Gửi tất cả những người phụ nữ cảm thấy bế tắc trong cuộc đời mình
Đăng lúc 21:55 ngày 20/08/2013
Ngày hôm kia, vào lúc 4 giờ sáng, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn tôi, người sắp sửa từ bỏ cuộc sống độc thân và bước chân vào một cuộc sống hôn nhân gia đình. Cô ấy nói rằng không còn lý do gì khiến cô ấy cảm thấy muốn tiếp tục sống.
Tôi đã không trả lời cô ấy vào lúc đó, vì tôi có tiết dạy lúc 9h sang ngày hôm ấy, và kì thi GRE tuần tới cũng như rất nhiều việc cần phải làm khiến tôi không thể cố hơn một chút để an ủi bạn tôi lúc cô ấy cần.
Bởi vậy, mẩu nhỏ này dành cho Liên, và tất cả những người phụ nữ đã, đang, và sẽ cảm thấy mình bất lực trong cuộc sống hiện tại của mình.
Khi người ta bị bó buộc trong những tủn mủn thường ngày và những vấn đề khó khăn gặp phải, người ta không muốn nghe người khác nói về những vấn đề triết lý cao siêu, những lý thuyết, những tư tưởng, những học giả, nhưng tôi buộc phải trích dẫn C. Wright Mills, một trong những nhà xã hội học có ảnh hưởng nhất thế kỉ 20, để làm lời mở đầu cho mẩu nhỏ này. Mills là người đưa ra khái niệm về sociological imagination, mà tôi chưa nghĩ ra cách nào để dịch khái niệm này. Nhưng nói một cách đơn giản, nó là khả năng liên hệ giữa những vấn đề cá nhân của bản thân với những vấn đề xã hội đã xảy ra trong lịch sử.
Nói cách khác, những vấn đề mà chúng ta gặp phải hàng ngày chưa bao giờ là vấn đề của riêng một người, mà luôn là hệ quả của những sự kiện xã hội, lịch sử, văn hoá, kinh tế, chính trị. Và nếu hiểu được điều này, ít nhất chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn một chút, không phải vì “thì ra mình không phải là người duy nhất gặp rắc rối, may quá người khác cũng như mình”, mà bởi vì “mình cũng chỉ là một trong những nạn nhân của những vấn đề to lớn xung quanh mình”.
Tại sao tôi lại dùng Mills để mở đầu bức thư này – vì một điều đơn giản, Liên không phải là người phụ nữ duy nhất trong thế kỉ 21, cầu tiến, tiến bộ trong tư tưởng, có học thức, độc lập tự chủ trong tư duy, dám đi xa, dám đứng một mình, dám tồn tại trong những môi trường khắc nghiệt, cạnh tranh của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phương tây. Liên cũng không phải là người phụ nữ duy nhất sau một khoảng thời gian bôn ba như thế, chọn quay trở lại cuộc sống thường tình của một người phụ nữ truyền thống với những vai trò giới được gán, đáp ứng những hy vọng và những đòi hỏi mà xã hội Việt Nam truyền thống áp đặt lên người phụ nữ: làm một người vợ, một người mẹ, một người phụ nữ của gia đình.
Những kiến thức, những tư tưởng chúng ta học được ở những đất nước tiên tiến, tốt nhất nên quên đi, vì nó không những không tương thích với vai trò giới cũ kĩ, mà trái lại còn đối ngược với nó. Và trong một cảnh giới nào đó, những tư tưởng tiến bộ giải phóng phụ nữ đã không ngần ngại gọi tên cái truyền thống gia đình của xã hội Việt Nam và châu Á nói chung là phân biệt giới, là đàn áp, là bóc lột và không bảo vệ quyền lợi người phụ nữ. Ít người dám thẳng thắn thừa nhận điều này – không phải nam giới. Nhưng lạ kì làm sao, phụ nữ cũng e dè sợ hãi khi phải đối diện với sự thực này. Vì chúng ta vẫn tin vào trách nhiệm thiêng liêng của người mẹ, chúng ta vẫn tin vào câu nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, chúng ta vẫn chấp nhận lời ông cha dạy từ xa xưa “tam tòng tứ đức” là những thứ phụ nữ cần nghe theo.
Nên thẳng thắn thừa nhận với nhau một điều, xã hội Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng nhiều của xã hội phong kiến Trung Quốc, đó là một xã hội phụ hệ nơi nam giới nắm quyền quyết định mọi điều kể cả thân phận người phụ nữ. Bởi vậy tất cả những gì được gọi là “truyền thống”, được ghi nhận trong “văn hoá”, kể từ ngôn ngữ, cho đến tập tục, cho đến những chuẩn mực xã hội, tất cả đều phản ánh tính chất của một chế độ xã hội phụ hệ. Ngay cả khi tôi nói bên trên “những lời ông cha dạy từ xa xưa” – bản thân nó cũng là một ví dụ: tại sao lại là “ông cha” mà không phải “bà và mẹ”?
