Khơi dậy thói quen đọc sách thời công nghệ số
Đăng lúc 15:56 ngày 28/08/2013
Ðã có những ý kiến cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của mạng in-tơ-nét và công nghệ số ngày nay đã khiến cho thói quen đọc sách mai một dần, thay vào đó là sự lấn át của văn hóa nghe, nhìn. Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng văn hóa đọc không mất đi, mà là có những cách tiếp cận mới để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội bùng nổ thông tin. Vấn đề nằm ở thói quen đọc sách, khả năng lựa chọn sách và cách đọc sách của mỗi người.
Trong khi các chương trình truyền hình thực tế đang được tung hô rầm rộ, các hình thức giải trí trên mạng ngày càng đa dạng với nghe nhạc, xem phim, chơi game... thì cô bạn Trần Ngọc Minh của tôi vẫn ngày ngày cần mẫn làm đầy thêm ba kệ sách của mình. Theo ngành công nghệ thông tin, một ngành học nghe có vẻ không mấy liên quan đến sách, vậy mà cô gái Hà Nội này vẫn giữ được niềm yêu thích và thói quen đọc sách của mình với bộ sưu tập khá "hoành tráng": hơn 2.000 cuốn sách đủ thể loại, từ những cuốn sách lâu năm cho đến sách vừa mới xuất bản. Minh chia sẻ: "Mình may mắn được ba mẹ và cô giáo rất ủng hộ thói quen đọc và mua sách từ thời phổ thông. Mặc dù cũng tham khảo tài liệu trên mạng, cũng sử dụng e-book (sách điện tử), nhưng mình không quên dành một khoảng thời gian nhất định để la cà các hiệu sách, tham gia các câu lạc bộ sách". Không chỉ tích cực mua và đọc, Minh còn rất chịu khó giới thiệu các đầu sách hay, cho bạn bè mượn tham khảo. Trong khi văn hóa đọc bị cho là đang xuống cấp như hiện nay, còn rất nhiều bạn trẻ như Minh vẫn gìn giữ được thói quen tốt và cũng là một nét văn hóa này. Quan sát tại các hội chợ sách, các triển lãm sách hoặc ngày hội đọc sách, số lượng độc giả trẻ, nhất là trong độ tuổi học sinh-sinh viên luôn có mặt và chiếm một lượng không nhỏ.
Một doanh nhân 36 tuổi và cũng là độc giả trung thành của sách, anh Ðỗ Luân khẳng định: "Công nghệ nghe, nhìn phát triển, mạng là kho dữ liệu khổng lồ nhưng vẫn nên đọc sách dù là hình thức nào. Riêng với tôi thì sách giấy là bộ sưu tập tuyệt vời, đọc sách in vẫn cho một cảm giác chân thật nhất. Có những thứ điện tử hóa được, có những thứ thì không".
Ðó là những tín hiệu đáng mừng cho thấy văn hóa đọc vẫn có sức sống mạnh mẽ và bền bỉ trong lòng công chúng. Tuy nhiên, trên thực tế cũng cần nhìn nhận một số góc khuất của văn hóa đọc, chẳng hạn như việc nhiều người chỉ tìm đến sách khi cần thông tin cho học tập, công việc, chứ không tạo thành thói quen. Văn hóa đọc không phải chỉ là đọc một vài cuốn sách, mà phải là sự quan tâm, yêu thích xuất phát từ chính bản thân, và điều này cần được gia đình, nhà trường và xã hội tạo điều kiện cho mỗi cá nhân một cách lâu dài, qua sự định hướng, qua cách dạy và học, qua những thông tin tuyên truyền... Công nghệ đang phát triển mạnh mẽ với quy mô toàn cầu song trên thế giới, người dân các nước vẫn duy trì thói quen đọc sách in truyền thống, chứ không phải chỉ xem ti-vi và truy cập in-tơ-nét. Sách vẫn là một phương tiện có sức lan tỏa mạnh mẽ để truyền đạt kho tàng tri thức của nhân loại, đồng thời mang lại những suy nghĩ, cảm xúc riêng cho mỗi người, theo cách nói như dịch giả Nguyễn Bích Lan thì: "Ðọc sách còn là cách để trải nghiệm cuộc sống và làm tâm hồn con người ta thăng hoa".
