sẽ có những sớm mai nhuận trường tươi sáng!