Từ đó chúng ta có thể nhận ra một điều rõ ràng – nam giới đã luôn là người định đoạt và quyết định luật lệ, lề thói, chuẩn mực của xã hội. Không chỉ là một nam giới bất kì – mà là nam giới có chỗ đứng cao trong xã hội xa xưa: vua chúa, học giả, những nhà triết gia, etc. Chúng ta có thể không đồng tình, và nói rằng “nhưng mẹ tôi là người dạy tôi những điều này chứ không phải bố” – đúng vậy. Cũng đừng quên mẹ chúng ta được dạy từ bà, bà chúng ta được dạy từ những người phụ nữ đi trước, và những người phụ nữ đi trước được dạy dỗ cũng như ép buộc và đàn áp bởi cái xã hội phong kiến còn đàn áp phụ nữ hơn rất nhiều so với xã hội bây giờ, nhân danh cái gọi là “truyền thống”, là “chuẩn mực” được đề ra tại thời điểm hiện tại.
Trước khi cau mày với những nhận định này, chúng ta phải hiểu nguồn cơn và sự khác biệt của văn hoá và cấu trúc xã hội. Văn hoá được xây dựng bởi nền tảng của niềm tin, tư duy, kiến thức, chuẩn mực, tập tục – những thứ luật lệ không-chính-thức trong xã hội. Trong khi đó, cấu trúc xã hội là cơ cấu tổ chức của một hệ thống xã hội với cấp bậc được phân biệt rõ ràng cùng với tính năng của từng tổ chức xã hội. Cấu trúc xã hội sẽ quyết định những luật lệ chính quy mà xã hội buộc phải tuân theo – ví dụ như luật pháp đương đại, những điều được quy định giấy trắng mực đen và áp buộc phải thi hành, nếu không sẽ chịu sự trừng phạt của tổ chức xã hội chịu trách nhiệm về quyết định và thi hành luật. Tuy nhiên, hai thành tố cấu thành xã hội này có một sự lien kết chặt chẽ: văn hoá phản ánh chiều hướng của cấu trúc xã hội, và cấu trúc xã hội quyết định hướng phát triển của văn hoá.
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu hơn: nếu như chế độ xã hội của chúng ta là xã hội phụ hệ, nam quyền, nơi chủ yếu nam giới nắm quyền trong những tổ chức xã hội, nơi tiếng nói của họ có trọng lượng và có quyền lực và mang tính quyết định đối với mọi vấn đề, thì những chuẩn mực, quy định đặt ra đương nhiên sẽ phản ánh quyền lợi của họ.
Nói như vậy, không phải là để chỉ trích nam giới nói chung, mà điều tôi muốn hướng đến là chế độ xã hội, cấu trúc xã hội và nền văn hoá của chúng ta đã phản ánh một hệ thống tư tưởng thống trị trong đó vai trò của người phụ nữ bị coi rẻ, sự tồn tại của họ bị xem nhẹ, chúng như quyền lợi của họ hoàn toàn không được tính đến – tôi không muốn nói là bị tước đoạt, bởi vì họ đã từng được cho cái gì để mà bị tước đoạt? Và trong hoàn cảnh xã hội như vậy, mọi nam giới và mọi nữ giới khi sinh ra đều được giáo dục, rèn giũa để cư xử thích hợp với chế độ xã hội và văn hoá như thế. Đây là lỗi hệ thống, không phải lỗi cá nhân – nhưng điều nguy hiểm của nó là khi cá nhân đã hoàn toàn đồng hoá bản thân vào với truyền thống, chuẩn mực, họ chấp nhận điều đó như một điều đương nhiên và không đặt câu hỏi về những giá trị mà họ đã được dạy để trở thành.