Một thực trạng đáng buồn khác của văn hóa đọc đó là sự lép vế của những cuốn sách văn học kinh điển, có giá trị tri thức và tinh thần trước dòng sách thị trường mang tính giải trí và thời vụ. Ðã có các tác phẩm văn chương đoạt giải của các giải thưởng văn học uy tín, những quyển sách được xếp vào hàng sách hay trên thế giới, thế nhưng ở Việt Nam, con số xuất bản chỉ khoảng vài nghìn, vậy mà vẫn bị tồn kho, vẫn phải xếp vào loại sách giảm giá. Trong khi đó, nhiều tiểu thuyết diễm tình lê thê, nhạt nhẽo, tập truyện chứa đầy yếu tố giật gân, bạo lực và sex... thì lại được ưa chuộng và bán rất chạy, nhưng nhanh hết thời và không đọng lại gì bổ ích cho người đọc. Quả thật, sự nở rộ của văn học mạng và xuất bản ồ ạt những cuốn sách chỉ hướng đến một lượng độc giả nhỏ hẹp đã làm gia tăng khoảng cách giữa chất lượng với số lượng của những cuốn sách ăn khách. Bàn về vấn đề này, Giám đốc NXB Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, các NXB có vai trò rất lớn trong việc giúp độc giả lựa chọn sách, vừa phải làm tốt vai trò xuất bản sách đa dạng nhưng có chọn lọc, vừa sử dụng chính công nghệ số để đưa thông tin tóm tắt về sách lên mạng, xây dựng diễn đàn thảo luận, v.v. Với hệ thống sách được phân loại phong phú như sách khoa học, nghề nghiệp, văn chương, sách kỹ năng mềm, kinh doanh, ngoại ngữ, sách thiếu nhi... người đọc nên xác định nhu cầu và tìm hiểu thông tin qua in-tơ-nét, qua bạn bè người thân trước khi mua hay đọc một cuốn sách nào đó. Mặt khác, các nhà quản lý cũng cần kiểm soát chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc những sản phẩm không phù hợp với nền văn hóa Việt Nam được phát tán rộng rãi.
Việc "số hóa văn hóa đọc" hiện nay còn ghi nhận sự xuất hiện của một hình thức mới: sách điện tử (e-book). Ðược tích hợp trên các thiết bị như máy tính, laptop, điện thoại di động, máy đọc sách với dung lượng khổng lồ, mua bán nhanh chóng thuận tiện, e-book được lựa chọn như một giải pháp đọc sách tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ða số sinh viên, công chức, đặc biệt là ở các thành phố, không còn xa lạ gì với việc sử dụng e-book để học tập, nghiên cứu, giải trí... Tuy nhiên, sự phát triển e-book cũng song hành với vấn đề vi phạm bản quyền ngày càng trầm trọng khi nhiều trang mạng có thể ngang nhiên chia sẻ sách mà không xin phép. Trong khi tình trạng sách in lậu vẫn còn tràn lan, nay lại thêm việc sách điện tử lậu hoành hành thì hồi chuông về văn hóa tôn trọng bản quyền lại được gióng lên. Tại Ngày hội đọc sách miễn phí tại Hà Nội hồi năm 2012, Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: "Giải pháp cần phải từ nhiều phía. Cơ quan chức năng có trách nhiệm nghiêm cấm, xử phạt người vi phạm, nhưng độc giả cũng nên có ý thức tẩy chay sách lậu, không mua, không tải sách lậu. Những loại sách này giá rẻ hơn một chút nhưng chất lượng kém hơn rất nhiều".
Mặc dù còn tồn tại những vấn đề như trên, song văn hóa đọc vẫn có những nền tảng và cơ hội trong thời đại công nghệ số này. Những trào lưu phản văn hóa như phổ biến sách lậu hay văn học mạng chất lượng thấp, vi phạm thuần phong mỹ tục... sẽ dần bị đào thải nhờ suy nghĩ tích cực của những độc giả chân chính, cũng như sự hỗ trợ, kiểm soát của cơ quan quản lý. Theo Cục xuất bản, năm 2011 toàn ngành xuất bản hơn 27.000 đầu sách, với gần 294 triệu bản sách, tăng 7% so với năm trước. Con số này chưa bao gồm số lượng bản in "ngoài luồng", rõ ràng cho thấy người ta mua sách nhiều hơn. Văn hóa đọc không biến mất đi, nhưng nó cần được đánh thức.
Xin mượn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Trung để thay lời kết: "Ðọc sách là con đường ngắn nhất đi tới hiểu biết cuộc sống đang ngày càng mở rộng với vận tốc ngày càng nhanh. Ðọc sách sẽ giúp mình được rảnh rỗi hơn nhiều trong công việc, bình tĩnh hơn nhiều trong cuộc đời".
Sưu tầm Internet