Nhiều người sẽ không đồng ý với tôi rằng xã hội hiện đại bây giờ vẫn còn phân biệt giới tính, và chúng ta đã tiến bộ nhiều rồi. Hãy thử nhìn vào một ví dụ thế này: trước đây khi người phụ nữ quan hệ trước hôn nhân hoặc bị cưỡng hiếp và có thai, ai là người bị cạo đầu bôi vôi thả trôi sông, trong khi chúng ta đều biết, phụ nữ không thể tự mang thai được? Xã hội bây giờ đã trở nên tiến bộ nhiều lắm rồi, bởi vậy phụ nữ không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm nữa, vậy tại sao mỗi khi có clip sex tung ra, phụ nữ lúc nào cũng là người bị chịu búa rìu dư luận và bị lên án bằng những từ ngữ không ra gì, đả phá về mặt nhân cách, về phẩm chất, về đạo đức, trong khi đó, hãy thẳng thắn với nhau mà nói, nam nữ tằng tịu là chuyện bình thường, không có chuyện này thì liệu chúng ta có mặt ở đây mà ngồi nói với nhau những điều đao to búa lớn? Đây là một hiện tượng được gọi là “đổ lỗi cho nạn nhân”, điều xảy ra xuyên suốt lịch sử của chế độ phụ hệ, cắt ngang qua mọi nền văn hoá do nam giới nắm quyền. Đừng nghĩ rằng xã hội phương tây khác biệt nhiều – nó còn tệ hơn theo một nghĩa nào đó, nhưng tôi không muốn viết về điều đó trong phạm vi bài viết này.
Quay trở lại với câu chuyện của bạn tôi và vấn đề mà những người phụ nữ cũng đang cảm thấy mình bế tắc – điều này được gọi là sự xung đột của các giá trị tư tưởng, khi hệ tư tưởng của chủ thể không thích ứng với những giá trị của xã hội đặt vào chúng ta – cái mà Durkheim gọi là “anomie” đồng thời cũng là lý do dẫn đến hiện tượng tự tử của một thế hệ thanh niên ở Pháp cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19 như ông đã diễn giải trong công trình nghiên cứu “Suicide” của mình. Tại sao từ câu chuyện nhỏ của bạn tôi mà tôi phải viết một bài viết dài dòng như thế này, nói về những vấn đề mà khi một người buồn bã, cô độc, bế tắc chắc chắn đây là những điều họ không muốn nghe nhất?
Hãy nhớ lại những gì tôi nói từ đầu bài – vì những vấn đề cá nhân của chúng ta chưa bao giờ là vấn đề cá nhân cả, đó phải là kết quả của hàng trăm những vấn đề xã hội có cội nguồn sâu xa từ lịch sử, văn hoá, kinh tế, chính trị. Và việc một cô dâu sợ hãi cuộc sống hôn nhân gia đình – không hẳn cô ấy sợ hãi cuộc sống hôn nhân gia đình, mà những gì cô ấy phải đánh đổi và phải bỏ quên, cái phần bản thân mà cô ấy phải từ bỏ để đóng vai một người vợ, một người mẹ, một người con dâu, gánh trên vai cái trách nhiệm phải đối diện không chỉ với một gia đình nhà chồng mà là cả một hệ thống đồ sộ những tư tưởng phong kiến và những quan niệm phong kiến về vai trò giới trong đó cô ấy không có một cách nào để chống chọi lại. Nó được che phủ dưới những cụm từ như “mẹ chồng – nàng dâu” và được hoá trang cho trông giống như chỉ là chuyện đàn bà con gà chậu nước, nhưng đằng sau mối quan hệ này là sừng sững một hệ thống xã hội đã dồn lên vai người phụ nữ và tước đi tiếng nói lẫn quyền sống của họ.
Và điều đáng buồn hơn cả, là việc người tiếp tục tái sản xuất ra sự đàn áp phụ nữ trong mối quan hệ không lành mạnh này, lại là người phụ nữ đã chịu một cuộc đời y hệt trước đó – bởi vì họ đã bị nuôi dạy và đàn áp trong chế độ như thế, và họ nảy sinh cái mà từ Satre đến Memmi, Fanon, đến Freire gọi là “internalization of oppression” – nghĩa là “sự tiếp thu và chấp nhận việc bị đàn áp như một điều tự nhiên” trong lòng, cùng với đó là cái mà Nietszche gọi là “resentiment” – trong trường hợp này là sự oán giận một cách vô thức và sự trả thù lên người phụ nữ sau mình: tôi đã phải chịu cuộc đời như thế này, cô cũng sẽ phải chịu cuộc đời như thế. Tất nhiên, để bàn them về những gì tôi vừa nói thì sẽ yêu cầu dài dòng hơn nữa, vì họ đã viết không biết bao nhiêu quyển sách để bàn về vấn đề này. Tôi chỉ xin nêu ra những ý phổ quát nhất và hy vọng nó đủ dễ hiểu để nói với nhau trong phạm vi một cái note thong thường.
Sẽ có nhiều người không đồng tình với những gì tôi vừa nói ra – và họ có quyền làm vậy, suy cho cùng, giữ cho chặt những cái giá trị mà họ đã được dạy cho một cách vô thức từ khi còn là một đứa trẻ, là điều mà gần như cả thế giới này làm. Tuy vậy hãy nhớ một điều tiên quyết: chúng ta không sinh ra với tất cả những tư duy như vậy, chúng ta được dạy để ứng xử theo chuẩn mực đó.
Một lần nữa quay trở lại câu chuyện của bạn tôi, tôi đã không biết bạn đã cảm giác thế nào. Đáng lẽ ra tôi phải nói những lời an ủi, như những gì người ta thường làm trong những lúc buồn thương – nói rằng “thôi không sao đâu, rồi sẽ quen ấy mà”, “ai mà chẳng phải sống đời như thế”, “chịu một tí rồi nó cũng sẽ quen”, “không có gì khó đâu”. Nhưng tôi không nói được những lời như thế.
Vì tôi nhìn ra xung quanh tôi những cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất cũng vẫn có những giọt nước mắt lặng thầm của những người phụ nữ và họ bảo nhau “chịu đựng đi, chịu đựng đi, hy sinh vì con cái”, và dù cho tôi rất biết ơn những người mẹ đã chịu đựng, đã hy sinh vì con cái trong đó có mẹ tôi – tôi vẫn phải đặt câu hỏi rằng: tại sao cái hy sinh, cái chịu đựng đó lại là cái mà xã hội bắt người phụ nữ phải gánh chịu? Và tôi từ chối nói ra những lời sẽ tiếp sức cho cái vòng luẩn quẩn của xã hội nam quyền đàn áp người phụ nữ được tiếp tục, và tôi làm một điều đơn giản, đó là gọi tên cái cuộc sống hôn nhân gia đình trong bối cảnh xã hội nam quyền ra, chỉ là cái gông cuối cùng và nặng nề nhất mà xã hội sẽ tròng lên cổ người phụ nữ.
Trước khi có bất kì ai sẽ đặt những câu hỏi thách thức tôi (mà nhiều người rất thường làm) rằng “có giỏi thì không lấy chồng đi” và “xã hội nó thế đấy, thích thì thay đổi được à” – tôi xin nhấn mạnh lại điều tôi hướng đến không phải là giải quyết những vấn đề cá nhân và đưa ra những phương hướng giải quyết tạm thời như lấy chồng nước ngoài, sống độc thân, làm mẹ đơn thân, lấy chồng mồ côi etc, mà là chỉ ra cái sai sót cơ bản và hệ thống của nền văn hoá và chế độ xã hội nam quyền, và mong muốn của tôi chỉ đơn giản là khi người phụ nữ hiểu ra tất cả chúng ta là nạn nhân của cái hệ thống xã hội đó – ít nhất điều đó sẽ khiến chúng ta nhẹ lòng đi một chút và giải phóng bản thân khỏi những gông cùm của tư duy.
Và lời nhắn gửi đối với bạn tôi: hôn nhân là điều thiêng liêng, tình yêu là điều cao cả, việc được ở bên người mình yêu đáng lẽ phải là điều sẽ chắp cánh cho chúng ta bay xa hơn nữa trong cuộc đời này. Nhưng đáng tiếc xã hội đã gắn cho hôn nhân những giá trị tiêu cực quá (chúng ta đều biết chỉ chẳng qua chúng ta ngại gọi tên) nên nhiều khi chúng ta nghe những câu chuyện cô dâu chạy trốn trong ngày cưới mà báo chí các chị Thanh Tâm gọi là “khủng hoảng tiền hôn nhân”. Tôi cũng không biết viết những điều này ra bạn tôi liệu có đọc, hoặc nếu có đọc, thì sẽ cảm thấy thông suốt hơn đôi chút, hay sẽ giận hờn vì tôi đã không nói dối như bao nhiêu người khác. Nếu có, điều duy nhất tôi có thể nói với bạn tôi, đó là hãy dám xây dựng cuộc sống hôn nhân như bạn muốn, bắt đầu bằng việc có một người bạn đời hiểu những gì bạn sẽ phải trải qua với tư cách một người phụ nữ và vợ anh ta, và nếu như có những người nhân danh xã hội để thách thức điều đó, hãy có can đảm để chỉ mặt đặt tên họ ra bằng những điều tôi vừa viết.
Và tôi đã dành 3 tiếng đồng hồ trong ngày chủ nhật mà tôi đáng lẽ đã phải vùi đầu vào GRE để viết những lời này. Hy vọng điều đó đã đủ để chứng minh lòng thành của tôi với bạn.
Sưu tầm